Đưa Việt Nam thực sự là cầu nối giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thế giới đang trải qua những biến động lớn, đặt ra cho chúng ta các bài toán về quản trị ở cả tầm quốc gia cũng như doanh nghiệp. Hệ sinh thái tự nhiên - xã hội chịu nhiều tổn thương sau khi phải căng mình trước những tác động của đại dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, đây là cơ hội để các chính phủ, doanh nghiệp cùng suy ngẫm về những cách làm mới, kiến tạo các giá trị mới. Nâng cao năng lực chống chịu và tính đổi mới sáng tạo, tăng cường tính bền vững, gia tăng tính bền bỉ trở thành mục tiêu, nhu cầu tất yếu của các chính phủ và doanh nghiệp.
Sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Quy mô GDP đã tăng 100 lần từ con số 4 tỷ USD lên gần 400 tỷ USD trong năm nay. Người dân được đặt vào vị trí trung tâm, là chủ thể trong quá trình phát triển. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong các năm qua tăng liên tục, đạt 0,703 điểm năm 2021 đưa Việt Nam từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới. Việt Nam tiếp tục là bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, là tâm điểm của nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động, có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường, có hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác thương mại,
Đề cao độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu tác động bên ngoài, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn kết hài hòa giữa nội lực và ngoại lực trong quá trình xây dựng nền kinh tế, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng kinh tế khá vững chắc, cho thấy năng lự thích ứng trong những giai đoạn khó khăn nhất, mới đây nhất là đại dịch COVID-19.
Ngay khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã sớm mở cửa, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được nhiều tổ chức quốc tế dự doán có thể đạt mức 7%. Các tổ chức quốc tế như Moody's, Fitch hay Nikkei Asia đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Chính phủ Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một phần hữu cơ quan trọng của nền kinh tế. Thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đoàn kết quốc tế, chung tay, đồng lòng, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau và một hành tinh mãi màu xanh.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã được ban hành. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD với chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, tạo thuận lợi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis là một tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế uy tín, với mục đích chính là để tìm ra và thúc đẩy các giải pháp cho những thách thức quan trọng nhất đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia. Đây là nơi kết nối những nhà đầu tư, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng để cùng giải quyết những vấn đề quan trọng mang tính quốc gia và toàn cầu. Trong chuỗi các hội nghị Horasis, Diễn đàn Kinh tế Horasis Ấn Độ là một trong những diễn đàn uy tín cho các chính trị gia, doanh nhân Ấn Độ và các quốc gia trên thế giới.
Phó Thủ tướng cho biết, đây là dịp để chính phủ, doanh nghiệp của hai quốc gia chia sẻ những tầm nhìn, ý tưởng và kế hoạch hành động hợp tác cùng phát triển; tiếp cận tri thức, nắm bắt các xu thế của thời đại, các công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đề tại các phiên đối thoại và toàn thể của Diễn đàn như toàn cầu hoá, công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, ESG, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trao quyền cho phụ nữ… đều có tính thời sự, phản ánh "dòng chảy thời đại" ở mỗi quốc gia, mà Việt Nam và Ấn Độ là một phần trong đó.
Mong muốn, Diễn đàn đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam -Ấn Độ, Phó Thủ tướng đề nghị các diễn giả, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đánh giá sâu, xem xét kỹ lưỡng về tác động của các vấn đề khu vực, liên khu vực, toàn cầu đối với triển vọng phục hồi và phát triển toàn diện, bền vững của Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Nhìn nhận vị trí kỳ vọng của Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông cũng như trong tổng thể chính sách đối ngoại của Ấn Độ với trọng tâm là Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các giải pháp để hiện thực hóa. Chú trọng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thực sự là cầu nối quan trọng, chủ đạo giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, từ đó hướng ra các khu vực khác của châu Á…
Cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam
Bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ HORASIS 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Rajkumar Ranjan Singh. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ và đề nghị hai bên cùng thúc đẩy các trụ cột hợp tác song phương như chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hoá và giao lưu nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, tạo thuận lợi để tăng kim ngạch thương mại hai nước; Ấn Độ tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Diễn đàn Horasis được tổ chức đúng vào năm hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tin tưởng rằng Diễn đàn là cơ hội quan trọng để hai bên chia sẻ đánh giá về xu thế phát triển của kinh tế châu Á, Ấn Độ và Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc kết nối Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, từ đó tìm kiếm các cơ hội tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Rajkumar Ranjan Singh nhấn mạnh, việc Ấn Độ tổ chức Diễn đàn Horasis năm nay tại Việt Nam cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng phát triển to lớn của Việt Nam và cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ... giữa hai nước. Đồng thời, nêu rõ truyền thống quan hệ lâu đời, gắn bó về văn hóa và lịch sử giữa hai dân tộc; nhất trí phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng triển khai các hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai bên bày tỏ hài lòng và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ./.