Nhân sự du lịch thời 4.0: Nghỉ ngơi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

02/08/2021 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuốn vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, du lịch ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế mà người làm du lịch buộc phải tự nâng cấp trang bị cho mình năng lực công nghệ để có khả năng thích ứng và nhất định phải “đi trước thời đại” mới có thể chiều lòng được các tín đồ thích trải nghiệm.

Trước đại dịch COVID-19 nguồn nhân sự 4.0 này được đánh giá là còn “khá yếu”, nhưng nay không chỉ yếu mà còn “siêu thiếu” bởi một lượng không nhỏ chất xám đã bị “rò rỉ” sang các ngành khác và cũng bởi một phần lớn nguồn nhân lực này tâm lý hẵn còn e ngại “thay đổi” hay muốn “nghỉ ngơi” sau nhiều chuỗi tháng ngày vật lộn với đại dịch COVID. 

Dẫu khá cấp bách, song vẫn còn e ngại...

Trên trang thông tin của Tổng cục Du lịch Việt Nam số ra ngày 11/06/2021 có trích dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới khi mà vừa phải đối mặt với đại dịch COVID-19, vừa phải tận dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ để phục hồi trở lại và lớn mạnh hơn trước. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của ngành, triển khai các giải pháp quyết liệt chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, tổng thể, liên thông hiệu quả.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ có thể thấy chuyển đổi số chính là hướng đi sống còn, cấp bách để ngành du lịch có thể vực dậy sau đại dịch, và trong những năm gần đây thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực cũng đã được ngành triển khai khá rốt ráo. Trong giai đoạn 2018 - 2020, Tổng cục Du lịch cũng đã thực hiện lộ trình xây dựng nền tảng số đa dạng tích hợp nhiều tính năng thiết yếu dành cho cả cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và khách du lịch. Hàng loạt các trang như Cổng thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu thống kê du lịch Việt, hay các kênh YouTube, Facebook và Zalo riêng của ngành đã được hoàn thiện và đi vào sử dụng nhằm đẩy mạnh và tăng cường quảng bá về du lịch Việt Nam. Tuy nhiên sự rốt ráo này dường như mới chỉ đến từ các cơ quan ban ngành của Chính phủ, còn tại các doanh nghiệp lữ hành thì xem ra “cơn mưa” chuyển đổi số vẫn còn là một bài toán nan giải khi mà một lực lượng lớn nhân sự du lịch vẫn cảm thấy “e ngại” với cuộc Cách mạng mang tên 4.0 này.

Lý giải về vấn đề này, ông Phùng Gia Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Khám phá Mỹ cho hay: “Những nhóm trẻ tuổi và mới đi làm sẽ dễ thích nghi cũng như chịu áp dụng cái mới, còn những cá nhân, nhóm đã có tuổi nghề lâu năm hoặc lớn tuổi sẽ rất ngại ngần trong việc tiếp cận cũng như thay đổi và giải pháp của họ là không hợp tác, thậm chí đối chọi với sự thay đổi của doanh nghiệp”. Do vậy, ông Tuấn khẳng định, muốn trang bị cho nhân sự du lịch về công nghệ 4.0 thì các doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp rất quyết liệt và đặc biệt phải “cứng rắn” với những cá nhân trong doanh nghiệp tỏ ra không hợp tác. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấu hiểu nhân sự và cho họ có thời gian để tiếp cận, nên cầm tay chỉ việc thực sự chứ không nên giao việc một cách bị động, vì khi bị động thì “họ càng bế tắc hơn” trong việc tiếp cận với công nghệ hiện đại. 

Một thực tế cũng cho thấy chính sự thiếu quyết liệt và đồng nhất đến từ đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành cũng là nguyên nhân khiến nguồn nhân sự này không mấy mặn mà với việc phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về công nghệ thông minh. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist cho biết: “Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ 4.0 của ngành du lịch được thực hiện không triệt để và đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước xuống tới các doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số không nhiều, bởi việc mà họ quan tâm trước mắt chính là tìm những công cụ giúp họ kinh doanh ra tiền ngay, để còn sống sót sau đại dịch.” 

Còn e ngại là do chưa được hiểu thấu đáo...

Để ngành du lịch có thể khoác lên mình chiếc áo công nghệ 4.0 vừa vặn thì không chỉ chủ doanh nghiệp mà cả đội ngũ nhân viên cũng đều phải ý thức về sự thay đổi này, có nghĩa là tất cả các lực lượng tham gia vào hoạt động du lịch đều phải hiểu thấu đáo bản chất cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là gì và vì sao chúng ta lại phải thay đổi? Sự thay đổi này không chỉ đến ở một hay hai mắt xích mà nó phải được làm đồng bộ từ phương thức hoạt động, quy trình điều hành, cách thức tiếp thị, công cụ quản lý và chăm sóc khách hàng.

Nhân sự du lịch thời 4.0: Nghỉ ngơi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nghĩa Vượng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ 4.0 KTS Hà Nội (KTS) cho biết: “Chính việc không được hiểu thấu đáo là nguyên nhân căn bản khiến nhân sự du lịch vẫn còn hờ hững với sự thay máu này”. Theo ông Vượng, áp dụng công nghệ 4.0 là nhằm chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống phức tạp cồng kềnh sang mô hình tinh gọn thông minh, vận hành một cách đơn giản, tiếp thị một cách tổng thể và bán hàng một cách hệ thống. Mục đích của chuyển đổi số chính là để doanh nghiệp có được một lượng big data (dữ liệu lớn) tạo ra nguyên liệu thành phẩm và ứng dụng cộng nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để nghiên cứu, đánh giá và tạo ra giá trị thặng dư mới cho một doanh nghiệp hay chính phủ. “Với doanh nghiệp thì chuyển đổi số chính là nhằm giảm chi và tăng thu”, ông Vượng nhấn mạnh. Theo số liệu từ đại diện Cục Tin học hóa cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có năng suất cao gấp đôi các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số. Đến năm 2024, chuyển đổi số được nhận định là sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.

Một khi nhân viên vẫn đang cảm thấy ổn định, vẫn nhận lương và lại không hiểu hết mục tiêu to lớn của việc chuyển đổi số thì lẽ tất nhiên là họ sẽ không có nhu cầu muốn thay đổi bởi tâm lý “ngại”. Khi chúng ta áp dụng 4.0 thì mọi người thường thấy khó, nhưng thực sự bản chất không phải là khó mà là chúng ta chưa thấy được giá trị to lớn mà công nghệ mạng lại nên không có động lực để thay đổi. Một khi không muốn thay đổi, không muốn tìm kiếmcáimớithìắtsẽbị“loạirakhỏicuộcchơi”.Rấtcóthể doanh nghiệp du lịch dần sẽ giảm bớt số lượng nhân sự ở các vị trí như kế toán hay thậm chí nhân viên kinh doanh bởi nhờ công nghệ thì rất nhiều công việc được thiết kế thực hiện rất khoa học, lãnh đạo có thể tự xem báo cáo hàng ngày và tự định hướng thói quen người tiêu dùng.

Muốn hiểu thấu đáo phải được đào tạo bài bản và có hệ thống

Vai trò của việc hiểu thấu đáo quan trọng là vậy, nhưng bằng cách nào để ngành du lịch trong một tương lai không xa có thể sở hữu một nguồn nhân lực được trang bị những kiến thức ứng dụng về cuộc cách mạng công nghệ 4.0, về những khái niệm như Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)? Đây thực sự vẫn còn là một câu hỏi làm trăn trở các nhà quản lý cũng như các nhà đào tạo nhân sự cho ngành.

Trong những năm gần đây, các trường đại học có ngành du lịch về cơ bản cũng nhận thức rất rõ về việc này thông qua việc cập nhật và đưa vào trong chương trình đào tạo các học phần liên quan như công nghệ thông tin, tin học ứng dụng trong du lịch, marketing số, hệ thống phần mềm ứng dụng đặt phòng, đặt dịch vụ trực tuyến... Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Các trường hầu như mới chỉ trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cho sinh viên. Trên thực tế, môi trường xã hội và môi trường kinh doanh du lịch lại rất đa dạng với nhiều ứng dụng, khai thác chuyển đổi số khác nhau. Do vậy, còn có sự chênh nhất định về kiến thức, kỹ năng trong cách đào tạo của các trường đại học với nhu cầu của xã hội”.

Có thể nhận thấy một đặc điểm chung của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (thường không có hệ thống đào tạo nội bộ tốt) trong việc tiếp nhận sinh viên mới ra trường, là thường khá khắt khe với nhân viên mới và hay “chê” nhà trường đào tạo “chưa sát thực tế”. Ngược lại, từ phía Nhà trường, thường cũng hay “phàn nàn” là doanh nghiệp chưa hiểu nhà trường và “không hiểu gì về đào tạo”, “có giỏi tự đi mà đào tạo”. Do vậy, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng muốn cải thiện chất lượng đào tạo để sinh viên có thể tiếp cận công việc ngay sau khi ra trường, giải pháp căn cốt không ở đâu khác là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Hai bên “phải bắt tay” và đồng hành cùng nhau trong phát triển nguồn nhân lực, và phải xem đây là nhiệm vụ “sống còn” để có một nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ hiểu biết thực tế đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xã hội.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Nghĩa Vượng - Tổng Giám đốc KTS cho biết giải pháp nhanh nhất tại thời điểm hiện tại đó chính là sự phối kết hợp giữa ba bên theo mô hình tam giác đó là “nhà trường - doanh nghiệp lữ hành - doanh nghiệp công nghệ,” để nhanh chóng đưa ứng dụng 4.0 vào giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng, cũng như tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp giảng dạy cho các nhân sự đang làm việc cho ngành. Hiện tại KTS cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các khóa học miễn phí trên zoom để chia sẻ về cách thức kinh doanh onlines cho các nhân sự trong ngành du lịch. 

Chị Bùi Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty CP Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel & Media, một trong những học viên của khóa học cho biết: “Các buổi học như vậy rất giá trị, tôi gần như mở mang được rất nhiều kiến thức và thấy có thêm động lực để quyết liệt hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp của mình.”

Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, qua đó có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Quyết định này được các doanh nghiệp lữ hành đón nhận hết sức “hoan hỉ” và cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm “lực bẩy” để các công ty du lịch duy trì và nâng cao năng lực làm việc cho đội ngũ nhân sự của mình, đội ngũ mà hiện đang khá rệu rã và bị “rò rỉ” sau 4 đợt dịch bùng phát tại Việt nam.

Chuyển đổi có hệ thống sẽ giải quyết được bài toán “chảy máu chất xám”

Theo số liệu được nêu trên tạp chí Điện tử VnEconomy số ra ngày 27.05.2021 thì tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn hoạt động cầm chừng. Cụ thể, toàn thành phố có 1.049 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 52% đang còn hoạt động, 9,6% tạm ngưng hoạt động, 35,9% doanh nghiệp không hoạt động và 2,5% doanh nghiệp thay đổi trụ sở đi nơi khác. Còn tại Hà Nội, trên tổng số 1.191 doanh nghiệp thì đã có tới 22,5% thu hồi giấy phép và dừng hoạt động. Số lao động nghỉ việc chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp và đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.

Nhìn những con số trên có thể thấy một lực lượng lớn nhân sự du lịch đã dịch chuyển sang các ngành nghề khác, và nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì có thể nói “chảy máu chất xám” trong ngành này sẽ còn nghiêm trọng hơn và “đây sẽ là một câu chuyện đau buồn của du lịch Việt Nam vì từ doanh nghiệp đến người lao động sẽ cơ bản từ bỏ nghề vì cuộc sống mưu sinh của mình”, ông Phùng Gia Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Khám phá Mỹ tiếp tục chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Ông Vượng thì đại dịch COVID-19 có khi lại là một cú huých mạnh tạo ra một áp lực lớn để thanh lọc những doanh nghiệp và kể cả những nhân viên vẫn còn e ngại với chuyển đổi. Thời gian này chính là khoảng thời gian “bản lề” tạo bệ phóng để những doanh nghiệp hiểu thấu đáo và rốt ráo thay đổi sẽ bứt phá và tạo ra một sân chơi mới cho ngành du lịch - một sân chơi hay còn gọi là một “đế chế” của du lịch thông minh. “Người nào không chịu được áp lực thì buộc phải chuyển sang ngành khác nên việc chảy máu hay rò rỉ chất xám tại một cuộc cách mạng là một điều đương nhiên - đây không phải là một vấn nạn mà đây là một sự sàng lọc của tự nhiên”, ông Vượng khẳng định.

Thực sự để có thể cuốn được tất cả các nhân sự du lịch tại thời điểm này vào cuộc cách mạng thay máu công nghệ 4.0 cũng là điều khó nói vì nó liên quan đến nguồn lực tài chính sẵn có cũng như định hướng trong tương lai của mỗi doanh nghiệp. Ông Tuấn chia sẻ thêm là hiện tại các chủ các doanh nghiệp cũng đang tự phải xoay xở để thay đổi theo xu hướng công nghệ sau đó về truyền tải hoặc tự đào tạo lại cho nhân sự của mình và mong đợi cơ hội công việc trở lại để có thể vận hành phần mềm hay ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh. 

Có thể nói một thời đại du lịch thông minh đã và đang từng bước được hình thành, mộtsân chơi mới đang ngày được “lộ diện”. Đây sẽ là một sân chơi nơi mà các dịch vụ trải nghiệm được tạo ra bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp cho du khách, các hình thức du lịch trực tuyến như khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo sẽ trở nên phổ biến hơn, các công cụ tiếp thị có ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng được áp dụng. Trong tương lai không xa, trải nghiệm ảo chắc chắn sẽ trở thành một tiêu chuẩn “cần” đối với tất cả các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường bởi tính tiện ích của nó sẽ giúp du khách tiệm cận sát hơn với sản phẩm mình định mua và chắc chắn các vị “khách thông minh” này sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà còn những đòi hỏi cao hơn nữa, thông minh hơn nữa. Trong bối cảnh đó, nhân sự trong ngành du lịch không thể tụt hậu, đi sau xu thế, mà người làm du lịch phải có năng lực công nghệ, có khả năng thích ứng và “đi trước".

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhân sự du lịch thời 4.0: Nghỉ ngơi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO