Kinh tế số

Nỗ lực chống hàng giả, nhái của các sàn TMĐT vẫn chưa đủ, người tiêu dùng cần "tỉnh táo" trước các dấu hiệu lừa đảo

Anh Minh 23/07/2023 06:08

Mặc dù các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tuyên bố thực thi nhiều biện pháp bảo vệ người mua cũng như nhà bán hàng chân chính, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái rao bán trà trộn vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% 

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2023 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, TMĐT Việt Nam đã chứng kiến làn sóng tăng trưởng vượt bậc, số người mua sắm trực tuyến tăng nhanh và đông đảo doanh nghiệp (DN) cũng như hộ kinh doanh tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số (CĐS).

mua_sam_0dcd4.jpg
TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD (Ảnh: Internet)

Nền kinh tế được dự báo có những khó khăn nhất định có thể kéo dài đến hết năm 2023. Mặc dù vậy, khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn DN trên cả nước cho thấy lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết TMĐT là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ. Hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Theo khảo sát của VECOM, năm 2022 có 23% DN bán sản phẩm trên các sàn TMĐT. Theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của 4 sàn TMĐT hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng TMĐT bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết giá trị xuất khẩu của các DN bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022, nhiều DN Việt đã sẵn sàng “lên sàn” và xuất khẩu trực tuyến.

Tăng trưởng mạnh mẽ song những thách thức về hàng giả, hàng nhái trà trộn rao bán trên các sàn TMĐT vẫn là vấn đề gây nhức nhối cho người tiêu dùng, nhà bán hàng, các sàn TMĐT và cả nhà quản lý. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...

Trách nhiệm của các sàn TMĐT trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Vừa qua, Amazon đã công bố Báo cáo Bảo vệ Thương hiệu hàng năm lần thứ ba, trong đó có những biện pháp bảo vệ khách hàng, thương hiệu và đối tác bán hàng khỏi các sản phẩm giả mạo. Báo cáo cũng cho thấy chiến lược kết hợp các công nghệ hàng đầu trong ngành mà Amazon đã áp dụng, ngăn chặn thành công các hành vi xấu.

Cụ thể, Amazon đã xác định, thu giữ và xử lý hơn 6 triệu sản phẩm giả mạo trong năm 2022, ngăn chặn những mặt hàng kém chất lượng này tiếp cận khách hàng và được bán lại ở những nơi khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dharmesh Mehta, Phó Chủ tịch dịch vụ đối tác bán hàng toàn cầu của Amazon cho biết sẽ ứng dụng nhiều công nghệ để “đi trước” kẻ xấu và tăng gấp đôi nỗ lực tố tụng tội phạm. 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí TT&TT về vấn đề chống nạn hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng cũng như các DN bán hàng chân chính trên sàn TMĐT, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết bản thân Amazon luôn cam kết nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ của các đối tác bán hàng. Ngoài ra, công ty cũng áp dụng các biện pháp, chiến dịch chống hàn giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến thông qua công nghệ, giáo dục và thực thi.

Về công nghệ, Amazon sở hữu bộ công cụ mạnh mẽ dành cho các đối tác bán hàng để tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon (Amazon Brand Registry), đáp ứng nhu cầu quản lý và bảo vệ thương hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Thông qua chương trình đăng ký thương hiệu, Amazon có thể bảo vệ hiệu quả các thương hiệu, chống hàng giả hàng nhái trà trộn trên sàn, nhờ vào các biện pháp bảo vệ tự động dựa trên công nghệ máy học và phân tích dữ liệu mà thương hiệu cung cấp khi đăng ký thương hiệu; đồng thời có thể tìm ra và báo cáo kịp thời các vi phạm đáng ngờ. 

Bên cạnh đó, công cụ Transparency cung cấp cho mỗi sản phẩm thuộc sở hữu của thương hiệu một mã 2D duy nhất để ngăn chặn hàng giả, từ đó, khách hàng có thể xác minh được sản phẩm đến từ thương hiệu đó. Báo cáo vi phạm cho phép các thương hiệu phát hiện các hành vi vi phạm tiềm ẩn và công cụ chống hàng giả Project Zero cũng trao cho các thương hiệu quyền loại bỏ trực tiếp các đăng tải sản phẩm vi phạm ra khỏi danh mục sản phẩm ra khỏi gian hàng trên Amazon.

Amazon Global Selling Việt Nam cũng cung cấp các khóa đào tạo liên tục về quy định tuân thủ và bảo vệ thương hiệu, giúp DN nắm rõ được các điều khoản và chính sách hiện hành để phòng trừ các rủi ro trong quá trình vận hành kinh doanh. Các đối tác bán hàng và thương hiệu được tiếp cận và cập nhật các chính sách bán hàng mới nhất trên Amazon và các thị trường mục tiêu cũng như kiến thức chuyên sâu thông qua các kênh như Trung tâm Nhà bán hàng (Seller Central), Học viện Nhà bán hàng (Seller University), website của Global Selling Vietnam…

Amazon hợp tác với các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành hàng tích cực thúc đẩy việc hoàn thiện các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể, đơn vị Chống Tội phạm Hàng giả của Amazon hợp tác với các thương hiệu và cơ quan thi hành pháp luật trên toàn thế giới để thực hiện điều tra về hàng nhái và gian lận trên Amazon - ngăn chặn các trường hợp lạm dụng cửa hàng Amazon và các nhà bán lẻ khác trong toàn ngành, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và một địa chỉ mua sắm đáng tin cậy cho người tiêu dùng.

Nhìn chung các sàn TMĐT đều nỗ lực và có các biện pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng và DN chân chính đang kinh doanh, buôn bán trên nền tảng. Đại diện Lazada, sàn TMĐT nổi tiếng với người dùng Việt, cho biết khi nhận được phản ánh về việc khách hàng nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái, trong vòng 48 giờ kể từ lúc Lazada tiếp nhận thông tin, sản phẩm sẽ được tạm thời gỡ bỏ khỏi trang Lazada cho đến khi có thể xác nhận bước đầu về tính chân thực của sản phẩm.

Trong vòng 5-15 ngày làm việc tiếp theo, Lazada sẽ có kết luận chính thức về tính chân thực của sản phẩm và sẽ chủ động liên hệ đến khách hàng. Đồng thời, Lazada sẽ tiến hành thủ tục đổi trả hàng và hoàn tiền theo đúng chính sách của Lazada, sản phẩm cũng sẽ bị cấm bán vĩnh viễn trên sàn.

Lazada khuyến cáo khi thấy một sản phẩm có giá thấp bất thường, người mua nên tìm hiểu thêm thông tin về nhà bán hàng thông qua website hay Facebook của họ (nếu có) trước khi quyết định mua hàng. Lazada khuyến cáo không nên mua hàng từ những gian hàng có điểm đánh giá thấp hoặc không ghi chú rõ thông tin sản phẩm, đặc biệt chú ý đọc phản hồi từ những người mua hàng đã cho đánh giá 1 sao. 

92049327.cms.jpg
Người tiêu dùng cần cảnh giác trước các chiêu trò bán hàng giả, hàng nhái trên mạng kẻo mất tiền mua phải sản phẩm kém chất lượng. Ảnh minh họa

Các dấu hiệu nhận diện hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT

Rõ ràng, mặc dù các sàn TMĐT tuyên bố thực thi nhiều biện pháp bảo vệ người mua cũng như nhà bán hàng chân chính, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái được rao bán trà trộn vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác trước các chiêu trò bán hàng giả, hàng nhái qua mạng của kẻ xấu.

Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết các hoạt động TMĐT, rao bán hàng giả và hàng nhái trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, bao gồm:

Giá quá rẻ: Sản phẩm được rao bán với giá cực kỳ hấp dẫn, thường rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đây có thể là dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái hoặc gian lận.

Thiếu thông tin sản phẩm: Người bán không cung cấp đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, như thông số kỹ thuật, nguồn gốc, chất lượng, thông tin về nhà cung cấp và bảo hành.

Số lượng giới hạn và áp lực mua hàng: Người bán áp đặt áp lực mua hàng nhanh chóng bằng cách khuyến khích mua hàng ngay lập tức với lý do rằng hàng chỉ có số lượng giới hạn hoặc đang có nguy cơ hết hàng.

Đánh giá và nhận xét không tự nhiên: Sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên hoặc không có đáng tin cậy. Đây có thể là một chiêu trò để tạo lòng tin và thuyết phục người mua.

Phương thức thanh toán không an toàn: Người bán yêu cầu thanh toán bằng các phương thức không an toàn, chẳng hạn như chuyển khoản trực tiếp qua ngân hàng, thanh toán bằng ví điện tử không rõ nguồn gốc, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng một cách đáng ngờ.

Tài khoản người bán không đáng tin: Kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn TMĐT. Nếu tài khoản không đáng tin, với ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy người bán không đáng tin cậy.

Thiếu thông tin liên hệ và địa chỉ: Người bán không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng, như địa chỉ, số điện thoại hoặc email. Điều này khiến việc theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan trở nên khó khăn.

Thiếu uy tín và phản hồi tiêu cực: Người bán có lịch sử phản hồi tiêu cực, có nhiều khiếu nại từ người mua trước đó hoặc không có đủ đánh giá và phản hồi từ khách hàng.

Biện pháp phòng tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng hãy luôn cảnh giác và nghĩ kỹ trước khi thao tác mua hàng trực tuyến trên sàn TMĐT và mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về các biện pháp bảo vệ thông tin và quyền lợi cá nhân trên báo chí và các website chính thống.

 Người dùng cũng nghiên cứu và đánh giá nguồn gốc người bán: Kiểm tra thông tin về người bán, bao gồm địa chỉ, số điện thoại và nhận xét từ người mua khác trên các trang web đáng tin cậy; Kiểm tra thông tin sản phẩm: Đảm bảo bạn có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền, đảm bảo bạn hiểu rõ chính sách bảo hành và hoàn tiền của người bán, và có thể liên hệ với họ nếu cần thiết.

Cuối cùng cũng cần tìm kiếm phản hồi và đánh giá. Tìm hiểu ý kiến và đánh giá từ người mua khác về người bán và sản phẩm để có cái nhìn tổng quan./.

Bài liên quan
  • Yếu tố "trái tim" để phát triển TMĐT bền vững, xanh
    Thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn nếu như chúng ta coi trọng việc tái sử dụng vật liệu đóng gói hàng hoá theo hướng thân thiện với môi trường và cần nhiều yếu tố cốt lõi nữa.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực chống hàng giả, nhái của các sàn TMĐT vẫn chưa đủ, người tiêu dùng cần "tỉnh táo" trước các dấu hiệu lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO