Tuy nhiên, theo đại diện ATS, kết quả có được ngày hôm nay là một hành trình hơn 22 năm với rất nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, từ yếu tố công nghệ, nguồn nhân lực, tâm lý e dè sản phẩm "Make in Vietnam".
Giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài và khiến giá giảm 50%
Ông Trần Anh Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Kỹ thuật ứng dụng (ATS) cho biết, năm 1994, việc vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam đã đánh dấu một hướng phát triển mới cho ngành điện Việt Nam với công nghệ kỹ thuật số trong điều việc điều khiển và bảo vệ phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, thời gian này, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài như Alstom, Siemens, ABB. “Điều này đã khiến chúng tôi luôn trăn trở và đặt ra quyết tâm là phải làm chủ được công nghệ được cho là độc quyền của các công ty đa quốc gia. Nếu làm được việc này, ngành điện Việt Nam sẽ bỏ được thế độc quyền đi kèm với giá rất cao đối với sản phẩm công nghệ cao này”, ông Thái bày tỏ.
Để rồi, 3 năm sau sau khi thành lập, năm 2001, ATS đã có được những hệ thống đầu tiên được đưa vào vận hành tại các trạm 220kV. Sau đó là việc làm chủ công nghệ vận hành tại một loạt các trạm 220kV và 500kV trọng điểm quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên người Việt Nam có được sản phẩm kỹ thuật số cho hệ thống tự động hóa trạm biến áp và là sản phẩm đặt tiền đề cho sự phát triển của OneATS sau này. “Đánh giá của lãnh đạo EVN và Hội điện lực vào thời điểm đó đã cho thấy, nhờ sự xuất hiện sản phẩm của ATS mà giá của các hệ thống tự động điều khiển trạm biến áp đã giảm hơn 50%”, ông Thái nói.
Chia sẻ về một trong số những kỷ niệm đáng nhớ nhất với ATS, ông Trần Anh Thái, Phó Tổng Giám đốc ATS cho biết, đó là vào thời điểm năm 2004, trong đấu thầu dự án trạm 500kV Tân Định, hệ thống của chúng tôi đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật và có nhiều tính năng vượt trội và giá rẻ hơn sản phẩm của đối tác nước ngoài ABB rất nhiều. Tuy nhiên, do đây là một trạm 500kV quan trọng đối với toàn bộ hệ thống điện Việt Nam nên EVN khá lưỡng lự khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Khi đó, EVN đã đưa ra lời đề nghị cho ABB như sau, một là giữ nguyên giá chào đấu thầu nhưng phải bổ sung đầy đủ tính năng như của ATS, 2 là giữ nguyên tính năng nhưng giá chào bằng với ATS. Cuối cùng, ABB đã đã từ chối cả 2 lựa chọn này và ATS đã may mắn được trúng thầu với trạm 500kV đầu tiên. Để rồi, hiện nay các hệ thống của ATS đang vận hành tại phần lớn số lượng trạm biến áp 500kV của hệ thống điện Việt Nam.
Từ những năm 2000, hệ thống của ATS đã trải qua nhiều bước phát triển trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin, OneATS được ra đời vào năm 2020 là thế hệ thứ 4 của dòng sản phẩm này. Nền tảng này cho phép việc thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu vận hành của hệ thống điện một cách thống nhất từ sensor và thiết bị đầu cuối cho đến mức doanh nghiệp và quốc gia theo cầu trúc của lưới điện thông minh (Smart Grid). Nền tảng này là thành phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của ngành điện ở thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất liên quan đến xử lý dữ liệu, quản lý ngành điện, an toàn thông tin và truyền tin.
Cũng theo ông Thái, hiện gần như tất cả các Tổng công ty của EVN đều đã là khách hàng của ATS. Trong 2 năm vừa qua, khi các nhà máy điện mặt trời được các nhà đầu tư tư nhân phát triển, ATS cũng đã chiếm gần 25% thị phần mặc dù là người đến sau.
Hiện nay ATS đang cùng đối tác chiến lược là Takaoka Toko, một công ty con của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), hoàn thiện OneATS để cung cấp cho thị trường Nhật Bản và thế giới. Đây là một thị trường rất lớn và bền vững khi quá trình số hóa và phát triển hệ thống điện thông minh của Nhật Bản bước vào giai đoạn 4.0. “Tất cả những kết quả này đã ghi nhận cho cố gắng cũng như trình độ công nghệ của ATS đã đạt tầm thế giới và có thể cạnh tranh với những ông lớn nước ngoài ”, ông Thái chia sẻ thêm.
Ngoài đối tác chiến lược Nhật Bản, ATS cũng đang tìm kiếm các đối tác tại Canada, Úc, Singapore và các nước trong khu vực. Trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc marketing và bán hàng trong không gian số thông qua các nền tảng trực tuyến và các tạp chí chuyên ngành. Mục tiêu đến năm 2025 khoảng 10-15% doanh số ATS sẽ đến từ thị trường nước ngoài. Khó khăn lớn nhất đã cản trở kế hoạch của công ty trong 2 năm vừa qua chính là đại dịch COVID đã xảy ra trên toàn cầu đã hạn chế khả năng di chuyển để gặp gỡ trực tiếp đối tác cũng như khách hàng. Chưa kể đến, nguồn nhân sự cho việc “Go Global” (đi ra thị trường nước ngoài - PV) cũng là một trong những khó khăn sẽ phải vượt qua.
Trong quá trình làm việc với các đối tác, một thực tế ATS đang gặp phải đó là việc thuyết phục khách hàng nước ngoài có vẻ dễ dàng hơn so với thuyết phục khách hàng là người Việt Nam. “Chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự am hiểu hệ thống điện Việt Nam là những yếu tố quyết định với các nhà đầu tư nước ngoài. Bề dầy kinh nghiệm và rất nhiều công trình đang vận hành với OneATS mà họ có thể tham quan và trao đổi trực tiếp với người dùng là các yếu tố cơ bản dẫn dắt quyết định của họ”, ông Thái bày tỏ.
Gặp khó vì tâm lý chưa tin tưởng sản phẩm “Make in Vietnam”
Chia sẻ về những thuận lợi trong việc xây dựng nền tảng “Make in Vietnam” tự động hoá ngành điện, ông Thái cho rằng, đó là việc công ty đã tập hợp được đội ngũ kỹ sư chuyên ngành có tài năng và nhiệt huyết. Đồng thời, đội ngũ lãnh đạo về công nghệ cũng có nhiều chuyên gia đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực hệ thống điện với nhiều mối quan hệ quốc tế có nhiều thuận lợi trong trao đổi ý tưởng cũng như giải pháp.
Điểm thuận lợi tiếp theo đến từ khách hàng đầu tiên của ATS là EVN, khi mà các lãnh đạo cao cấp nhất của EVN đã rất cởi mở trong việc xem xét khả năng sử dụng sản phẩm của ATS cũng như sự giúp đỡ của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ của EVN. Nhờ đó, những sản phẩm đầu tiên ATS đã đạt được uy tín về chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và tiến độ giao hàng. Mặc dù đây đều là những dự án mà việc thực thi tiến độ không khả thi ngay cả với các nhà cung cấp lớn.
Còn khó khăn lớn nhất mà ATS đang gặp phải đó là việc hiện có nhiều ngành nghề cần đến lĩnh vực công nghệ thông tin có mức độ hấp dẫn cao hơn đối với ngành điện rất nhiều. Do đó, vấn đề phát triển nguồn nhân lực gặp rất nhiều trở ngại, nhất là khi đặc thù của OneATS được phát triển cho ngành điện cho nên đòi hỏi các kỹ sư vừa tốt nghiệp chuyên ngành hệ thống điện (Power System Engineering) nhưng lại cần kiến thức tốt về công nghệ thông tin. “Những người trẻ tuổi ngày nay không còn hứng thú với công việc liên quan đến hệ thống điện. Vấn đề nhân lực này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới”, ông Thái nói.
Về công nghệ, nền tảng đòi hỏi việc xử lý lượng dữ liệu lớn (đến hàng triệu điểm đo) trong thời gian thực (real-time) với số lượng kết nối lớn trên nhiều loại đường truyền khác nhau bằng nhiều loại giao thức (protocol) khác nhau. Tất cả công nghệ liên quan đến các vấn đề này đều được ATS tự phát triển để đảm bảo độ tin cậy (reliability), an toàn (security) và hoạt động (performance) của hệ thống. Và để đảm bảo thì sản phẩm phải được thử nghiệm hợp chuẩn (type test) của phòng thí nghiệm độc lập có uy tín trên thế giới, sản phẩm của ATS được chứng nhận bới DNV-GL (Holland). “Trong hơn 20 năm qua, có nhiều vấn đề về công nghệ mà đội ngũ phát triển công ty tưởng chừng không thể vượt qua nổi”, ông Thái chia sẻ.
Một khó khăn khác đến từ việc thuyết phục EVN đưa những hệ thống đầu tiên của ATS vào hoạt động, với yếu tố tâm lý và sự bảo thủ của cán bộ kỹ thuật trước một sản phẩm “Make in Vietnam” khi mà họ vẫn muốn sử dụng sản phẩm của các công ty lớn có tên tuổi và cũng muốn tự làm để có thể kiểm soát về công nghệ. Tuy nhiên, nếu như các công ty lớn chỉ cung cấp sản phẩm với những gì đã có thì ATS lại được đánh giá cao ở chất lượng của sản phẩm, dịch vụ và khả năng tùy biến cao để đáp ứng nhu cầu của người dùng, cùng dịch vụ 24/7 kể trong những ngày nghỉ Tết. Còn việc tự phát triển giải pháp chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn đối với EVN vì lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản xuất và cung cấp điện nên sẽ khó được thành công. “Đây cũng là những cản trở rất lớn trong sự phát triển của ATS cùng những khó khăn về pháp lý về yêu cầu đối với nhà thầu như kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm đã thực hiện dự án, và khả năng tài chính...”, ông Thái nói.
Trên thị trường hiện nay các nền tảng này chỉ được các công ty lớn như Siemens, ABB, GE hay Schneider phát triển và OneATS là sản phẩm có thể nói là duy nhất ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất của OneATS đối với các công ty nước ngoài chính là việc sử dụng nền tảng, thay vì phát triển phần cứng. Lý giải cho điều này, theo ông Thái, công nghiệp phần cứng đòi hỏi chi phí đầu tư (nghiên cứu phát triển, cơ sở sản xuất) rất cao cũng như phải có một hệ thống phân phối ở mức độ toàn cầu để đảm bảo thu hồi vốn và phát triển. Còn đối với công nghiệp phần mềm, thiết kế giải pháp và cung cấp hệ thống tích hợp thì không đòi hỏi phải có sự đầu tư vật chất lớn. Tuy nhiên cần có nguồn nhân lực đủ trình độ để có thể phát triển được các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong từng chuyên ngành cụ thể. “Vì vậy, ATS đã chọn hướng đi này để có tên trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực tự động hoá ngành điện”, ông Thái nhấn mạnh
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc của ATS cũng cho rằng, so với các giải pháp của nước ngoài, OneATS cũng có một số hạn chế nhất định. Như việc một số các ứng dụng cao cấp như EMS/DMS, ATS vẫn cần phải tích hợp với bên thứ 3 mà chưa thể tự phát triển. Điều này cũng làm ảnh hưởng nhất định đến quá trình tích hợp dịch vụ, nhưng đây cũng là một xu hướng trong việc phát triển các nền tảng mở.
“Hạn chế tiếp theo đến từ việc ATS chủ yếu đang hoạt động bên trong Việt Nam, nên kinh nghiệm của sản phẩm đối với các yêu cầu đa dạng với khách hàng quốc tế chưa nhiều. Do đó, OneATS cần hoàn thiện hơn nữa ở những nhánh ứng dụng liên quan đến thị trường điện, các ứng dụng tính toán ổn định hệ thống điện, hệ thống Tự động điều chỉnh phát điện (AGC)”, ông Thái chia sẻ thêm.
Về vấn đề đảm bảo ATTT, khi các hệ thống điều khiển cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia như ngành điện luôn là “miếng mồi ngon” mà hacker nhắm trong các vụ tấn công mạng vì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng và một loạt các hạ tầng trong yếu quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng lớn như giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, xăng dầu và an ninh quốc phòng. Ông Thái cho rằng, ATS đã nhận thức sâu sắc về vấn đề này và coi đây là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nền tảng OneATS. Đặc biệt, công ty đã tham khảo các qui định về bảo vệ hạ tầng trọng yếu (CIP) của Công ty An toàn lưới điện Bắc Mỹ (NERP) đối với phần mạng truyền tin để đảm bảo cho hạ tầng của OneATS.
Tuy nhiên, đúng là bất kỳ hệ thống nào cũng tồn tại các lỗ hổng có thể khai thác. Ngoài các lỗi thông thường đã được giới bảo mật thu thập, nhưng bao giờ cũng còn tồn tại các lỗ hổng chưa từng được biết đến trước đây (zeroday) nên việc đảm bảo ATTT cho hệ thống phải được xem là vấn đề thường xuyên, liên tục và cần có qui trình chặt chẽ để đáp bảo tính hiệu lực của các biện pháp này. Trên cơ sở đó, công ty đã khuyến nghị áp dụng các biện pháp security tăng cường giữa OT/IT như sử dụng các firewall 1 chiều (data diot), thiết lập các vùng DMZ giữa OT/IT, cơ chế Logging/Auditing các hoạt động security.
Về nhân lực, các kỹ sư thiết kế và phát triển OneATS cũng cần có kiến thức tốt liên quan đến bảo mật thông qua các chứng chỉ đào tạo theo hệ thống tiêu chuẩn về security. Hệ thống cần thường xuyên phải cập nhật, và khi triển khai thì cần có có đánh giá nguy cơ tiềm năng và mức độ dễ bị tổn thương của các đơn vị làm bảo mật chuyên nghiệp đối với các hệ thống cụ thể. “Nhờ vậy, cho đến nay hệ thống của chúng tôi chưa gặp sự cố về bảo mật sau hơn 20 năm. Đây là kết quả của cả quá trình bảo đảm ATTT cho các giải pháp của ATS”, ông Thái nhấn mạnh.
Đánh giá về các sản phẩm “Make in Vietnam” hiện nay, ông Thái cho rằng, dù Việt Nam đang có một nguồn nhân lực về CNTT rất mạnh nhưng đội ngũ này hầu hết chỉ là những người thợ lành nghề. Trong khi, để xây dựng được sản phẩm hoàn chỉnh thì chỉ những người thợ là không đủ, mà còn cần đến đội ngũ có thể đưa ra ý tưởng sáng tạo, đội ngũ thiết kế có kinh nghiệm, nhất là những nền tảng yêu cầu tính chuyên sâu về kỹ thuật và quản lý như giải pháp OneATS.
Ngoài ra, dù ý tưởng thì có thể rất nhiều nhưng khả năng theo đuổi trong quá trình phát triển sản phẩm luôn là vấn đề lớn đối với các công ty hiện nay. Ông Thái đã đưa ra dẫn chứng về sản phẩm SmartModem của ATS, đây là một thiết bị trung gian kết nối thiết bị đầu cuối và trung tâm dữ liệu thông qua đường truyền Internet di động 3G/4G hoặc cố định. Chỉ trong vòng 3 tháng, công ty đã có được thiết kế nguyên mẫu cho phiên bản đầu tiên nhưng phải mất 2 năm sau mới có thể hoàn chỉnh được sản phẩm thương mại thế hệ 1. “Tính hoàn thiện của sản phẩm luôn là vấn đề lớn của doanh nghiệp trên toàn thế giới không chỉ riêng sản phẩm Make in Vietnam”, ông Thái chia sẻ.
Cần có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt đối với các lĩnh vực trọng yếu
Cũng theo ông Thái, qua kinh nghiệm thực tế của hơn 22 năm phát triển của Công ty ATS thì các sản phẩm công nghệ điều khiển hoàn toàn phù hợp với đặc điểm và trí tuệ của người Việt Nam. Sự phát triển của ngành công nghệ điều khiển sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế Việt Nam theo định hướng tri thức và bền vững.
Đồng thời, để bảo vệ an ninh quốc gia, các yêu cầu về bảo mật và an ninh mạng cần được xem xét chặt chẽ khi lựa chọn nhà sản xuất cung cấp các hệ thống điều khiển đối với các công trình hạ tầng quan trọng cũng như các dự án công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng và kinh tế xã hội. Việc phát triển được ngành công nghiệp điều khiển do người Việt Nam làm chủ sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo bí mật quốc gia. Chưa kể đến, khi các nhà sản xuất Việt Nam có thể chủ động về mặt công nghệ thì cũng sẽ đảm bảo việc vận hành an toàn tin cậy hệ thống này cũng như các công trình mà nó điều khiển để phục vụ các mục đích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, trong nhiều dự án, chủ đầu tư đã thường xuyên đưa ra những yêu cầu về đặc điểm sản phẩm mà không phải là chức năng kỹ thuật. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn và khiến các sản phẩm trong nước dễ bị loại, trước các sản phẩm nước ngoài.
Do đó, ông Thái đã đưa ra kiến nghị cần quán triệt chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đặc biệt là các ứng dụng công nghệ điều khiển trong mua sắm và đấu thầu. Đồng thời, cần nghiêm cấm các chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm có tính định hướng cho các sản phẩm nước ngoài để loại các sản phẩm công nghệ cao đã có kinh nghiệm sản xuất và sử dụng sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Công Thương trong quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần yêu cầu các chủ đầu tư phải ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam đã sản xuất được thuộc Danh mục sản phẩm Công nghệ cao được ưu tiên phát triển, như các hệ thống điều khiển nhà máy điện, trạm biến áp và trung tâm điều khiển. “Các ngành công nghiệp khác cần có đề án ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam nghiên cứu phát triển để có định hướng cũng như chỉ đạo phù hợp theo tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị”, ông Thái đề xuất.
Cuối cùng, dù Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 85/2016/NĐ-CP và Thông tư 03/2017/TT-BTTTT đã được ban hành và có hiệu lực thi hành nhưng vẫn rất cần có các chương trình hành động cụ thể. Sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của Chính phủ sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của An toàn thông tin mạng điều khiển của các đơn vị chịu trách nhiệm phát triển, quản lý vận hành các hạ tầng quan trọng như điện lực, dầu khí, hóa chất, giao thông... “Các ngành này phải có chương trình hành động cụ thể để đảm bảo tuân thủ các qui định của Pháp luật đã ban hành. Các nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa cũng như dịch vụ cho hệ thống điều khiển các công trình thuộc danh mục hạ tầng quan trọng quốc gia cũng phải tuân thủ các qui định hiện hành và chịu sự kiểm tra của cơ quan an ninh”, ông Thái kết luận.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)