Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19: Các startup xoay chuyển như thế nào?

Ngọc Diệp| 27/07/2021 16:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là startup. Vậy các startup đang xoay chuyển như thế nào để tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, hướng tới sự ổn định và phát triển?

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam và thực trạng

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam hình thành muộn hơn so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã có hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn thiện hỗ trợ startup với các tác nhân thành phần như các quỹ và nhà đầu tư, vườn ươm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả những tác nhân này tạo nên cơ hội cho startup hình thành và phát triển. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia khuyến khích phát triển khởi nghiệp mạnh mẽ. Từ Chính phủ đến các bộ, ban ngành đều phát động tinh thần khởi nghiệp. Năm 2016, được Chính phủ Việt Nam lấy làm năm "Quốc gia khởi nghiệp".

Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030" với những mục tiêu rõ ràng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng DN đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với DN khởi nghiệp (startup). Theo báo cáo "Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures phát hành ngày 31/5, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Tuy nhiên, số lượng thương vụ đầu tư giảm không đáng kể, chỉ khoảng 17%.

Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19: Các startup xoay chuyển như thế nào? - Ảnh 1.

Trong đó, giai đoạn sụt giảm mạnh diễn ra chủ yếu trong nửa đầu năm 2020 khi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế đã làm suy yếu dòng vốn đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư đã nhanh chóng phục hồi kể từ nửa cuối năm 2020 khi thị trường ghi nhận 60 thương vụ - con số tương đương cùng kỳ năm 2019.

Một điểm đáng chú ý, trong khi số thương vụ có quy mô đầu tư dưới 500.000 USD tăng 11% thì số thương vụ với mức đầu tư từ 500.000 - đến 3 triệu USD, 3-10 triệu USD và từ 10-50 triệu USD đều sụt giảm đáng kể. Chỉ riêng thương vụ có quy mô đầu tư trên 50 triệu USD là vẫn duy trì cùng mức như các năm 2018 và 2019 (3 thương vụ).

Mặc dù vốn đầu tư vào startup giảm song Việt Nam vẫn nằm trong top đầu khu vực về số lượng các khoản đầu tư. Đây là dấu hiệu tích cực trong một năm đầy khó khăn từ những tác động không tránh khỏi của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Như vậy, tuy tổng số vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam sụt giảm nhưng số lượng các khoản đầu tư hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn so với các quốc gia khác trong khu vực, phần lớn vì kinh tế Việt Nam có sự phục hồi nhanh chóng nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả của Chính phủ đối với Covid-19.

Khởi nghiệp như thế nào trong khủng hoảng Covid-19?

Bốn đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam chứng kiến những biến động trái chiều trong giới khởi nghiệp, DN nói chung: đóng băng, thua lỗ nặng hoặc giải thể, nhưng cũng có những DN có dịch vụ phù hợp với hành vi tiêu dùng trong đại dịch lại phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là startup. Các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhưng cũng phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, hầu hết các công ty khởi nghiệp địa phương có quy mô nhỏ, ở giai đoạn hạt giống và khả năng tạo ra bước đột phá hạn chế, cần được ươm tạo thêm, khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh, vấn đề sở hữu trí tuệ, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết,…

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19" diễn ra chiều 26/7, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO của Got It, cho biết đại dịch Covid-19 đã tạo ra thay đổi khủng khiếp về hành vi người dùng, có những ngành phát triển rất tốt, có những ngành không phát triển.

Theo ông Hùng, các sản phẩm có ứng dụng công nghệ hoặc chuyển đổi số hay không cuối cùng đều nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. Sự thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, nghiên cứu sâu về hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng đối với startup.

Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19: Các startup xoay chuyển như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO của Got It

Đại dịch đã làm tăng mức độ rủi ro của các startup lên rất nhiều, nhiều DN thậm chí phải đóng cửa hoặc duy trì hoạt động cầm chừng, cắt giảm quy mô, giảm nhân sự để cắt giảm chi phí do không có đủ dòng tiền và lợi nhuận. Theo ông Hùng, tại Việt Nam, nhiều startup còn chưa hiểu rõ về người tiêu dùng, thì Covid-19 chính là cơ hội để startup Việt Nam theo kịp các startup trên thế giới. Trong thời điểm này, các kế hoạch kinh doanh cần phải thay đổi hoàn toàn để thích ứng với đại dịch, tìm ra phương án mới để đẩy nhanh tăng trưởng, thậm chí là "xoá bài chơi lại".

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, chia sẻ Covid-19 đã sắp xếp lại trật tự các DN trên thị trường, có những DN đang phát triển tốt thì lại chậm lại, có những DN đã tìm ra hướng phát triển mới cho mình. Sau đại dịch thói quen khách hàng thay đổi rất nhiều, do đó DN cũng phải thay đổi để thích ứng theo. Nếu DN nào thích ứng nhanh thì sẽ chuyển mình nhanh hơn và có cơ hội tiếp cận thị trường mới. Ngược lại, các DN không theo kịp sẽ có khả năng phá sản.

Theo ông Tân, Viettel đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số (CĐS) gọi là Viettel 4.0 từ cách đây hơn 2 năm khi Tập đoàn nhận định doanh thu của các dịch vụ truyền thống sẽ sụt giảm, và CĐS là xu hướng tất yếu. Sau đó, đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố suy giảm, Viettel xác định cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm, trọng tâm của Đảng và Chính phủ và một số nhu cầu cấp thiết của xã hội, trong đó có y tế từ xa, khai báo y tế,... Trong thời gian vừa qua, các sản phẩm, dịch vụ Viettel ra mắt đều gắn với mục tiêu hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.

Ông Trần Quang Hưng, Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures, cho biết: Khi tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 giảm gần một nửa thì cơ hội mới chỉ dành cho những startup nhanh nhạy, thích ứng với thị trường. Theo ông Hưng, trong nửa đầu năm 2021, phân khúc game được cho là khá đột phá với nhiều thương vụ gọi vốn thành công. Cuối tháng 4, hãng game Topebox và đối tác blockchain KardiaChain thông báo kết thúc vòng đầu tư gần một triệu USD cho trò chơi sắp ra mắt có tên My DeFi Pet. Tháng 5 vừa qua, nhà phát hành trò chơi blockchain Việt Nam Sky Mavis, công ty sở hữu trò chơi NFT Axie Infinity cũng đã huy động được 7,5 triệu USD từ đợt gọi vốn Series A được dẫn đầu bởi Libertus Capital.

Trước sự bất ổn định mà Covid-19 tạo ra, công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các startup tồn tại, hướng tới ổn định và phát triển. Trong năm 2020, các DN như MoMo, VNPay, Elsa, Lozi,... đã nhận được nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam chủ yếu do có sự dịch chuyển nhanh về yếu tố công nghệ. Do đó, nếu các startup đẩy mạnh sáng tạo, thích nghi với tình hình mới và ứng dụng công nghệ mới sẽ có thể tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các DN, nhất là các startup. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức mà dịch bệnh mang lại, đây cũng chính là cơ hội để nhiều startup thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó tìm ra lối đi riêng trong thị trường có nhiều biến động khó lường hiện nay. Tùy thuộc vào thực lực và nhận định của mỗi founder, các startup có thể lựa chọn con đường phù hợp. Và những startup thành công chắc chắn phải có một mô hình kinh doanh phù hợp với hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh./.

Bài liên quan
  • Động lực để phát triển hệ sinh thái AI bền vững
    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19: Các startup xoay chuyển như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO