Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý "từ nông trại tới bàn ăn"

Phương Linh, Microsoft Việt Nam| 28/06/2021 10:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi hoàn toàn hoạt động sản xuất, điều hành sang môi trường điện toán đám mây đã cách mạng hóa các quy trình và thủ tục số của Tập đoàn Mavin, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho Tập đoàn này trong tương lai.

Tạo dựng chuỗi cung cấp thực phẩm tin cậy

Việt Nam là một nước có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững luôn là thách thức và là mục tiêu quan trọng của người dân và Chính phủ. Để thành công với mục tiêu này, Việt Nam rất cần sự chung sức của những doanh nghiệp mạnh, có kinh nghiệm và tâm huyết.

Tập đoàn Mavin tiền thân là Công ty Liên doanh Austfeed, một dự án liên doanh giữa Việt Nam và Australia. Mavin là đơn vị tiên phong phát triển thành công chuỗi giá trị “Từ Nông trại tới Bàn ăn” của Việt Nam. Ngoài cung cấp thức ăn chăn nuôi, gia súc và sản phẩm thú y, công ty còn điều hành các cơ sở chế biến thịt đạt chuẩn.

Tập đoàn Mavin là đơn vị đầu tiên trên thị trường nhập trực tiếp heo giống từ JSR, Vương quốc Anh. Con giống được tuyển chọn, cho chất lượng thịt tốt nhất, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.

Mavin sở hữu 5 trung tâm heo giống hạt nhân công nghệ cao tại Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Đồng Tháp. Tại đây, các thế hệ F1, F2, khỏe mạnh được Mavin lai tạo và phát triển, thích nghi với khí hậu Việt Nam, sinh trưởng tốt và cho chất lượng thịt ngon sạch.

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Kiểm tra sức khỏe vật nuôi tại một trang trại của Mavin

Mavin cũng hợp tác với hàng trăm trang trại chăn nuôi trên toàn quốc, chuyển giao kĩ thuật, cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng như bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chất lượng con giống đồng nhất và sạch từ nguồn đến tay người tiêu dùng. Mavin áp dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi như: chăn nuôi khép kín với hệ thống silo, máng ăn tự động, hệ thống điều hòa tự động điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống vệ sinh chuồng trại tự động. Phương thức chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây nhiễm chéo. Mỗi năm Mavin cung cấp từ 100.000 - 300.000 heo thịt ra thị trường. Mavin cũng sở hữu 02 nhà máy sản xuất Dược thú y đạt chuẩn WHO - GMP tại Miền Bắc và Miền Nam để cung cấp các sản phẩm thuốc thú y đạt chuẩn cho hệ thống các trang trại chăn nuôi của mình

Trong những năm qua, Tập đoàn Mavin đã hỗ trợ hàng nghìn hộ chăn nuôi trên khắp Việt Nam để họ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung cấp các sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn. Bằng thực lực tài chính vững vàng, kinh nghiệm triển khai quốc tế và một tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam, Mavin trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và chung tay phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Kể từ năm 2004, Tập đoàn Mavin đã mở rộng quy mô từ 20 lên 2.600 nhân viên. Trước thực trạng các hệ thống cũ phải vật lộn để bắt kịp tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân này, doanh nghiệp này đã triển khai kế hoạch chuyển đổi công cụ quản lý điều hành sang nền tảng điện toán đám mây. Quyết định này đã cách mạng hóa các quy trình và thủ tục số của Tập đoàn Mavin, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho tương lai.

Bắt kịp tốc độ phát triển theo cấp số nhân

Chỉ trong vòng 15 năm, từ một nhà máy thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn Mavin đã phát triển thành một chuỗi cung ứng nông sản đầu-cuối phức hợp. Doanh nghiệp này đã mở rộng các hoạt động cung ứng thức ăn chăn nuôi, cung cấp heo giống, thiết bị thuốc thú y cũng như bao tiêu các sản phẩm của người chăn nuôi để sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu. Tập đoàn Mavin cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam áp dụng tự động hóa cao trong tất cả các công đoạn sản xuất và chăn nuôi để tăng năng suất, giảm thiểu các tác động môi trường và sức khỏe con người. 

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Trong suốt giai đoạn phát triển theo cấp số nhân này, công ty đã tiến hành các hoạt động báo cáo và thu thập thông tin theo cách thủ công. Ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho biết: “Chúng tôi đã đi đến giai đoạn mà phương thức vận hành đó không còn đáp ứng được nữa, và chúng tôi đang tăng trưởng quá nhanh để có thể quản lý hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Chúng tôi thiếu các hệ thống kiểm soát và giám sát cần thiết để nắm rõ tình hình hoạt động của Công ty hiện tại, đặc biệt là so với các đối thủ cạnh tranh”.

Để có được cái nhìn rõ ràng hơn về các quy trình của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng trong tương lai, Tập đoàn Mavin đã quyết định tiến hành chuyển đổi số toàn diện. Ông Whitehead chia sẻ: “Chúng tôi muốn hiểu thêm về Công ty của mình và cách vận hành của nó. Quy trình nào đang hoạt động tốt? Quy trình nào cần được cải thiện? Làm thế nào để có thể theo dõi những gì đang xảy ra trong công ty? Số hóa các quy trình, hệ thống và thủ tục chính là cách giúp chúng tôi giải đáp những câu hỏi này.”

Triển khai giải pháp đám mây

Sau khi tìm hiểu một số giải pháp kỹ thuật số khả thi, nhóm nội bộ của Marvin quyết định đám mây hóa hoạt động của công ty. Tập đoàn đã làm việc với NGS - thành viên Mạng lưới đối tác của Microsoft, một trong những nhà cung cấp dịch vụ thông minh hàng đầu của Việt Nam - để triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) dựa trên đám mây. Ông Whitehead cho biết: “Chúng tôi đã chọn Microsoft Azure vì nó có khả năng tương thích vượt trội với hệ thống quản lý doanh nghiệp S/4HANA mà chúng tôi đang sử dụng. Chúng tôi cũng biết mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa SAP và Microsoft và tin rằng điều này sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra liền mạch”.

Một tiêu chí quyết định khác đối với Tập đoàn Mavin chính là hệ thống đó phải có khả năng phát triển và đổi mới cùng công ty. Ông Whitehead giải thích: “Chúng tôi không muốn hệ thống của mình ở trạng thái tĩnh. Chúng tôi mong muốn khi công ty ngày càng lớn mạnh, việc sử dụng đám mây cũng sẽ thay đổi để đáp ứng. Do đó, chúng tôi đánh giá cao cam kết của Microsoft đối với sự phát triển tương lai của công nghệ đám mây”.

Mở khóa cấp độ giám sát cao hơn

Tập đoàn Mavin đã bắt đầu bằng việc di chuyển mảng hoạt động thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp lên đám mây. Dù chỉ mới hoàn thành quá trình chuyển đổi gần đây, công ty đã thu được những kết quả rõ rệt.

Ông Whitehead cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy sự cải thiện trong quản lý hoạt động kiểm soát và giám sát vận hành”. Doanh nghiệp đã có thể xác định các lĩnh vực cần cải thiện trong chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi của mình, cho phép họ tập trung nguồn lực vào những phần trong quy trình cần sự quan tâm sát sao. “Mới chỉ là những ngày đầu nhưng việc chuyển sang đám mây đã mở ra những cơ hội thay đổi cũng như mở rộng tầm nhìn của chúng tôi về những gì số hóa có thể mang đến cho toàn bộ doanh nghiệp”, ông Whitehead chia sẻ. 

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Nhà máy chế biến thực phẩm của Mavin có quy mô gần 10.000 tấn sản phẩm/năm, được đặt tại Khu CN Đồng Văn II, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích 10.000 m2, được đầu tư đồng bộ và hiện đại với hệ thống sản xuất hoàn toàn theo công nghệ hiện đại của CHLB Đức.

Nhờ sự chuyển đổi này, Tập đoàn Mavin có được khả năng giám sát hoạt động ở mức độ chưa từng có trước đây. Ông Whitehead khẳng định: “Giờ đây, chúng tôi đã có thể truy cập vào những thông tin và dữ liệu chính xác, tại thời gian thực. Điều này đã giúp chúng tôi kịp thời phân tích các thủ tục và quy trình của mình, đồng thời hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng”.

Quá trình chuyển đổi cũng góp phần giúp Tập đoàn Mavin khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp có tư duy đổi mới hàng đầu tại Việt Nam. Ông Whitehead khẳng định: “Chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam sử dụng giải pháp đám mây. Đối với khu vực này, đó được coi là bước đi sáng tạo, mới mẻ và tiên phong.”

Lập kế hoạch tương lai với đám mây

Sau khi chứng kiến những lợi ích của đám mây đối với ngành hàng thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn Mavin đang có kế hoạch thực hiện chuyển đổi đối với các mảng thực phẩm, sức khỏe động vật và nông nghiệp của mình.

Ông Whitehead cho biết: “Chúng tôi đã lập một kế hoạch số 5 năm dựa trên ba trụ cột: Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp, Điện toán Đám mây, Sản xuất và Dịch vụ Thông minh. Chúng tôi đặc biệt hào hứng trước tiềm năng của canh tác thông minh, nông nghiệp thông minh và Internet vạn vật. Chúng tôi đang nghiên cứu việc sử dụng máy bay không người lái và các ứng dụng cầm tay trong tương lai gần.”

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Lãnh đạo Tập đoàn Mavin và lãnh đạo Tinhvan Consulting tại Lễ khởi động dự án triển khai Hệ thống HiStaff.

Theo ông Whitehead, quá trình chuyển đổi số của công ty đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng tầm nhìn tương lai này. Ông kết luận: “Nếu không có công nghệ đám mây, kế hoạch 5 năm của chúng tôi sẽ không thể thành hiện thực. Microsoft đã giúp chúng tôi số hóa tổ chức của mình theo cách mà trước đây chúng tôi chưa từng nghĩ tới.”

Tương lai số hóa toàn diện

Chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, đó cũng là xu thế tất yếu các ngành kinh tế nói chung và chăn nuôi nói riêng. Đây cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi tăng tính cạnh tranh và phát triển đột phá.

Chương trình chuyển đổi số được tập đoàn Mavin thực hiện trong 5 năm (từ 2019 – 2023), với mục tiêu xây dựng Mavin trở thành Tập đoàn số sáng tạo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Chương trình gồm 4 trụ cột quan trọng: ERP, Điện toán đám mây, số hóa và sử dụng hệ thống sản xuất thông minh. Chương trình có tổng vốn đầu tư 5 triệu USD, được kỳ vọng sẽ tạo ra vị thế quan trọng, tăng sức mạnh cạnh tranh của Mavin trên thị trường.

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành, Microsoft Việt Nam, nhận xét: “Tập đoàn Mavin là một trong những đơn vị trong ngành nông nghiệp Việt Nam đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, nhờ có nền tảng đám mây vững chắc và linh hoạt, Marvin vẫn duy trì rất tốt tốc độ phát triển kinh doanh của mình.”

Đầu quý II năm 2021, Tập đoàn Mavin và Tinhvan Consulting đã cùng nhau tổ chức Lễ khởi động dự án triển khai Hệ thống quản trị nguồn nhân lực HiStaff. Đây là một trong những bước đi quan trọng trên hành trình chuyển đổi số của Mavin.

Ông David John Whitehead cho biết: “Triển khai hệ thống quản trị nguồn nhân lực là một trong những dự án trọng điểm trong chương trình chuyển đổi số của Tập đoàn Mavin giai đoạn 2019 - 2023 với tầm nhìn xây dựng Mavin trở thành doanh nghiệp số sáng tạo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Trong chương trình chuyển đổi số, Mavin đã và đang rất quyết liệt số hóa các ngành sản xuất với việc triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý sản xuất trại heo Porcitec, các phần mềm E-learning, E-Office... để hướng tới số hóa toàn bộ hoạt động của Tập đoàn vào năm 2023. 

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Hiện nay, Mavin có hơn 2.000 cán bộ nhân viên, hoạt động rải rác trên toàn quốc tại các nhà máy, trang trại chăn nuôi. Theo chiến lược phát triển, dự kiến quy mô nhân sự của Mavin sẽ tăng lên gấp đôi trong vài năm tới.

Vì vậy, số hóa hoạt động quản lý nhân sự sẽ có vai trò to lớn trong việc giảm chi phí hành chính, giảm thời gian tương tác giữa các bộ phận, giúp quản lý nhân sự có thể tiếp cận nguồn thông tin kịp thời... qua đó sẽ giúp Mavin tăng cường chất lượng công tác quản trị, điều hành, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh”.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại Tiền Giang, Công ty Cổ phần Dược Thú y Cai Lậy (Mekovet) đã chính thức vận hành Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA. Dược Thú y Cai Lậy (Mekovet) là thương hiệu thuốc thú y hơn 30 năm tuổi của Việt Nam và hiện đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị “Từ Nông trại tới Bàn ăn” của Tập đoàn Mavin. Mekovet cũng là 1 trong số ít các công ty sản xuất thuốc thú y tại Việt Nam đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc thú y theo tiêu chuẩn WHO - GMP của tổ chức Y tế Thế giới. Sản phẩm của Mekovet không những đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, hiệu quả cho người chăn nuôi trong nước, nhà máy đạt chuẩn cũng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đi các nước trong khu vực. Mekovet là đơn vị thứ 3 của Tập đoàn Mavin được số hóa với việc ứng dụng Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay ERP SAP S/4HANA (trước đó là ngành Thức ăn chăn nuôi và Thực phẩm chế biến).

Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý

Ứng dụng thiết bị IoT vào giám sát và chăm sóc vật nuôi

Ứng dụng ERP SAP S/4HANA đối với ngành dược thú y của Mavin hướng đến các mục tiêu: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế; Tăng tính hợp tác, phối hợp giữa các bộ phận; Hoạt động chuẩn mực, thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chuẩn mực số hóa mang lại lợi ích cho khách hàng.

Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp các giải pháp toàn diện về thực phẩm an toàn, Tập đoàn Mavin đang tích cực chuyển đổi số để khẳng định chỗ đứng lâu dài trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao. Chuyển đổi số toàn diện giúp Tập đoàn này hiện thực hóa kiểm soát chất lượng sản phẩm mà mình cung cấp theo đúng khẩu hiệu: “Từ Nông trại tới Bàn ăn”./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6 năm 2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp 4.0: Chuyển đổi số toàn diện để quản lý "từ nông trại tới bàn ăn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO