Truyền thông

Làm tốt truyền thông, nhà nước có thể đồng hành cùng xã hội xây dựng chính sách

Hà Linh 23/11/2023 10:46

Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội, tầm quan trọng của báo chí trong truyền thông chính sách là hơn bao giờ hết.

file3.qdnd.vn-data-images-0-2023-11-01-upload_2198-_dsc_8374.jpg

Theo ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam phát biểu tại cuộc Hội thảo về nguồn lực cho truyền thông chính sách diễn ra hồi đầu tháng 11/2023 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức, thì với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, bộ mặt của xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng.

Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cho phép chúng ta kết nối với mọi người từ khắp nơi trên thế giới cũng như có thể tiếp nhận tin tức theo thời gian thực.

Theo Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, khi xã hội ngày càng phát triển và các thành phần trong xã hội trở nên đa dạng hơn, mức độ tiếp nhận chính sách của các chủ thể chính sách sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong các chính sách của chính phủ.

Vì vậy, cần chia sẻ ý kiến và thông tin giữa các bên liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chính sách thông qua truyền thông chính sách để từ đó tạo ra sự đồng thuận và hợp tác nhằm đặt nền tảng cho việc hình thành cộng đồng và hiện thực hóa các giá trị xã hội. Tăng cường tiếp nhận chính sách đòi hỏi một loạt các chiến lược truyền thông.

Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”
Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam.

"Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy, tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách quan trọng hơn bao giờ hết", ông Lee Byung Hwa nhấn mạnh.

Đúng như nhận định của ông Lee Byung Hwa, truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Khả năng phản biện xã hội của truyền thông chính sách, vai trò diễn đàn công dân của truyền thông chính sách trong việc tạo ra một không gian thảo luận công cộng.

Ảnh hưởng của truyền thông chính sách và các phương tiện truyền thông chính sách mới tác động đến nhận thức của người dân Việt Nam...

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần đương đầu như xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực... Ở các quốc gia như Việt Nam, truyền thông chính sách được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Hơn nữa xét ở khía cạnh khác, truyền thông chính sách không phải chỉ là xuôi chiều để giải thích, truyền đạt chính sách đến người dân mà còn là kênh giúp Nhà nước có khả năng xây dựng hình ảnh của mình. Xây dựng hình ảnh quốc gia bằng việc xây dựng các chiến lược truyền thông chính sách là một cách hiệu quả và tích cực.

Truyền thông chính sách giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp đến với dân chúng, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ngoài ra, chính phủ cũng nhờ truyền thông chính sách để thăm dò lấy ý kiến của dư luận trước khi ban hành các văn bản pháp lý. Nhờ truyền thông chính sách, nhà nước điều chỉnh các chính sách quản lý của mình và tạo ra sự đồng thuận cao trong dân chúng.

Nhờ có kênh truyền thông chính sách mà người dân có thể phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật đã quy định các quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông chính sách, tự do thông tin của con người, của công dân. Các quyền này được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội; các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.

Truyền thông chính sách góp phần phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách… Lắng nghe ý kiến là một nhiệm vụ bắt buộc trong xây dựng chính sách, pháp luật. Thu thập thông tin từ đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách hiểu biết tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng, các xu hướng phản ứng của đối tượng chính sách, nhất là trường hợp có quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng.

Đây cũng là phương thức có tính hệ thống để bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy dân chủ, hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của công dân, cộng đồng, xã hội trong tuân thủ và xây dựng pháp luật, đóng góp vào bảo vệ chủ quyền và phát triển quốc gia, địa phương.

Một chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi nó được xã hội chấp thuận, khi làm tốt truyền thông chính sách, thì ngay từ khâu nhận diện vấn đề chính sách, đề xuất chính sách đều có thể bắt đầu từ cộng đồng.

Thậm chí, nhà nước có thể đồng hành cùng xã hội trong việc xây dựng chính sách.

Tất nhiên để làm được thì các kênh truyền thông chính sách, đặc biệt là báo chí, phải thay đổi cách làm. Nhìn tổng thể, hiện nay đa phần báo chí, truyền thông dừng lại ở câu chuyện đưa tin về chính sách. Điều này làm cho công chúng mới chỉ tiếp nhận được một phần thông tin, chưa tác động nhiều vào chiều sâu để nhân dân hiểu kỹ, nắm vững và làm theo các chính sách công vốn được ban hành rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước nói chung.

Và quan trọng là phải có nguồn lực cho truyền thông chính sách. Chiến lược dù tốt, kế hoạch dù hay nhưng nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế. Đây là nhận định của PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng tại cuộc hội thảo nói trên. Giáo sư Sơn cho rằng, nguồn lực cho truyền thông chính sách bao gồm nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nhận diện và thúc đẩy hai dòng nguồn lực này là cách để tăng cường truyền thông chính sách một cách hiệu quả, bền vững.

Song song với đó, nguồn lực vật chất cho công tác truyền thông chính sách bao gồm chính sách về truyền thông; đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông chính sách; công nghệ truyền thông chính sách; ngân sách dành cho truyền thông chính sách...

"Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực cho truyền thông chính sách là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Nếu thiếu các nguồn lực vật chất quan trọng này thì dù quyết tâm có cao, mong muốn có lớn nhưng làm gì cũng khó", PGS.TS Phạm Minh Sơn nhận định.

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, làm rõ được thực trạng nguồn nhân lực cho truyền thông chính sách hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải thông qua nhiều phương thức khác nhau để tăng cường nguồn nhân lực làm truyền thông chính sách cho các cơ quan của Chính phủ nơi trực tiếp ban hành các chủ trương, chính sách.

Qua đó, nhận thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông chính sách tại các cơ quan Nhà nước là hết sức cần thiết hiện nay.

Trong 8 năm qua, Hội thảo khoa học quốc tế về truyền thông chính sách đã trở thành diễn đàn khoa học quan trọng, có uy tín trong giới nghiên cứu và thực hành truyền thông chính sách.

Kết quả của 8 hội thảo phục vụ trực tiếp công tác nghiên cứu, giảng dạy truyền thông chính sách tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và công tác truyền thông chính sách tại các cơ quan báo chí - truyền thông. Hơn 400 bài nghiên cứu công bố trong 8 hội thảo đã góp phần làm rõ lý luận về truyền thông chính sách, đặt nền tảng và định hướng hoạt động này trong thực tiễn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt truyền thông, nhà nước có thể đồng hành cùng xã hội xây dựng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO