Một số vấn đề cần lưu ý khi chia sẻ trực tuyến

TH| 16/09/2020 13:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Mạng xã hội đã trở thành một trong những phương tiện chính để kết nối với gia đình, bạn bè và những người xung quanh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bạn không nên chia sẻ quá nhiều thứ trên Facebook, Instagram… để tránh những rủi ro không đáng có.

Đăng tải thông tin cá nhân lên Internet - Hãy thận trọng

Nghiên cứu mới nhất từ công ty an ninh mạng Kaspersky cho thấy mạng xã hội là hoạt động hàng đầu của người dùng trực tuyến ở Đông Nam Á trong những tháng đầu năm 2020. Được thực hiện vào tháng 5/2020 với 760 người tham gia, nghiên cứu chỉ ra 80% phụ huynh tại khu vực Đông Nam Á dành nhiều thời gian cho các ứng dụng mạng xã hội khác nhau trong giai đoạn giãn cách xã hội.

"Chúng ta có thể thấy rằng ranh giới giữa vai trò làm cha mẹ và công việc chuyên môn đã bị xóa nhòa rất nhiều vì nhà riêng của chúng ta giờ đây đóng vai trò như văn phòng và trường học mở rộng. Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp nền tảng để các bậc phụ huynh có thể giải trí, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần và lời khuyên từ các nhóm trên mạng xã hội", ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

"Mặc dù mạng xã hội có thể mang đến nguồn kiến thức và sự trợ giúp hữu ích cho các bậc cha mẹ, nhưng phụ huynh cũng cần lưu ý rằng các thành phần nguy hiểm trên thế giới trực tuyến cũng đang ẩn náu khắp nơi. Phụ huynh cần cẩn thận với thông tin đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của mình vì thông tin được chia sẻ trên các trang mạng xã hội có thể được khai thác và sử dụng bởi rất nhiều người lạ, bao gồm cả tội phạm mạng, và điều này cực kỳ nguy hiểm", ông cho biết thêm.

Một số vấn đề cần lưu ý khi chia sẻ trực tuyến - Ảnh 1.

Mọi thứ mà cha mẹ hoặc con trẻ đăng tải trực tuyến đều có thể được sử dụng để chống lại họ

Mọi thứ mà cha mẹ hoặc con trẻ đăng tải trực tuyến đều có thể được sử dụng để chống lại họ - cho dù đó là một bức ảnh thân mật hay cập nhật về cuộc sống cá nhân của họ. Bởi vậy, điều quan trọng cần lưu ý cho bản thân và con trẻ là trước khi nhấp vào nút "Đăng", hãy dừng lại một chút và suy nghĩ về bất kỳ điều bất lợi nào có thể phát sinh trong tương lai từ bài đăng. Thông tin này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của bạn hoặc người khác không? Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì nếu họ nhìn thấy bài đăng này? Ai đó có thể sử dụng thông tin này để theo dõi bạn hoặc con bạn trong thế giới thực hay không? Ai sẽ có thể xem bài đăng này?

Một số vấn đề cần lưu ý khi chia sẻ thông tin trực tuyến

Chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ là một việc nguy hiểm. Trong thời đại số hóa, chúng ta có thể dễ dàng biết được thông tin về một người chỉ từ trang cá nhân của họ trên các mạng xã hội, đấy là còn chưa kể đến việc thông tin người dùng bị các công ty khai thác. Có thể nói rằng, quyền riêng tư của con người đang ngày càng bị xâm phạm, nếu chúng ta không tự bảo vệ mình thì không ai có thể làm giúp điều đó. Vì thế, trước khi đăng tải bất kỳ điều gì lên mạng xã hội, hãy thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.

Đối với các bậc phụ huynh và con trẻ cần lưu ý không nên đăng tải những thông tin:

Thứ nhất là địa chỉ nhà riêng hoặc trường học. Nếu biết được thông tin này, những tên trộm, kẻ ấu dâm, hoặc những thành phần xấu có thể dễ dàng xác định vị trí của bạn hoặc con bạn. Trẻ em hiếm khi đăng địa chỉ nhà của mình lên mạng xã hội, nhưng rất thường xuyên nêu tên trường mà mình theo học. Cần lưu ý là ngoài việc không đăng thông tin này trực tiếp thì bạn còn không nên chia sẻ thông tin thông qua việc bình luận hoặc đăng hình ảnh gián tiếp cho biết con bạn đang theo học trường nào.

Thứ hai là số điện thoại. Với trẻ em, điện thoại là phương thức liên lạc mà đôi khi bạn bè cùng trang lứa có thể dùng để bắt nạt và người lớn có thể dùng cho những mục đích nguy hiểm hơn. Đối với tội phạm mạng, thông tin này là một trong những dữ liệu có giá trị nhất mà chúng có thể lấy được. Ví dụ: ít nhất kể từ năm 2016, tội phạm mạng đã bắt đầu thu thập số điện thoại của người dùng mạng xã hội và sử dụng thông tin đánh cắp để đăng ký lại dịch vụ ngân hàng trực tuyến và giành quyền truy cập vào tài khoản của nạn nhân.

Thứ ba là vị trí hiện tại (Check-in). Thông tin gia đình vắng nhà là tín hiệu hấp dẫn thành phần xấu và cũng giúp tội phạm dễ dàng theo dõi ai đó hơn. Ngoài ra, những trạng thái như "địa điểm yêu thích của tôi" có thể gây nguy hiểm cho bạn ngay cả khi bạn không ở đó vào hiện tại - điều đó cho kẻ xấu biết rằng có thể dễ dàng tìm thấy bạn ở một nơi nào đó.

Thứ tư là anh và video nhạy cảm. Những bức ảnh có vẻ là thú vị đối với thanh thiếu niên có thể khiến họ gặp rắc rối nếu được công bố trên Internet. Ví dụ, có rất nhiều trang web thu thập hình ảnh khiêu dâm của các cô gái tuổi teen mà họ tự đăng và xuất bản dưới dạng nội dung "nóng".

Thứ năm là thông tin về cuộc sống cá nhân. Thông tin cá nhân luôn có thể được sử dụng để chống lại bạn, ví dụ được sử dụng để đoán mật khẩu của một tài khoản trực tuyến, để thực hiện một trò lừa đảo hoặc làm quen với con bạn. Việc đăng tải nội dung phàn nàn hoặc thông tin cá nhân của những người thân còn có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn với mọi người.

Một số vấn đề cần lưu ý khi chia sẻ trực tuyến - Ảnh 2.

Cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin về cuộc sống cá nhân.

Thứ sáu là những phát biểu, chỉ trích về các chủ đề nhạy cảm. Cả bạn và con bạn đều được phép có ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề gây tranh cãi như tôn giáo, chính trị, khuynh hướng tình dục, v.v., tốt hơn hết là bạn không nên chia sẻ ý kiến của mình trên Internet. Điều này có thể gây ra xung đột từ thế giới ảo sang thế giới thực hoặc làm hỏng hình ảnh của bạn trong mắt tổ chức giáo dục tiềm năng hoặc nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, hình ảnh khi còn bé của con bạn hay hình ảnh những món quà đắt tiền cũng không nên được đăng tải.

Để giảm thiểu những rủi ro khi chia sẻ thông tin trực tuyến, bố mẹ nên khuyến cáo cho con những thông tin không nên được công bố trên Internet và lý do tại sao, giải thích rằng tất cả thông tin nhạy cảm chỉ có thể được chia sẻ qua tin nhắn riêng và chỉ với những người con bạn quen biết ngoài đời.

Việc tạo tài khoản trên cùng mạng xã hội và kết bạn với con cũng rất cần thiết, nhằm giúp bạn có thể xem các bài đăng của con và nhanh chóng ngăn chặn mọi hành vi thiếu cẩn trọng hoặc thoải mái quá mức.

Nếu con bạn còn nhỏ, cần nhớ rằng tài khoản mạng xã hội đầu tiên của con bạn phải được tạo cùng với cha mẹ. Trong trường hợp này, bạn có thể giải thích cho con tất cả các quy tắc và thiết lập các biện pháp an toàn mạng giúp con.

Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng các ứng dụng kiểm soát như Kaspersky Safe Kids, giúp bảo vệ con bạn khỏi nội dung không phù hợp và thông báo cho bạn về những thay đổi đối với hồ sơ mạng xã hội và danh sách bạn bè, cũng như bất kỳ bài đăng có thể gây nguy hiểm cho con.

Bài liên quan
  • Ứng dụng công nghệ để xác minh độ tuổi người dùng mạng xã hội
    Giới hạn độ tuổi tối thiểu để sử dụng các nền tảng mạng xã hội là một giải pháp được nhiều quốc gia đã và đang xem xét áp dụng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy định này được thực thi nghiêm túc. Na Uy đang xem xét yêu cầu liên kết đăng nhập vào mạng xã hội với hệ thống BankID.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề cần lưu ý khi chia sẻ trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO