Low-code AI giúp các SME chuyển đổi hoạt động kinh doanh hiệu quả
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện những công việc thủ công, lặp đi lặp lại như nhập dữ liệu, quản lý hàng tồn kho,... Đây là một bài toán lớn cần giải để giúp các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.

Low-code AI: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số các SME
Các chuyên gia cho biết các nền tảng low-code AI sẽ chuyển đổi cơ bản khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) trong 3- 5 năm tới bằng cách dân chủ hóa quyền truy cập vào những công nghệ tiên tiến.
Trả lời phỏng vấn của tờ Khaleej Times, ông Hyther Nizam, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi (MEA) của Zoho Corp, công ty phần mềm toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ, cho biết: "Những công cụ này sẽ cho phép các DN nhỏ nhanh chóng phát triển các ứng dụng tùy chỉnh, tự động hóa các quy trình thường lệ và thực hiện ra quyết định dựa trên dữ liệu mà không cần nhiều chuyên môn kỹ thuật hoặc vốn đầu tư đáng kể".
Khi đó, lợi thế chiến lược sẽ chuyển từ DN có đủ khả năng chi trả cho công nghệ đắt tiền nhất sang DN có thể áp dụng sáng tạo nhất các công cụ này để giải quyết những vấn đề của mình và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“Các SME nắm bắt các nền tảng này sẽ được hưởng lợi từ các chu kỳ đổi mới nhanh chóng, chi phí hoạt động giảm và khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường”, Nizam cho biết.
Khi các SME áp dụng các nền tảng low-code, những thách thức về hoạt động được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là việc tự động hóa quy trình. Bởi trước đó, các SME thường tập trung vào thực hiện các công việc thủ công, lặp đi lặp lại như nhập dữ liệu, quản lý hàng tồn kho,...
Theo ông Nizam, các SME cần ưu tiên những giải pháp hợp nhất dữ liệu và báo cáo, phân tích thông tin bị cô lập giữa các phòng ban để tạo ra các bảng thông tin thống nhất cung cấp khả năng hiển thị theo thời gian thực về hiệu quả kinh doanh mà không đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật chuyên biệt.
Từ góc độ khách hàng, việc các SME nhanh chóng triển khai các giải pháp quản lý khách hàng mà tập trung vào lịch sử giao dịch và mua hàng sẽ cho phép cá nhân hoá dịch vụ hơn. Các SME cũng có thể phát triển các cổng thông tin tự phục vụ và ứng dụng di động cho phép khách hàng đặt hàng, kiểm tra trạng thái xử lý đơn hàng hoặc truy cập thông tin một cách độc lập, giúp giảm chi phí hỗ trợ đồng thời cải thiện sự hài lòng thông qua khả năng truy cập 24/7 và trải nghiệm nhất quán.

Việc áp dụng các nền tảng low-code AI có sự khác biệt đáng kể giữa các SME và các DN lớn do sự khác biệt về nguồn lực, các ưu tiên và nhu cầu hoạt động.
“Các SME thường ưu tiên những giải pháp đơn giản, tiết kiệm chi phí cho phép xây dựng và triển khai ứng dụng dễ dàng, nhanh chóng, giúp họ khắc phục tình trạng thiếu hụt kỹ năng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trọng tâm của họ là sự linh hoạt, giảm chi phí phát triển và cải thiện hiệu quả hoạt động với sự phụ thuộc tối thiểu vào nhóm CNTT. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng về bảo mật và rủi ro từ phía nhà cung cấp do nguồn lực hạn chế”, Nizam cho biết.
Ngược lại, các DN lớn sử dụng các nền tảng low-code AI để hỗ trợ cho nhóm CNTT và AI hiện có của họ, nhằm mục đích đẩy nhanh chu kỳ phát triển trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị, bảo mật nghiêm ngặt.
“Họ tập trung vào việc tích hợp các giải pháp low-code với các hệ thống cũ phức tạp và mở rộng quy mô đổi mới trên nhiều đơn vị kinh doanh. Mặc dù tốc độ và tính dễ sử dụng vẫn quan trọng, nhưng ưu tiên của họ tập trung vào việc quản lý tính phức tạp, đảm bảo kiểm soát trên toàn DN và hỗ trợ các nhà phát triển trong một khuôn khổ nhất định. Do đó, các SME tìm kiếm sự đơn giản và tốc độ, trong khi các DN lớn cân bằng giữa tính linh hoạt với khả năng kiểm soát và mở rộng”, Nizam cho biết.
Đẩy mạnh ứng dụng low-code AI trên nhiều lĩnh vực
Các SME trong lĩnh vực bán lẻ/thương mại điện tử đang dẫn đầu việc áp dụng các nền tảng low-code AI để nhanh chóng triển khai các hệ thống quản lý khách hàng và các công cụ báo cáo tự động dựa trên AI.
Các công ty sản xuất và hậu cần ngày càng triển khai các giải pháp này để tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, bảo trì dự đoán và các ứng dụng kiểm soát chất lượng nhằm tận dụng AI để tối ưu hóa hoạt động và giảm chi phí, đặc biệt là khi các lĩnh vực này phải đối mặt với áp lực lớn trong việc số hóa các quy trình trong khi giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và biến động của chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ đang áp dụng low-code AI để tạo ra trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa, quản lý hóa hàng tồn kho và triển khai các giải pháp thu hút khách hàng đa kênh mà không cần nhiều nguồn lực phát triển.
Các SME trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện ứng dụng các nền tảng low-code AI để hợp lý hóa quy trình khám chữa bệnh, quy trình thanh toán và đảm bảo tuân thủ các quy định trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt.
Ngoài việc xây dựng các ứng dụng, các nền tảng low-code AI còn giúp SME tối ưu hóa các quy trình kinh doanh bằng cách tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, cải thiện quá trình ra quyết định và cho phép thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường.
Ví dụ, chatbot AI xử lý các yêu cầu dịch vụ khách hàng 24/7 giúp giảm thời gian phản hồi và giải phóng nhân viên khỏi những công việc lặp đi lặp lại, trong khi phân tích dự đoán giúp DN dự báo nhu cầu, quản lý hàng tồn kho và cá nhân hóa các chiến dịch tiếp thị, từ đó giúp tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
"Các nền tảng như Zoho Creator, nền tảng phát triển ứng dụng low-code, giúp SME có thể tiếp cận những lợi ích này bằng cách tích hợp học máy để dự đoán, phát hiện đối tượng và tự động hóa quy trình làm việc mà không đòi hỏi chuyên môn về lập trình", ông Nizam cho biết.
Trung Đông, đặc biệt là các thị trường nói tiếng Ả Rập, đang đẩy mạnh triển khai các nền tảng low-code AI nhờ các sáng kiến chuyển đổi số quốc gia đầy tham vọng và các chiến lược đa dạng hóa. "Các chương trình do chính phủ hỗ trợ tại UAE, Ả Rập Xê Út và Qatar đang tích cực thúc đẩy các kỹ năng số và áp dụng công nghệ trong các SME tại địa phương, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Ả Rập và các hoạt động kinh doanh trong khu vực", ông Nizam nhấn mạnh.
Các dịch vụ tài chính và các lĩnh vực bán lẻ đang dẫn đầu quá trình áp dụng trong khu vực, với trọng tâm là các ứng dụng trên thiết bị di động. Một xu hướng đáng chú ý trong khu vực là các nền tảng tích hợp liền mạch với các yêu cầu của ngân hàng Hồi giáo và hỗ trợ giao diện khách hàng bằng tiếng Ả Rập.
"Mặc dù ban đầu việc áp dụng chậm hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng hiện đã vượt xa nhiều thị trường phương Tây khi các DN Trung Đông khai thác công nghệ này để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và nhanh chóng hiện đại hóa các hệ thống cũ, đặc biệt các DN rất quan tâm đến những giải pháp kết hợp AI với low-code để tăng tốc khả năng cạnh tranh của họ”, Giám đốc khu vực Trung Đông và châu Phi của Zoho Corp cho biết./.