Diễn đàn

Ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản có thể trở lại thời kỳ huy hoàng?

Ngọc Diệp 31/01/2024 10:10

Từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, giờ đây Nhật Bản đang nỗ lực để làm "hồi sinh" ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về hàng hóa quan trọng và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt.

download-3-.jpeg

Nỗ lực tự chủ bán dẫn của Nhật Bản

Công nghiệp vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hoá, xe tự lái…

Dự báo thị trường bán dẫn ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine và xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo nguồn cung bán dẫn.

Giữa bối cảnh đó, Nhật Bản cũng đang nỗ lực hồi sinh ngành bán dẫn trong nước thông qua tăng cường ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn. Chiến lược phát triển mới của Nhật Bản không chỉ hướng tới mục tiêu khôi phục vị trí cường quốc bán dẫn, mà còn nhằm đảm bảo sự sẵn sàng của nước này trước các thách thức về an ninh kinh tế và xu hướng số hóa đang lan rộng.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Rapidus, một trung tâm sản xuất hàng loạt chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, với sự hợp tác của hai “gã khổng lồ” công nghệ IBM và IMEC. Rapidus đã nhận được hỗ trợ tài chính 330 tỷ yên (2,3 tỷ USD) từ chính phủ Nhật Bản cho 2 năm 2022 và 2023. Công ty đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 2 nanomet vào năm 2027.

download-4-.jpeg

Chính phủ Nhật Bản cũng đang cố gắng thu hút những ông lớn bán dẫn như ASML Holding tham gia vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trong 2 năm 2021 và 2022, Chính phủ Nhật Bản đã dành hơn 1.000 tỷ yên (gần 7 tỷ USD) phát triển các nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Động thái này giúp Nhật Bản “giữ chân” các công ty trong nước và quốc tế, vốn có thể lựa chọn những điểm đến hấp dẫn hơn để sản xuất chất bán dẫn.

Để nâng cao vị thế của Nhật Bản trong ngành bán dẫn, Thủ tướng Fumio Kishida đã gặp mặt lãnh đạo các công ty và hiệp hội hàng đầu trong ngành để thu hút thêm đầu tư và củng cố vị thế của Nhật Bản. Ông khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, qua đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm chip, góp phần đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với loại linh kiện này.

Chính phủ cũng đang đưa ra các khoản trợ cấp lớn. Ngày 21/12/2023, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông báo sẽ hỗ trợ 20 tỷ yen (140 triệu USD) - khoảng một nửa số vốn - cho một cơ sở nghiên cứu và phát triển chip mà Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ xây dựng tại thành phố Yokohama, phía Tây Nam Thủ đô Tokyo. Cơ sở mới sẽ tập trung vào lĩnh vực đóng gói chip - lĩnh vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quy trình sản xuất chip khi ngành này đang tìm cách sản xuất những siêu chip mạnh hơn bao giờ hết.

Trước đó, vào tháng 12/2022, Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Tiên tiến (LSTC), được hỗ trợ bởi các viện nghiên cứu công cộng ở Nhật Bản và một số trung tâm R&D dành cho các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Theo các nhà phân tích, Nhật Bản đang bị tụt lại rất xa so với các nước khác trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng với tiềm năng của nền kinh tế, nước này hoàn toàn có thể trở lại là cường quốc số 1 thế giới.

Nhật Bản từng dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn. Thời kỳ huy hoàng của Nhật Bản diễn ra vào cuối những năm 1980, khi đó nước này chiếm khoảng 50% ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, lớn mạnh đến nỗi Mỹ phải nỗ lực chỉ để giành một thị phần nhỏ.

Với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nhật Bản do thị phần bán dẫn của Nhật Bản tiếp tục tăng nhanh, Mỹ đưa ra các cáo buộc đối với các công ty Nhật Bản về hoạt động thương mại không công bằng và bán chip rẻ phá giá lên thị trường Mỹ. Những căng thẳng này dẫn đến Hiệp định Chất bán dẫn Hoa Kỳ - Nhật Bản năm 1986, nhằm giới hạn ảnh hưởng công nghệ của Nhật trên thế giới và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Và mọi thứ thay đổi, các công ty Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh, đến năm 2021, Nhật Bản ước tính chỉ chiếm 7% sản lượng bán dẫn.

Đối mặt với những thách thức thực tế

Để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu, một trong những thách thức lớn mà Nhật Bản phải đối mặt là đầu tư tư nhân. Trong khi sự hỗ trợ của chính phủ - dưới hình thức cấp đất, miễn thuế, trợ cấp và hạn chế nhập khẩu – là quan trọng, thì theo một số tính toán, để thực hiện được mục tiêu trên, ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản sẽ cần khoản vốn đầu tư theo diện công - tư là hơn 10.000 tỷ yên trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động có trình độ cũng rất quan trọng đối với hành trình này. Okamoto, người đứng đầu bộ phận sản xuất công nghiệp của KPMG Nhật Bản, tin rằng điều này có thể được thực hiện “thông qua nỗ lực hợp tác giữa ngành, chính phủ và giới học thuật”. Và các trường học sẽ cần ưu tiên khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Một khi đã xây dựng được lực lượng lao động có năng lực, chính phủ sẽ cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời liên tục đầu tư.

Mặt khác, việc thiết lập các trung tâm sản xuất bán dẫn sẽ phải tháo gỡ một loạt nút thắt. Nhà máy của TSMC tại Kumamoto đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và nhân sự cũng như tình trạng giao thông, cơ sở hạ tầng thuộc hàng tệ nhất Nhật Bản.

Vấn đề môi trường cũng là một thách thức đối với các nhà sản xuất chip bán dẫn vì lượng khí thải carbon do ngành công nghiệp bán dẫn gây ra thường rất lớn.

Các đối thủ cạnh tranh

Trong khi Nhật Bản tụt hậu trong cuộc đua bán dẫn thì các nước châu Á khác đã vươn lên chiếm lĩnh lĩnh vực này. Trong khi Đài Loan duy trì sự thống trị mạnh mẽ trên thị trường thì các quốc gia khác ở châu Á - bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia - cũng đang chú trọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Các nhà sản xuất chip lớn gồm GlobalFoundries có trụ sở tại Hoa Kỳ và Soitec của Pháp cho biết sẽ tăng công suất sản xuất tại Singapore. Ngành bán dẫn nước này cũng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip.

Tại Việt Nam, năm 2021, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Intel trở thành DN Mỹ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Cùng với nhiều tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn trên toàn cầu đã có mặt tại Việt Nam, tháng 10/2023, Tập đoàn Amkor Technology đã khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn của mình tại Bắc Ninh.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip toàn cầu (SEMI), Nhật Bản có kế hoạch đầu tư khoảng 7 tỷ USD cho sản xuất chip vào năm 2024, tăng hơn 82% so với năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng 82% so với năm ngoái vẫn khiến Nhật Bản tụt xa so với khoản đầu tư dự kiến 23 tỷ USD của Đài Loan.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp bán dẫn nước này xây dựng vị thế vững chắc hơn và góp phần phục hồi kinh tế trong và ngoài nước./.

Theo japantimes, bloomberg
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản có thể trở lại thời kỳ huy hoàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO