Livestream bán hàng: xu hướng TMĐT mang lại bộn tiền cho doanh nghiệp

Bảo Bình| 27/08/2021 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay không chỉ là TMĐT đơn thuần mà còn có bán qua mạng xã hội (social commerce) và livestream bán hàng (live commerce). Đáng chú ý, hình thức bán hàng live commerce đang thu hút sự chú ý của cả người bán lẫn người mua.

Thị trường TMĐT những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của các định dạng bán hàng mới hơn, như cách bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (direct to consumer - D2C) và thương mại xã hội (social commerce). 

Hình thức bán hàng thương mại xã hội là khi doanh nghiệp (DN) sử dụng công cụ mạng xã hội để cá nhân hóa khách hàng tiềm năng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Hiểu đơn giản hơn thì đó là sự kết hợp giữa Social Media (mạng xã hội) và eCommerce (TMĐT).

Ngoài ra, các DN cũng đã khám phá hình thức bán hàng online mới, như live commerce, hay còn gọi là livestream bán hàng, để tiếp cận khách hàng mới. 

Livestream bán hàng: xu hướng TMĐT mang lại bộn tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Theo một báo cáo nghiên cứu, làm TMĐT thông qua hình thức livestream đang có sức hút lớn trong thị trường TMĐT. Live commerce là một hình thức mua sắm trực tuyến, khách hàng có thể mua sắm trong quá trình người bán đang phát video trực tiếp các sự kiện. Live commerce đã trở thành một cách khả thi để các thương hiệu tiếp thị, giao tiếp và bán sản phẩm trực tuyến. 

Tiền thân của cách thức bán hàng live commerce có thể là teleshopping. Với teleshopping, hàng trăm sản phẩm được quảng cáo trên truyền hình, và khách hàng gọi điện để mua hàng ngay trong thời gian sản phẩm được phát sóng. Giờ đây, trong thời đại kỹ thuật số, teleshopping đã trở thành live commerce và trở nên hấp dẫn hơn nhiều, tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn.

“Người tiêu dùng đang chuyển từ môi trường TMĐT giao dịch truyền thống sang môi trường kết hợp sự tương tác xã hội, niềm vui và cách kể chuyện chính là cốt lõi của trải nghiệm khách hàng”, công ty tư vấn Zinnov lưu ý trong báo cáo chính thức có tiêu đề “Công thức định hình nền kinh tế kỹ thuật số Ấn Độ: E = MC2 (Di động * Nội dung * Thương mại *). 

Tại Ấn Độ, tiềm năng của hình thức bán hàng qua video trực tiếp này đạt quy mô 4 - 5 tỷ USD GMV vào năm 2025. GMV là viết tắt của cụm từ Gross Merchandise Value/ Volume (Tổng giá trị giao dịch), một thuật ngữ được sử dụng trong bán lẻ trực tuyến. Đây là tổng số tiền hàng hóa bán được (tính bằng USD) của một công ty/thị trường trong khoảng thời gian nhất định, thường tính theo quý hoặc theo năm.

Phân khúc thương mại livestream bán hàng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và có tiềm năng trở thành một mảng lớn tiếp theo trong không gian nội dung TMĐT. 

Livestream bán hàng: gặp đúng thời điểm "thiên thời địa lợi"

Báo cáo "Cách người Ấn Độ mua sắm trực tuyến năm 2021" do Bain & Company và Flipkart thực hiện nhấn mạnh bán hàng qua mạng bằng nội dung video đã đạt được sức hút và đã sinh ra một cộng đồng lớn, gồm những người sáng tạo và người có ảnh hưởng tại địa phương. Những người sáng tạo này đang tìm cách kiếm tiền từ những người theo dõi của họ và có khả năng thúc đẩy sự gia tăng nền tảng thương mại video. Các streamer trở nên giống như một ngôi sao trong làng giải trí.

Báo cáo lưu ý rằng các công ty khởi nghiệp thương mại trực tuyến như Bulbul và Simsim ở Ấn Độ đã chứng kiến sự tăng trưởng từ 9 - 10 lần trong cơ sở người dùng của họ trong năm ngoái.

Ankur Bisen, Phó chủ tịch cấp cao, Cố vấn Technopak, cho biết: Live commerce là một hình thức bán hàng hấp dẫn. Theo ông, thương mại video là một công cụ quan trọng để người bán tương tác với người mua, đặc biệt với các danh mục hàng hóa đòi hỏi nhiều hình ảnh và minh họa tính năng, cách thức sử dụng. Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về chất lượng hàng hóa, livestream mang lại cho họ cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm định mua. Video giúp họ hình dung về hàng hóa, về cách sử dụng sản phẩm và nó chân thật hơn, đáng tin cậy hơn so với việc doanh nghiệp (DN), người bán chỉ trưng bày những bức ảnh, dễ bị nghi ngờ là ảnh cắt ghép, chỉnh sửa. 

Hơn nữa, livestream đôi khi phát huy tác dụng rất cao khi người bán hàng quay trực tiếp khung cảnh sản phẩm được sản xuất, chẳng hạn nông dân quay cảnh trang trại, vườn cây sẽ mang lại cho người tiêu dùng niềm tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. 

Nền tảng TMĐT Shopee cho biết, livestream bán hàng không chỉ giúp người bán nhanh chóng có thêm khách hàng mới mà còn có thêm người bấm theo dõi Shop; tăng sự tin tưởng của người mua dành cho Shop vì họ có thể nhìn thấy sản phẩm được bán trực tiếp, tư vấn trực tiếp và trả lời câu hỏi của khách hàng xem live. Người mua có thể xem và đặt mua hàng ngay trong lúc xem livestream, người bán không cần phải ngồi đọc lại bình luận và chốt đơn sau đó. Livestream giúp tăng doanh thu, nâng cấp trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Livestream bán hàng: xu hướng TMĐT mang lại bộn tiền cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Dịch bệnh Covid-19 cũng đóng vai trò lớn thúc đẩy xu hướng mua sắm này, khi mọi người phải làm việc tại nhà và điều đó đang thúc đẩy mức tiêu thụ video cao hơn. Và trong bối cảnh phải “ở yên trong nhà”, thì livestream bán hàng đôi khi còn là nguồn giải trí cho người xem, họ có thể xem và mua hàng ngay lúc đó, hoặc không mua hàng song sẽ có dấu ấn về sản phẩm.

Báo cáo của Bain&Company lưu ý, cơ sở người dùng xem video TMĐT đã mở rộng rất nhiều trong thời gian đại dịch và tăng 25% ở Ấn Độ chỉ trong năm qua, tăng lên 350 - 400 triệu người dùng. Hàng nghìn người sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy nền thương mại phát trực tiếp trong những năm tới.

Ngoài ra, các yếu tố khác như tỷ lệ người dân tiếp cận được Internet, tầm quan trọng của nhân khẩu học bản địa và người dùng mới đến từ bên ngoài các đô thị, dự kiến sẽ thúc đẩy triển vọng của thương mại trực tiếp.

Một báo cáo của IAMAI và Kantar Research lưu ý rằng người dùng Internet ở Ấn Độ đã đạt khoảng 622 triệu người vào năm 2020, dự kiến sẽ tăng 45% trong 4 năm tới. Điều này có nghĩa là một số lượng đáng kể người dùng mới sẽ đến với nền tảng mua sắm kỹ thuật số.

Thứ hai, mức độ thâm nhập của Internet cũng đã mở rộng đáng kể tại các khu vực nông thôn, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thương mại trực tiếp.

Ngoài ra, khoảng 45% dân số Ấn Độ thuộc nhóm tuổi 15 - 45, những người hiểu biết về kỹ thuật số hơn. Những yếu tố này cần được tính đến khi thu hút lớp người dùng này.

Theo các nhà quan sát trong ngành, hình thức bán hàng TMĐT bằng livestream có một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn như tất cả danh mục sản phẩm không thể xuất hiện trong một video và hầu hết các giao dịch trực tuyến về bản chất rất cơ bản, không yêu cầu nhiều video.

Các nền tảng TMĐT tại Việt Nam đồng loạt có tính năng livestream bán hàng

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2020, thị trường TMĐT đang có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng trung bình khoảng 30% trong giai đoạn 2016 – 2019. Do đó, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD. 

Livestream bán hàng cũng được các DN TMĐT Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ. Tháng 3/2020, Shopee ra mắt Shopee Live. Theo giới thiệu của Shopee, Shopee Live là tính năng hỗ trợ người bán thực hiện livestream để bán các sản phẩm đang có tại Shop trên Shopee. Người bán có thể sử dụng Shopee Live vào tất cả khung giờ mỗi ngày và các địa điểm Livestream thích hợp. Livestream hiển thị trực tiếp trong ứng dụng Shopee và kết nối với trang sản phẩm để người xem có thể đặt mua hàng trong lúc xem livestream. Bằng cách trò chuyện với người mua, người bán hàng cũng có thể hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và giúp nâng cao trải nghiệm mua hàng. 

Tiki, một trang TMĐT nổi tiếng, cũng đã ra mắt tính năng livestream TikiLIVE. Tiki cho biết livestream là công cụ mới giúp người bán tiếp cận với khách hàng qua việc tương tác trực tiếp, giới thiệu hàng hóa trực quan, sinh động giúp tăng tính tin cậy qua đó giúp tăng số lượng người theo dõi và tăng doanh thu bán hàng từ Tiki. Tính năng livestream là tính năng “đi kèm” trong App Tiki Seller, chỉ cần kích hoạt tính năng là người bán có thể livestream bằng tài khoản Tiki Seller, không cần phải tải thêm bất kì ứng dụng nào. TikiLIVE cho phép người bán giới thiệu sản phẩm và tính năng sản phẩm; livestream cách thức sử dụng sản phẩm hoặc livestream chương trình Flash Sale: giảm giá sốc - thời gian cực ngắn hoặc livestream trải nghiệm sản phẩm, giây phút đập hộp…

Lazada cũng có một kênh livestream riêng với tên gọi LazLive. Theo Lazada, LazLive phục vụ không chỉ khía cạnh bán hàng của các DN trực tuyến mà còn có tiềm năng giúp người bán xây dựng mối quan hệ lâu dài với người mua. 

Ngoài tính năng livestream của các trang TMĐT chuyên nghiệp như Tiki hay Shopee, Lazada,  người dùng Việt Nam cũng tiến hành livestream bán hàng trên các mạng xã hội, trong đó những nền tảng livestream được sử dụng nhiều là Facebook Live, YouTube Live hay Instagram Live….

Với Facebook live, ưu điểm lớn nhất người bán có thể nhanh chóng tiếp cận hàng nghìn bạn bè, người thân cũng như những người đang theo dõi. Facebook live ra mắt khá sớm vào năm 2015 và hiện đang có nhiều cải tiến. Trong quá trình livestream, người bán sẽ quan sát được có bao nhiêu đang theo dõi, và để lại bình luận thắc mắc về sản phẩm, người bán sẽ có thể giải đáp ngay lập tức lúc đó. Livestream bán hàng trên Facebook được nhiều doanh nghiệp bán hàng online sử dụng.

Làm thế nào để live commerce hiệu quả và chuyên nghiệp hơn?

Theo nghiên cứu của McKinsey, live commerce có thể giúp các thương hiệu, nhà bán lẻ và thị trường chủ yếu trong hai lĩnh vực:

Tăng tốc chuyển đổi: Live commerce mang tính giải trí và nhập vai, giữ chân người xem lâu hơn. Hình thức bán hàng này cũng quan sát hành trình quyết định của khách hàng từ nhận thức đến mua hàng. Các chiến thuật giới hạn thời gian như phiếu giảm giá một lần có thể được sử dụng để tạo cảm giác cấp bách. Các công ty báo cáo tỷ lệ chuyển đổi từ ý định mua hàng đến “chốt đơn” đạt tới 30% - cao hơn tới mười lần so với TMĐT thông thường.

Cải thiện sự hấp dẫn và khác biệt của thương hiệu: Được thực hiện tốt, live commerce sẽ tăng sức hấp dẫn và sự khác biệt của thương hiệu, kéo thêm lưu lượng truy cập web. Live commerce cũng có thể củng cố các khách hàng hiện tại và thu hút những khách hàng mới, đặc biệt là những người trẻ tuổi quan tâm đến các hình thức và trải nghiệm mua sắm sáng tạo. Một số công ty đang thấy tỷ lệ khán giả trẻ tuổi của họ tăng lên đến 20%.

Theo thông tin trên Báo Đầu tư, giai đoạn 2021-2025 được dự báo sẽ bùng nổ livestream bán hàng tại Việt Nam. Đặc biệt hạ tầng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu livestream bán hàng khi mạng 5G phủ sóng rộng. Điều thị trường Việt Nam cần lúc này là kiến thức, kỹ năng của đội ngũ livestream chuyên nghiệp, để có thể bắt nhịp cùng thế giới, thậm chí còn là đòn bẩy cho nền kinh tế số.

Tuy nhiên, hiện tại hoạt động livestream bán hàng tại Việt Nam vẫn đang phát triển một cách tự nhiên, tự phát mà chưa có sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, để livestream trở thành một ngành công nghiệp và trở nên tin cậy, DN TMĐT cần có lượng hàng hóa chất lượng, đúng như những gì họ giới thiệu và livestream, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, người livestream cũng cần phải “có duyên”, biết kết hợp giữa giải trí và bán hàng, giới thiệu thông tin sản phẩm đến người mua cũng như giải đáp thắc mắc của người mua. Và như vậy, ngoài việc “có duyên”, có tố chất bẩm sinh, thì các streamer cũng cần được đào tạo bài bản qua các lớp, để có thể hành nghề chuyên nghiệp. Có như vậy, livestream bán hàng mới phát huy tối đa hiệu quả và khai thác hết tiềm năng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Livestream bán hàng: xu hướng TMĐT mang lại bộn tiền cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO