Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma trong tháng 2/2020 là 442.966 địa chỉ, tăng 2,5% so với tháng 01/2020 và giảm 43,3% so với cùng kỳ tháng 02 năm 2019.
Theo Bộ TTTT, nguyên nhân do dịch virus Corona nên người dùng vào mạng xem thông tin nhiều hơn nên dẫn đến các cuộc tấn công mạng (Malware) tăng nhẹ so với tháng trước.
Qua theo dõi, trích xuất thông tin từ hệ thống kỹ thuật thời gian qua, Bộ TTTT cũng ghi nhận trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang web Việt Nam (bao gồm cả những trang web sử dụng dịch vụ máy chủ nước ngoài) bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất ATTTT như: phát tán thư rác; tấn công từ chối dịch vụ; cài đặt và phát tán các loại mã độc; lưu trữ các mã khai thác điểm yếu lỗ hổng một cách tự động (như lỗ hổng trên trình duyệt hay các thành phần mở rộng của trình duyệt mà người dùng sử dụng, v.v..)
Trong tháng, để đảm bảo ATTT, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TTTT đã ban hành Công văn số 115/CATTT-NCSC cảnh báo về nguy cơ tấn công vào các máy chủ thư điện tử sử dụng Microsoft Exchange.
Công văn được gửi đến các đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở TTTT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước; các ngân hàng TMCP; các tổ chức tài chính; hệ thống các đơn vị chuyên trách về ATTTT.
Ngày 11/2/2020, hệ thống cảnh báo điểm yếu và rà soát lỗ hổng bảo mật tự động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục ATTT) đã ghi nhận lỗ hổng CVE-2020-0688 trong các máy chủ thư điện tử sử dụng Microsoft Exchange
Công văn nêu rõ, ngày 11/2/2020, hệ thống cảnh báo điểm yếu và rà soát lỗ hổng bảo mật tự động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục ATTT) đã ghi nhận lỗ hổng CVE-2020-0688 trong các máy chủ thư điện tử sử dụng Microsoft Exchange. Lỗ hổng này ảnh hưởng tới hầu hết các phiên bản Microsoft Exchange (2010, 2013, 2016, 2019) cho phép đối tượng tấn công chèn và thực thi mã lệnh trái phép, từ đó kiểm soát máy chủ thư điện tử và đánh cắp dữ liệu trên hệ thống.
Đối tượng tấn công có thể khai thác lỗ hổng này khi có một tài khoản thư điện tử thông thường trên hệ thống.
Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm NCSC, Việt Nam hiện có 1.215 máy chủ thư điện tử có sử dụng Microsoft Exchange đang công khai trên Internet. Những máy chủ này hầu hết chưa được cập nhật bản vá và sẽ là những hệ thống đầu tiên đối tượng tấn công sẽ tìm đến để khai thác. Đặc biệt, ngày 26/2/2020, NCSC đã ghi nhận một số hệ thống thư điện tử bị tấn công bằng hình thức này.
Nhằm đảm bảo ATTT cho hệ thống thông tin của các đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục ATTT đề nghị tất cả các đơn vị thực hiện:
- Rà soát các máy chủ có cài đặt Microsoft Exchange để phát hiện và xử lý kịp thời các máy chủ có khả năng đã bị đối tượng tấn công khai thác thông qua lỗ hổng trên.
- Kiểm tra, rà soát và xác định các máy chủ bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng trên, cập nhật bản vá hoặc khắc phục lỗ hổng theo hướng dẫn của Microsoft tại địa chỉ https://portal.msrc.microsoft.com/en-US/security-guidance/advisory/CVE-2020-0688
Trung tâm NCSC có thiết lập hệ thống tự động cho phép cảnh báo kỹ thuật ngay khi có lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện nhằm khắc phục sớm nhất trước khi bị khai thác. Đối với các cơ quan, tổ chức đã có tài khoản có thể cập nhật thông tin chi tiết về lỗ hổng trên hệ thống này.
- Tăng cường theo dõi giám sát hệ thống, đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.
Trong trường hợp cần thiết, có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục ATTT: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại 0243.2091616, thư điện tử: ais@mic.gov.vn
Cũng về công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực, Bộ TTTT định kỳ xây dựng báo cáo về tình hình ATTT tháng, tình hình thông tin trên mạng hàng tuần.
Bộ TTTT phối hợp xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm ATTT; góp ý Đề án xây dựng Trung tâm ATTT; Xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTT mạng năm ASEAN 2020; Đề xuất mô hình triển khai SOC tại các Bộ, ngành, địa phương; Tổ chức làm việc với các DN kinh doanh trong lĩnh vực ATTT để hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn khi triển khai Nghị định số 108/2016/NĐ-CP…
Bộ TTTT thành lập Tổ Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn về “5G Security” và hướng dẫn kỹ thuật hạ tầng điện toán đám mây phục vụ CPĐT; Xây dựng, xin ý kiến Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật hạ tầng điện toán đám mây phục vụ CPĐT và Đề án sử dụng sản phẩm dịch; dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lựa chọn, sử dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm, giải pháp để đảm bảo ATTT mạng.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý I của Bộ TTTT ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Phải cải thiện được các chỉ số về ATTT và tin học hoá. ATTT là nền tảng của CPĐT, ATTT phải đi trước.