Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Minh| 23/11/2021 09:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, song các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Bạc Liêu đã thu được những kết quả ban đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hệ thống điện và hạ tầng thông tin và truyền thông tại vùng dân tộc được tỉnh Hòa Bình đầu tư. (Ảnh: Bình Minh).

Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư, hoạt động hiệu quả

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình, triển khai Quyết định 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025" (Đề án), đến nay, việc triển khai công tác ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS được lồng ghép, thực hiện chung trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian qua, từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh về ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai và đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử bước đầu được hình thành. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, hiệu quả. Cùng với đó, hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành, Cổng Dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quốc gia.

Kết quả triển khai Đề án tại Ninh Bình đem lại khá nhiều kết quả trên các mặt công tác như: đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước; ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp...Trong đó, đáng chú ý, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 2.144 trạm BTS (trong đó trạm 2G, 3G là 1.587 trạm, trạm 4G là 527 trạm). 100% xã có sóng di động 2G và 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G, mạng Internet băng thông rộng cáp quang triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Hạ tầng kỹ thuật CNTT, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới đó là xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số.

Tại tỉnh Hòa Bình, đến nay hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động, làm công cụ hữu hiệu phục vụ công tác khai thác thông tin, cung cấp các số liệu báo cáo về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hệ thống là cơ sở cung cấp thông tin để Đảng và chính quyền xây dựng cũng như ngành Dân tộc xây dựng các chủ trương, kế hoạch phù hợp đáp ứng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cho vùng DTTS.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hòa Bình, Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, sau khi hoàn thiện đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS và chính sách dân tộc phục vụ hoạch định chính sách phát triển – xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy văn hóa,...cho vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật mang tính đồng bộ để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Hòa Bình nói riêng và các DTTS trên toàn quốc nói chung.

Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Cụ thể, tỉnh Hòa Bình đã triển xây dựng phần mềm dữ liệu về các DTTS và chính sách dân tộc theo các quy định được ban hành đối với ngành Dân tộc; Đào tạo chuyển giao và hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban Dân tộc tỉnh quản lý, vận hành. Thực hiện thu thập dữ liệu các cấp, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho cấp xã, huyện và các Sở, Ngành. Tiếp đó, dữ liệu sau khi tổng hợp được cập nhật vào hệ thống phục vụ khai thác và được tích hợp trên trang thông tin điện tử. Hàng năm dữ liệu sẽ được rà soát, cập nhật, bổ sung. Hiện nay, hệ thống đã chính thức vận hành theo địa chỉ truy cập http://hoabinh.dantocts.vn.

Bên cạnh hai địa phương trên tại miền Bắc, Bạc Liêu là một tỉnh miền Nam triển khai tích cực Đề án và thu được những kết quả ban đầu. Đáng chú ý, tỉnh đã tổ chức thu thập toàn bộ thông tin dữ liệu về công tác dân tộc gồm 62 chỉ tiêu phản ánh về đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, hạ tầng trang thiết bị CNTT phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương luôn được quan tâm, đầu tư đủ 100% cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu kết nối mạng Internet, mạng nội bộ (LAN) trong thực thi công vụ, hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận CNTT, nhất là ưu tiên đầu tư cho các xã vùng đồng bào DTTS.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu triển khai việc rà soát hiện trạng hạ tầng CNTT các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh gắn với Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững. Trong đó, ưu tiên trang bị cơ sở hạ tầng CNTT cho các xã có đồng bào DTTS nhằm thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng CNTT...

Những đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được từ việc triển khai Đề án, các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Bạc Liêu cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Như tại Ninh Bình, tỷ lệ đồng bào DTTS có máy tính, được sử dụng máy tính còn thấp, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa dẫn đến việc tiếp cận ứng dụng CNTT còn hạn chế.

Trong khi đó, công tác điều tra tổng thể tình hình ứng dụng CNTT dành cho vùng DTTS và miền núi tại Hòa Bình chưa được triển khai sâu, rộng gây nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể để triển khai Đề án.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, khó khăn đến từ việc triển khai, phổ biến đến đồng bào DTTS về các phần mềm ứng dụng CNTT về: giáo dục pháp luật; cảnh báo thiên tai, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa; thương mại điện tử; hỗ trợ sản xuất...trên các thiết bị thông minh khó xây dựng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Tiếp đó là vấn đề, số hóa, đa phương tiện (Multi-media) ở tất cả các chỉ tiêu bảo tồn các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS.

Các địa phương đề xuất, Ủy ban Dân tộc tăng cường ứng dụng CNTT vùng đồng bào DTTS. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các tỉnh khó khăn triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, hướng dẫn, định hướng các phần mềm ứng dụng có độ khả dụng, tin cậy cao trong ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào DTTS, người có uy tín nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra. Ủy ban Dân tộc cũng cần xem xét xây dựng phần mềm ứng dụng của Trung ương cho toàn quốc, địa phương chỉ phối hợp triển khai hỗ trợ về: phổ biến giáo dục pháp luật; hỗ trợ chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa; thương mại điện tử; hỗ trợ sản xuất...trên thiết bị thông minh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO