Kinh tế số

Nhà mạng Mỹ kiếm tiền từ lưu lượng AI, phân chia mạng và vệ tinh

QA 09:47 06/02/2025

Chủ tịch kiêm CEO của nhà mạng Mỹ T-Mobile, Mike Sievert, cho biết nhà mạng này sẽ kiếm tiền từ nhiều công nghệ mới bao gồm dịch vụ AI, phân chia mạng 5G và kết nối từ vệ tinh.

ceo-t-mobile.png
Mike Sievert, Chủ tịch kiêm CEO của T-Mobile. (Ảnh: T-Mobile).

Giám đốc tài chính Peter Osvaldik của T-Mobile cho biết rất vui mừng trước kết quả kinh doanh quý IV năm 2024, vượt quá kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích. Cổ phiếu của nhà mạng này đã tăng gần 10% trong phiên giao dịch mới đây.

Theo Chủ tịch kiêm CEO của nhà mạng, Mike Sievert, hiện ông đang hướng tới những mục tiêu lớn hơn ngoài kết quả kinh doanh quý của nhà mạng.

Ông cho biết CEO mới của T-Mobile là Srinivasan Gopalan - người sẽ bắt đầu làm việc vào tháng 3 - sẽ cho ông thời gian và không gian để "tập trung nhiều hơn vào các cơ hội và chiến lược dài hạn của nhà mạng".

Sievert đã ám chỉ một số cơ hội và chiến lược đó tại hội nghị hàng quý của T-Mobile mới đây. Các cơ hội bao gồm: AI, phân chia mạng (network slicing) và vệ tinh.

Theo Sievert, mỗi công nghệ này đều đại diện cho một cơ hội để T-Mobile đạt được doanh thu cao hơn.

AI và góc nhìn DeepSeek

Sievert đã được hỏi về mạng của T-Mobile và cách mạng này có thể xử lý lưu lượng truy cập tăng thêm từ các dịch vụ AI. Sievert không tiết lộ liệu lưu lượng truy cập trên mạng của T-Mobile có tăng lên từ AI hay không, nhưng ông cho biết AI được xem là cơ hội để T-Mobile phát triển mạng 5G của mình.

"Sự phát triển của AI và khối lượng công việc của AI sẽ là cách để chúng tôi thể hiện sự khác biệt của mạng lưới, đặc biệt là khi AI bắt đầu chuyển từ giao diện văn bản sang nhiều video, âm thanh, hình ảnh hơn. Vẫn còn sớm, nhưng tôi nghĩ đây là động lực tốt cho chúng tôi".

Tuy nhiên, Sievert không nói gì về việc bán dịch vụ AI trực tiếp cho người dùng cuối, như nhà mạng SK Telecom sẽ làm.

Không giống như CEO của nhà mạng AT&T, Sievert không thảo luận trực tiếp về DeepSeek. Đó là dịch vụ AI của Trung Quốc đã làm Phố Wall chao đảo vì lo ngại rằng DeepSeek có thể cung cấp các dịch vụ tiên tiến với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các công ty đã thành danh như OpenAI.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tài chính hiện đang lập luận rằng DeepSeek sẽ không tác động trực tiếp đến các khoản đầu tư lớn của Big Tech vào cơ sở hạ tầng AI, ít nhất là trong dài hạn. "Những đóng góp của DeepSeek đáng chú ý nhưng là một phần của ngành công nghiệp AI tạo ra đang phát triển nhanh chóng chứ không phải là một sự thay đổi lớn theo quan điểm của chúng tôi", các nhà phân tích tài chính tại BofA Global Research đã viết trong một lưu ý gần đây gửi đến các nhà đầu tư.

Và các nhà phân tích tài chính tại TD Cowen lập luận rằng DeepSeek và các dịch vụ tương tự sẽ không có tác động lâu dài đến giá trị của các trung tâm dữ liệu (nơi có các dịch vụ AI) hoặc mạng viễn thông (kết nối các dịch vụ AI với người dùng cuối).

Các cơ hội từ công nghệ phân chia mạng

Công nghệ phân chia mạng (network slicing) của T-Mobile dựa trên các hệ thống 5G độc lập (SA) cho phép T-Mobile dành một phần dung lượng mạng của mình cho một khách hàng cụ thể. Nhà mạng này lần đầu tiên đưa phân chia mạng vào sử dụng trong dịch vụ T-Priority dành cho những người quan tâm đầu tiên.

"Chúng tôi đã chờ đợi rất lâu trước khi bắt đầu nói về tất cả những điều này, vì chúng tôi muốn thấy một mô hình kinh doanh thực sự phát triển xung quanh công nghệ này và thời điểm đó đang đến gần. T-Priority chắc chắn là một minh chứng cho điều này”, CEO Sievert cho hay.

5g-t-mobile.jpg
Ảnh: phonearena

Phân chia mạng là một trong những dịch vụ đặc biệt mới mà 5G mang lại, nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau trên một cơ sở hạ tầng chung. CEO Sievert cũng cho biết công nghệ này sẽ tạo ra cơ hội doanh thu trực tiếp từ những khách hàng trả tiền cho dịch vụ, cũng như là cơ hội chuyển mạng của thuê bao sang T-Mobile vì nhờ có các dịch vụ tiên tiến hơn.

Kết nối vệ tinh

Cuối cùng, CEO Sievert cho biết T-Mobile gần đây đã ra mắt bản thử nghiệm beta cho dịch vụ trực tiếp đến thiết bị (D2D) với SpaceX. Dịch vụ này kết nối thuê bao của T-Mobile trực tiếp với vệ tinh SpaceX Starlink khi họ ở ngoài vùng phủ sóng 5G của T-Mobile.

"Chúng tôi thấy mọi thứ đang diễn ra khá nhanh chóng", Sievert cho biết, ám chỉ rằng việc ra mắt thương mại dịch vụ sẽ sớm diễn ra. Tuy nhiên, ông không thông tin ngày ra mắt cụ thể.

Sievert giải thích rằng T-Mobile sẽ kiếm tiền từ các kết nối vệ tinh bằng cách chỉ cung cấp dịch vụ trên các gói cước đắt nhất của mình. Ông cho biết điều đó sẽ khuyến khích khách hàng nâng cấp lên các gói cước đắt hơn.

Nhưng Sievert cũng đưa ra khả năng T-Mobile sẽ tính phí kết nối SpaceX theo hình thức gọi. "Đối với những người không có các gói cước bao gồm dịch vụ này và nhiều thuê bao khác, có thể có những cơ hội", ông nói, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Điều đáng chú ý là bản cập nhật phần mềm iPhone mới nhất của Apple bổ sung hỗ trợ cho dịch vụ vệ tinh trực tiếp đến di động của SpaceX và T-Mobile. Điều đó có nghĩa là nó sẽ tương tự dịch vụ do Apple và Globalstar khai thác.

Sievert cũng trả lời câu hỏi về việc liệu T-Mobile có bán dịch vụ băng thông rộng tại nhà của Starlink ở những địa điểm không thể cung cấp kết nối truy cập không dây cố định (FWA).

Sievert cho biết, "hiện tại nhu cầu về dịch vụ vệ tinh cao và Starlink phóng nhiều vệ tinh nên hai bên có thể trở thành đối tác”.

Triển vọng năm 2025

T-Mobile đã có thêm 903.000 thuê bao trả sau mới trong quý 4 năm 2024, thấp hơn một chút so với con số mà nhà mạng này báo cáo trong cùng quý năm ngoái nhưng cao hơn kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích. Nhà mạng cũng đã có thêm 428.000 khách hàng FWA, cao hơn một chút so với 415.000 khách hàng mà công ty đã đạt được trong quý 3 năm 2024.

Năm 2025, T-Mobile đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5,5 triệu lên 6 triệu thuê bao trả sau./.

Theo lightreading
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Mỹ kiếm tiền từ lưu lượng AI, phân chia mạng và vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO