Internet vạn vật sẽ giúp thế giới vượt qua đại dịch COVID-19

Bảo Bình| 02/09/2021 07:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), không chỉ là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Internet vạn vật (IoT) là con đường để giải quyết những thách thức quan trọng nhất của nhân loại, đặc biệt trong công cuộc đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, công nghệ IoT đang tham gia vào các khâu từ phân phối vaccine, vận chuyển thực phẩm đến làm việc từ xa. Các chuyên gia của WEF dự báo IoT sẽ góp phần thúc đẩy khả năng phục hồi của toàn cầu trước đại dịch COVID-19.

Ứng dụng Internet vạn vật vào giải pháp điều trị bệnh nhân COVID-19

Mới đây, công ty Y tế iParamed đã làm việc với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) về một giải pháp công nghệ cao có tên là Tele-ICU Monitoring liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo hãng này, công nghệ này đã được áp dụng từ ngày 13/8 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, một trong những cơ sở y tế hàng đầu trong điều trị COVID-19 ở phía Nam hiện nay.

Điều đáng nói là giải pháp công nghệ cao Tele-ICU Monitoring sử dụng hệ thống IoT cho phép nhân viên y tế theo dõi từ xa tình trạng của bệnh nhân, dữ liệu được gửi từ một ứng dụng được kết nối với các thiết bị theo dõi bệnh nhân. Với giải pháp Tele-ICU Monitoring, các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân như đồng hồ đo mạch, ô xy trong máu và miếng dán đo nhịp tim, nhịp thở được cập nhật theo thời gian thực (real-time) liên tục 24/24 giờ trên màn hình tại trung tâm theo dõi. 

Theo đại diện của iParamed, giải pháp sẽ được nâng cấp dựa trên phản hồi của các bác sĩ để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy trình y tế tại bệnh viện.

Internet vạn vật sẽ giúp thế giới vượt qua đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Giải pháp công nghệ cao Tele-ICU Monitoring sử dụng hệ thống IoT cho phép nhân viên y tế theo dõi từ xa tình trạng của bệnh nhân theo thời gian thực

Giải pháp công nghệ cao Tele-ICU Monitoring chỉ là một ví dụ tại Việt Nam cho thấy việc ứng dụng công nghệIoT vào điều trị bệnh nhân COVID-19. Trên thế giới, đại dịch COVID-19 được cho là đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình ứng dụng công nghệ IoT. 

Theo báo cáo "Global Internet of Things in Retail Market By Component, By Technology, By Regional Outlook, COVID-19 Impact Analysis Report and Forecast, 2021 - 2027"), đại dịch COVID-19 toàn cầu đã ảnh hưởng đến chi tiêu IoT toàn cầu. Các thiết bị IoT được ứng dụng trong rất nhiều ngành. Chẳng hạn, các cảm biến được kết nối IoT, thẻ RFID và GPS để giám sát việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực, cung cấp khả năng quản lý chuỗi cung ứng dễ dàng. 

Công nghệ IoT còn giúp ngăn ngừa hư hỏng, mất mát hàng hóa trong quá trình vận chuyển, điều này rất hữu ích đối với các mặt hàng thực phẩm dễ hư hỏng. Dữ liệu thời gian thực về điều kiện giao thông, thời tiết và tốc độ của các phương tiện sẽ thúc đẩy hoạt động hậu cần thông minh. 

5 hành động nhằm phát huy hiệu quả công nghệ IoT

Hiện nay, thế giới đang nỗ lực tiêm vaccine cho mọi người dân nhằm phòng tránh và chiến đấu với đại dịch COVID-19. Trong đó, vận chuyển và bảo quản vaccine là những vấn đề quan trọng. Bởi vì vaccine rất nhạy cảm với nhiệt độ, nên việc vận chuyển và bảo quản vaccine đạt chuẩn sẽ mang lại sự an toàn cho hàng tỷ người trên thế giới. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong trường hợp này, các cảm biến và các thiết bị hỗ trợ Internet được cho là sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình này, giống như vai trò trung tâm và quan trọng của công nghệ nói chung trong suốt đại dịch.

Không chỉ thế, COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng toàn cầu hướng tới làm việc từ xa, làm giàu từ xa, học từ xa và tự động hóa, theo một báo cáo mới của WEF phối hợp với Hội đồng Internet vạn vật toàn cầu và PwC. Đại dịch cũng mang đến cơ hội áp dụng các công nghệ có thể "đeo" được như thiết bị theo dõi thể dục và thiết bị gia đình thông minh. Khi con người càng tăng sự phụ thuộc vào các công nghệ được kết nối, thì các rủi ro liên quan và nhu cầu quản trị tốt cũng nảy sinh.

Stella Ndabeni-Abrahams, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ số của Nam Phi và Đồng Chủ tịch Hội đồng IoT toàn cầu cho biết: “Quản trị công nghệ tiếp tục tụt hậu so với tốc độ thay đổi công nghệ. Chúng ta phải cùng nhau hành động ngay bây giờ để đảm bảo những công nghệ này trở thành động lực vì lợi ích xã hội, thay vì làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có”.

Internet vạn vật sẽ giúp thế giới vượt qua đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Internet vạn vật sẽ hỗ trợ thế giới đối phó với đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Theo báo cáo State of the Connected World của WEF, tăng cường bảo mật và quyền riêng tư không phải là điều ưu tiên duy nhất để hiện thực hóa tiềm năng của hàng tỷ thiết bị IoT. Khi thiết bị IoT tiếp tục mở rộng và cung cấp lợi ích mới cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng, việc quản trị các thiết bị IoT được xem là điều rất quan trọng. Dựa trên các cuộc khảo sát và phỏng vấn hơn 400 chuyên gia về các chủ đề trên toàn thế giới, kết quả báo cáo nêu bật 5 hành động cần thiết để có thể ứng dụng và phát huy hết hiệu quả của các thiết bị IoT. Đó là:

- Xây dựng tính minh bạch và niềm tin vào các công nghệ IoT.

- Đảm bảo quyền riêng tư công cộng và bảo mật.

- Cung cấp quyền truy cập thiết bị IoT bình đẳng cho tất cả mọi người.

- Khuyến khích sử dụng IoT để giải quyết những thách thức lớn nhất của loài người.

- Tập hợp mọi người và tạo sự đồng thuận toàn cầu về những vấn đề quan trọng này.

IoT có tiềm năng to lớn thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng

WEF đang nhắm tới mục tiêu phát triển IoT thông qua một loạt các hoạt động kéo dài một năm, và chính thức khởi động từ ngày 10/12/2020. Vừa qua, Hội nghị cấp cao về Quản trị Công nghệ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ngày 6 và 7/4/2021 đã có những báo cáo ban đầu về tiến độ kế hoạch hành động toàn cầu. 

Internet vạn vật sẽ giúp thế giới vượt qua đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Hội nghị cấp cao về Quản trị Công nghệ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ngày 6 và 7/4/2021. Ảnh: Apinitiative

Cristiano Amon, Chủ tịch Qualcomm và Đồng Chủ tịch Hội đồng IoT Toàn cầu (Global IoT Council) cho biết: “Với sự xuất hiện của 5G và IoT, chúng ta đang ở trên thời kỳ đỉnh cao giải phóng sức mạnh lao động trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cho phép các ngành công nghiệp trên toàn thế giới chuyển đổi  số. Sự kết hợp của những công nghệ thiết yếu này có tiềm năng định hình tương lai của Internet, kết nối mọi thứ với đám mây. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ của Hội đồng IoT toàn cầu với các đối tác hệ sinh thái, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, chúng tôi cố gắng đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật và công bằng trong thiết kế và triển khai các hệ thống IoT”.

“Khi IoT trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái IoT dựa trên việc rút kinh nghiệm từ phát triển World Wide Web trong ba thập kỷ qua, để đảm bảo những công nghệ này sẽ tạo ra một tương lai số an toàn và trao quyền cho tất cả mọi người”, Adrian Lovett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của World Wide Web Foundation và là Đồng Chủ tịch của Hội đồng IoT toàn cầu cho biết.

Trong khi đó, Mohamed Kande, Phó Chủ tịch, Trưởng nhóm Cố vấn Toàn cầu của PwC cho rằng IoT có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng, đặc biệt vì nó liên quan đến việc trang bị cho thế hệ tiếp theo những kỹ năng quan trọng để tận dụng những công nghệ mới nổi này. IoT đã được sử dụng để giúp giảm gián đoạn kinh doanh và cải thiện sự an toàn của lực lượng lao động trong đại dịch COVID-19 nhờ khả năng theo dõi tiếp xúc và các ứng dụng phòng ngừa khác. Nó cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức toàn cầu về sản xuất và phân phối vaccine COVID-19. 

Giữa cuộc khủng hoảng COVID-19, thị trường thiết bị IoT toàn cầu ước tính đạt 4,9 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt quy mô 13,8 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 18,5%. Trong đó, thị trường IoT ở Mỹ ước tính đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2021. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ đạt quy mô thị trường dự kiến là 2,1 tỷ USD vào năm 2026. Các thị trường IoT đáng chú ý khác là Nhật Bản và Canada, mỗi thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 16,5% và 15,8%. Tại Châu Âu, thị trường IoT ở Đức được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR khoảng 13,5%.

Farnam Jahanian, Chủ tịch, Đại học Carnegie Mellon, cho biết tại Hội nghị cấp cao về quản trị công nghệ toàn cầu của WEF: “Không chỉ là cơ sở hạ tầng số, IoT là con đường để giải quyết những thách thức quan trọng nhất của nhân loại. IoT cũng là cơ hội để toàn cầu tiến hành dân chủ hóa quyền truy cập, tiếp cận vào các công nghệ đổi mới”.

Ông cho rằng sáng kiến về IoT cũng như báo cáo State of the Connected World của WEF sẽ giúp các nhà lãnh đạo trong chính phủ, ngành công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và học viện cùng nhau đưa ra một tầm nhìn và kế hoạch hành động chung để tối đa hóa tiềm năng phi thường của IoT./.

Bài liên quan
  • Phát hiện bất thường trong mạng IoT: Từ góc nhìn giải pháp
    Tầm quan trọng: Phát hiện kịp thời các bất thường trong mạng IoT là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các hệ thống. Ứng dụng thực tế của IoT: IoT được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như nhà thông minh, đô thị thông minh, và mạng lưới kết nối hành vi.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Internet vạn vật sẽ giúp thế giới vượt qua đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO