Ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới

Minh Tiến| 21/08/2022 14:12
Theo dõi ICTVietnam trên

"4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" là giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô nêu trên là một chủ trương rất nhất quán, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định, kiên trì thực hiện trong hoạt động chỉ đạo, điều hành. Đây là giải pháp kịp thời, đúng hướng, toàn diện, tổng thể, phù hợp với tình hình. 

Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm phải tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính như đơn giản hoá, số hoá thủ tục... để có thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Bởi lẽ đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính sẽ nâng cao hiệu quả điều hành một cách thiết thực nhất. Từ đó, sớm hình thành một Chính phủ điện tử phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Thông điệp của Thủ tướng là kịp thời, đúng hướng, toàn diện, phù hợp với tình hình - Ảnh 1.

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ là kịp thời, đúng hướng, toàn diện, tổng thể, phù hợp với tình hình.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt

Theo TS. Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, trong hơn 2 năm qua, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch bệnh và những hệ lụy của dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, bài bản, đề ra các giải pháp phù hợp gắn với kiểm tra, đôn đốc để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng, đồng thời kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh...

Chủ trương giữ vững ổn định, nhất là ổn định về kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là một chủ trương nhất quán và từ sự ổn định này sẽ tạo điều kiện để các ngành, lĩnh vực phát triển nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Thời gian tới, trong bối cảnh thách thức và thuận lợi đan xen, để thực hiện hiệu quả phương châm: "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không", thì ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, gắn liền với phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập thể lãnh đạo, tất cả vì sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước, vì cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với sự linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài gắn với thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối những diễn biến phức tạp của dịch COVID–19 với biến chủng mới cùng nhiều dịch bệnh mới như dịch đậu mùa khỉ...

Bên cạnh phát triển kinh tế cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa giữa phát triển văn hóa, xã hội với phát triển kinh tế; xử lý hiệu quả những vấn đề nóng mà xã hội đang đặt ra về an sinh, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động để duy trì và ổn định cuộc sống sau cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ thiết kế nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới.

Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh đại bộ phận doanh nghiệp đều bị tổn thương do phải chịu sự tác động bất lợi của đại dich COVID-19, "sức khỏe" của cả doanh nghiệp, lẫn người lao động đã bị "bào mòn". Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích ứng linh hoạt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch. 7 tháng đầu năm 2022 cũng là 7 tháng đầu của quá trình Việt Nam phục hồi kinh tế, đồng thời cũng là thời điểm thế giới tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo xu hướng không tập trung, không phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, để hạn chế rủi ro khủng hoảng thiếu hụt hàng hoá.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, Chính phủ đã xây dựng, thiết kế nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh và môi trường kinh doanh. Điển hình như: Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và nhiều chính sách khác.

Hệ thống các chính sách này thực sự kịp thời và cần thiết với cộng đồng kinh doanh, nếu đặt trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian triển khai, thực tiễn đã kiểm nghiệm về ý nghĩa, tác dụng của chính sách này, góp phần quan trọng để tạo ra động lực kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Nhờ đó, 7 tháng đầu năm với những kết quả cụ thể đạt được trong sự tăng trưởng của nhiều chỉ số kinh tế, có thể đánh giá một cách chung nhất là phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều có bước tăng trưởng và trở lại hoạt động bình thường, phần lớn đều đạt ở mức phục hồi 80-90% trong "điều kiện bình thường mới".

Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù chịu nhiều sức ép từ bối cảnh thế giới có những biến động không thuận lợi. Lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng đề ra, tỉ giá ngoại tệ tương đối ổn định, giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành hàng, thị trường nội địa đang phục hồi ở mức độ trên dưới 80%... Kết quả thực tế trên khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh, để khu vực này nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới", TS. Tô Hoài Nam bày tỏ.

Từ bối cảnh đó, với những thuận lợi và khó khăn trong 7 tháng đầu năm 2022, thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý định hướng về môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Đó là sẽ tiếp tục giữ nguyên động lực phát triển của những tháng đầu năm. Trong "4 ổn định", có giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, cho phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đối với "ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", theo TS. Tô Hoài Nam, trước mắt ưu tiên tạo việc làm và khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ. 3 nội dung tăng cường cho thấy bằng mọi giá phải thực hiện thành công chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để đất nước, nhân dân và doanh nghiệp được an toàn trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính... Thực hiện sử dụng ngân sách cho mọi hoạt động phải hiệu quả, thiết thực, không hình thức, không lãng phí...

Và "1 kiên quyết không" là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả chắc chắn.

"Lợi ích của việc này bao hàm rất rộng. Tuy nhiên, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích, khai thác nó để tăng cường hơn độ chính xác trong việc dự báo và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho mình, đây là yếu tố chủ động rất cần thiết trong bối cảnh tình hình diễn biến kinh tế thế giới vẫn khó lường như hiện nay", TS. Tô Hoài Nam nêu quan điểm.

Ở góc nhìn tích cực hơn, có thể nhận thấy nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở địa phương sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế xét trên cả hai phương diện địa chính trị và quốc gia tham gia nhiều hiệp định thế hệ mới...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO