Kinh tế số

Livestream bán hàng: Thêm cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản Việt

Nguyễn Nhàn 08:29 07/11/2024

Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ và nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, livestream đã trở thành một giải pháp đột phá, mở ra cánh cửa mới cho thị trường nông sản Việt, giúp người nông dân tiếp cận khách hàng trực tiếp và nâng cao thu nhập.

Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Sáng kiến "Chợ phiên OCOP" nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) và TikTok Việt Nam đã thành công mang sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng nông sản, đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử (TMĐT) TikTok Shop.

Sau một năm triển khai, "Chợ phiên OCOP" đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội, như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, hơn 800 phiên livestream "Chợ phiên OCOP" được tổ chức, với doanh số đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

20240918142016-12anh-2-20230722194359.jpg
Livestream bán hàng đang góp phần mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Tiếp nối thành công đó, năm 2024, TikTok tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với Báo Nhân Dân và Truyền hình Quốc hội nhằm triển khai sáng kiến "Tự hào hàng Việt".

Trong quý 3/2024 vừa qua, TikTok đã triển khai những chiến dịch ấn tượng, trong đó mới đây, phiên livestream “Tự hào hàng Việt” với chủ đề “Phong vị Gia Lai" "đặc sản Tây Nguyên” đã diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/10 đã thu hút sự tham gia của hàng loạt nhà sáng tạo như @huyenphi_97, @thiennhanreview.

Sau 2 ngày livestream, chiến dịch đã thành công thu về 12,7 nghìn đơn hàng cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Gia Lai như mật ong đa hoa Phương Di, bò khô Huy Vũ, tiêu Lệ Chí...

Kết quả ấn tượng của hai phiên livestream sự kiện này cũng cho thấy triển vọng của các nhà bán hàng địa phương trong việc đổi mới tư duy kinh doanh và trang bị những kỹ năng phục vụ cho công tác chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị “Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2024", phiên “Mega LIVE hàng Việt - Sản phầm OCOP tiêu biểu” do TikTok Shop tổ chức với sự góp mặt của 19 nhà sáng tạo nội dung, đã góp phần quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành, tập trung những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP như yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía Đầm Dơi Cà Mau, pate cột đèn Hải Phòng,...

Kết thúc chiến dịch, có hơn 50 phiên LIVE được thực hiện, thu hút hơn 24,5 triệu lượt xem và tạo ra gần 7.600 đơn hàng.

Đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân

Ở khu vực nông thôn, miền núi hiện nay có rất nhiều nông sản, đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, nếu thị trường tiêu thụ chỉ là chợ truyền thống sẽ rất bó hẹp, không phát triển được sản xuất. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ cho phép chủ cơ sở xây dựng, làm chủ các "chợ online" để bán hàng mọi lúc, mọi nơi, tương tác trực tiếp với khách hàng không giới hạn ở trong hay ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), thông qua livestream bán hàng nông sản, nhiều nông dân đã thành công. Theo đó, doanh số bán hàng lúc đầu chỉ 30 - 40 triệu đồng mỗi lần livestream, nay đã tăng lên 150 - 200 triệu đồng, thậm chí có cá nhân lên đến 300 - 500 triệu đồng. Tuy vậy, việc bán hàng thông qua kênh livestream của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy họ rất cần được đào tạo.

img_6401_20230920080109_20231025102045_20240102172743.jpg
Nông dân cần được hỗ trợ hơn nữa để tăng kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT. (Ảnh: Internet)

Chính vì vậy, tới đây Trung tâm sẽ không chỉ mời những người nổi tiếng mà tại mỗi địa phương, sẽ chọn ra 10 - 15 người để tập huấn, đào tạo trở thành người livestream bán hàng nông sản. Việc thúc đẩy và đào tạo được nhiều người bán hàng trên mạng xã hội sẽ tạo nên một niềm hy vọng không chỉ cho những người kinh doanh mặt hàng nông sản mà còn còn là niềm hy vọng chung cho những người làm kinh doanh.

Để thúc đẩy phong trào livestream bán hàng nông sản, các địa phương đang tích cực nhập cuộc với những chương trình hỗ trợ cụ thể. Sơn La đã tổ chức tập huấn kỹ năng livestream cho nông dân, giúp họ tiếp cận thị trường trực tuyến một cách hiệu quả.

Tháng 5/2024, Quảng Ninh đã tổ chức phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam, kết hợp bán hàng trực tuyến và trực tiếp, thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng.

Tại toạ đàm Gia tăng kênh TMĐT, tiêu thụ sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết, thời gian qua, BĐVN và sàn TMĐT nông sản buudien.vn đã thực hiện các chiến dịch hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, các chương trình được tổ chức trên sàn TMĐT của Bưu điện cũng được sự ủng hộ của rất nhiều khách hàng bên ngoài, lượt truy cập (traffic) vào sàn lúc đỉnh điểm lên tới 5 triệu lượt.

Dù đã có một số thuận lợi, đồng thời, các kênh TMĐT đã được gia tăng và có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản khu vực miền núi, nhưng nhìn chung hiện nay, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được các nền tảng kinh doanh hiện đại này.

Cũng tại tọa đàm này, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng TMĐT trong cộng đồng DN. Đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển TMĐT.

Đặc biệt, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng triển khai các chương trình hợp tác với các sàn TMĐT lớn trên thế giới để ứng dụng TMĐT xuyên biên giới. Qua đó, sản phẩm đặc sản của Việt Nam do DN Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu thông qua TMĐT./.

Bài liên quan
  • Vai trò của chữ ký số trong thương mại điện tử
    Chữ ký số có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), đảm bảo tính xác thực, an toàn và bảo mật trong các giao dịch trực tuyến, từ đó giúp ngăn chặn gian lận, rủi ro pháp lý và thúc đẩy niềm tin giữa các bên tham gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Livestream bán hàng: Thêm cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO