Lợi thế và trăn trở đào tạo nhân lực TMĐT

Hoàng Linh| 07/09/2022 17:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã mở ngành đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) đáp ứng phát triển kinh tế số nhưng vẫn còn nhiều việc để thúc đẩy đào tạo nhân lực TMĐT cả về chất và lượng.

Lợi thế cho đào tạo nhân lực TMĐT

Tại Hội thảo đào tạo TMĐT 2022 với chủ đề mạng lưới mới, sức mạnh mới, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) và Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ĐH Thuỷ Lợi tổ chức ngày 7/9, PGS. TS. Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ Lợi cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế phát triển mạnh mẽ cùng với việc ứng dụng sâu rộng của các thành tựu công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, TMĐT đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn tới sự phát triển kinh tế, cũng như là nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.

Ngành TMĐT khát nhân lực - Ảnh 1.

PGS. TS. Nguyễn Cảnh Thái: TMĐT đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn tới sự phát triển kinh tế

Trong khi đó, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết trước COVID-19, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 2 con số từ 15 -20%/năm, và ngay sau COVID-19 thì rất nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại khác chịu sự suy thoái, tăng trưởng có thể là âm nhưng TMĐT vẫn có mức tăng trưởng 2 con số. Năm 2020 là 18%, năm 2021 là 16%, là những bước phát triển kỷ lục so với mặt bằng chung của các lĩnh vực của nền kinh tế và TMĐT của các nước trong khu vực.

Nếu đánh giá từ bên ngoài, bà Lại Việt Anh cho biết, TMĐT Việt Nam có tiềm năng tăng, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan, ngang với Phillipines và Singapore. Tuy nhiên, tốc độ phát triển thị trường TMĐT của việt Nam thì đứng thứ 2 Đông Nam Á. Cục TMĐT và Kinh tế số có trao đổi với các tập đoàn TMĐT, phân phối bán lẻ lớn của thế giới thì các tập đoàn đều đánh giá TMĐT Việt Nam rất cao so với mặt bằng chung của khu vực.

Tuy quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đứng sau Indonesia nhưng theo đánh giá của với mặt bằng chung về sức bật, trình độ dân trí, ứng dụng, nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá rất khả quan, vượt Indonesia, ngang với Thái Lan, sau Singapore một chút nhưng quy mô thị trường lại cao hơn Singapore, ngang với Phillipines và có thể bắt kịp Thái Lan.

Ngành TMĐT khát nhân lực - Ảnh 2.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh: Việt Nam có lợi thế và dư địa lớn để đào tạo TMĐT

Thêm vào đó, bà Lại Việt Anh cho biết, các công ty nước ngoài cho rằng để thời gian đào tạo được một người bán hàng tại Indonesia có thể ứng dụng TMĐT để bán hàng trực tuyến có thể nhiều hơn gấp đôi, gấp ba lần so với đào tạo cho người Việt Nam bởi vì nguồn nhân lực tham gia vào TMĐT của Việt Nam trẻ và có khả năng "hấp thụ" những công nghệ mới rất nhanh nhạy, cũng như là lòng khát khao để có thể ứng dụng được những công nghệ mới để thể tham gia vào hoạt động kinh tế bán hàng, khởi nghiệp DN của người Việt trên môi trường số. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động đào tạo TMĐT ở Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng nhanh, đặc biệt trong giai đoạn COVID vừa qua cho thấy sự thay đổi rất lớn về hành vi tiêu dùng của người dân khi chuyển từ môi trường truyền thống lên môi trường trực tuyến. Trong 2 năm COVID ước chừng có hơn 5,5 triệu người tiêu dùng tham gia vào thị trường trực tuyến và chủ yếu từ nông thôn, khu vực ngoài thành phố lớn.

"Khi lượng người dùng tham gia vào môi trường trực tuyến, nhu cầu TMĐT tăng lên dẫn đến động lực cho DN CĐS thích ứng được với nhu cầu cho người tiêu dùng, từ đó dẫn đến nhu cầu đối với đội ngũ nhân lực chất lượng để hỗ trợ CĐS của DN và hỗ trợ cho TMĐT, kinh tế số phát triển", bà Lại Việt Anh khẳng định.

Đào tạo nhân lực - trụ cột của phát triển TMĐT

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, đơn vị này đã chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch tổng thể để phát triển TMĐT các giai đoạn 5 năm gồm 2016 - 2020, 2021 - 2025 và và sắp tới là các kế hoạch cho những năm tiếp theo. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực luôn luôn là trụ cột lớn của Kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT các giai đoạn trước và theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 thì phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT là 1 trong 7 nhóm giải pháp lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT của giai đoạn này.

Trong những giải pháp cụ thể được nêu tại Quyết định 1563/QĐ-TTg, có nhấn mạnh việc đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT có sự gắn kết giữ học tập, đào tạo với thực tiễn kinh doanh của DN, cũng như vai trò của ứng dụng CNTT, công nghệ số trong đào tạo, thông qua việc ứng dụng đào tạo trực tuyến hay là khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết để xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến, hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy về TMĐT. Đó là những giải pháp được nêu từ Kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT giai đoạn trước.

Kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu 2 mục tiêu rất lớn, tham vọng về nguồn nhân lực cho TMĐT, là 1 trong 5 nhóm chỉ tiêu để đo lường, định vị được thị trường TMĐT 2021 - 2025, đó là 50% cơ sở giáo dục và nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT vào năm 2025 và có 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ nhà nước, sinh viên được đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Bà Lại Việt Anh nhấn mạnh: "Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT không phải của riêng 1 bộ ngành, địa phương, đơn vị nào mà cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan nhà nước (CQNN), khối trường đào tạo, DN, tổ chức để đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định này".

Khát nhân lực và những trăn trở đào tạo TMĐT

Theo báo cáo đào tạo TMĐT 2022, tính đến năm 2022 đã có hơn 120 trường đã có đào tạo ngành, chuyên ngành hoặc là học phần về TMĐT và trong số những trường đã đào tạo TMĐT thì tỷ lệ những trường mở ngành, chuyên ngành có sự phát triển nhanh so với năm 2020. Có 28% trường có đào tạo TMĐT đã mở ngành TMĐT từ năm 2021 đến nay có nghĩa là chỉ trong hơn 1 năm, số trường mở ngành, chuyên ngành đã chiếm hơn 1/4 số trường có đào tạo TMĐT. Như vậy, 3/4 trường mở ngành từ năm 2020 về trước, tốc độ mở ngành, chuyên ngành TMĐT rất kỳ vọng vào năm 2025, số lượng trường đào tạo ngành, chuyên ngành, hoặc học phần có thể đạt đến con số được đề ra trong Kế hoạch tổng thể.

Ngành TMĐT khát nhân lực - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM: Ngành TMĐT đang khát nhân lực

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết sau COVID việc thiếu hụt rõ nguồn nhân lực cho TMĐT càng thấy rõ và nay đã thiếu hụt rất trầm trọng. 10 năm trước, VECOM cùng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương hỗ trợ các trường đào tạo TMĐT và sự ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã giúp cho việc mở mã ngành về TMĐT. Gần 10 năm qua đã có những sinh viên tốt nghiệp cử nhân TMĐT, trong đó có ĐH Thương mại (Hà Nội) và ĐH Công ngiệp TP. HCM là hai trường tiên phong đầu tiên.

Nhưng ông Dũng cho rằng, nếu các sàn, tập đoàn TMĐT đến Việt Nam để đầu tư thì con số đó rất là thiếu và chúng ta gần như còn bỏ ngỏ hoạt động TMĐT chính quy so với thực tiễn. VECOM đã gắn kết rất chặt chẽ với các trường ĐH để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT. Năm 2022, VECOM xây dựng sáng kiến kết nối các trường ĐH đào tạo về TMĐT để kết nối các hoạt động tương tác, có những mục tiêu cụ thể kết nối nhà trường, DN để đào tạo sinh viên và làm cho cộng đồng TMĐT ngày càng phát triển.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh, cho biết đối với CQNN đào tạo nhân lực là vấn đề trăn trở từ năm 2006 - 2007, một số trường và cùng với sự đồng hành của Bộ GD&ĐT để mở mã ngành riêng cho TMĐT. Cho đến nay, theo báo cáo đào tạo TMĐT của VECOM, số trường ĐH có đào tạo ngành, chuyên ngành TMĐT đã tăng đột biến.

Qua hai năm COVID, bà Lại Việt Anh cho biết xã hội có những khó khăn không thể lường trước, nhưng đấy cũng là cơ hội cho TMĐT, CĐS, kinh tế số và giờ là lúc chuẩn bị cho TMĐT cất cánh trong thời gian tới.

Theo khảo sát của Cục TMĐT và kinh tế số và báo cáo TMĐT hàng năm thì 64% DN cho biết là họ có ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về chuyên ngành CNTT và TMĐT thì cho thấy là nhu cầu lớn. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số, chỉ có 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp TMĐT hiện nay mới được đào tạo chính quy về TMĐT. Như vậy, có 70% nhân lực khác trong các công ty TMĐT này được tuyển dụng từ các chuyên ngành khác về thương mại, kinh doanh về CNTT và những ngành nghề khác nữa. Như vậy, có dư địa rất lớn để cho các cơ sở đào tạo nhìn thấy là nhu cầu của xã hội, DN đối với nguồn nhân lực về đào tạo TMĐT lớn như thế nào.

Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh cho biết, điều trăn trở hơn là những con số đó là chất lượng đào tạo để nguồn nhân lực được đào tạo chính quy trở thành cốt lõi của nhân lực TMĐT, đáp ứng được với những yêu cầu của CĐS Việt Nam, nhu cầu ứng dụng TMĐT, thương mại số của DN bởi TMĐT là lĩnh vực phát triển cực kỳ nhanh. Theo đó, chương trình đào tạo TMĐT cần được tiếp cận có độ mở, linh hoạt để sinh viên ra trường có thể thích ứng cao nhất với những thay đổi về công nghệ, môi trường kinh doanh và trở thành nhân lực cốt lõi trong DN TMĐT lớn và DN ứng dụng TMĐT, quyết định xu hướng phát triển TMĐT trong tương lai.

Ngành TMĐT khát nhân lực - Ảnh 4.

Ra mắt mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT tại miền Bắc và miền Trung

Để đạt được những kỳ vọng về chất lượng đào tạo TMĐT, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh không thể thiếu được sự phối hợp 3 bên là cơ sở giáo dục và đào tạo, DN và CQNN. Vai trò cao nhất trong việc đào tạo là các cơ sở đào tạo là các trường ĐH, CĐ từ thiết kế chương trình, thành lập mạng lưới đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự cập nhật, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

"Các trường là tiên phong trong sự nghiệp này và cùng với sự sát cánh của DN, đảm bảo sự phù hợp và đáp ứng cao nhất từ thực tiễn đào tạo bởi vì DN là nơi tiếp nhận nhân lực từ các trưường và chứng minh được chất lượng đào tạo. Các CQNN, hiệp hội tổ chức sẽ đóng vai trò hỗ trợ, có thể tạo điều kiện thông qua các chính sách từ  Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thông qua các hỗ trợ học liệu, chương trình, công nhận chuẩn đào tạo chung. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công Thương, VECOM đóng vai trò hỗ trợ kết nối giữa DN và các cơ sở GD&ĐT. Đây là mô hình 3 bên mà sẽ để phát huy sức mạnh tốt nhất của chúng ta để đạt được chất lượng, số lượng đào tạo", bà Lại Việt Anh khẳng định./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lợi thế và trăn trở đào tạo nhân lực TMĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO