Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022

Giang Nam| 13/10/2022 10:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 130/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022 vừa được ban hành.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin công chúng, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định sản xuất, kinh doanh, tránh thông tin tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát, tỷ giá.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế…

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chương trình cụ thể để hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Cùng với đó là đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023), không để dịch bùng phát trở lại. Theo dõi chặt chẽ các dịch bệnh mới phát sinh để có giải pháp ứng phó hiệu quả, không để "dịch chồng dịch". Kịp thời khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, trong đó lưu ý các địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022 - Ảnh 1.

Giải pháp trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo thúc đẩy thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi người dân có 01 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 01 đường internet cáp quang tốc độ cao theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ;

Đồng thời, tổ chức ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10; tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách; thúc đẩy các địa phương tăng tỷ lệ người dân nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến; thúc đẩy chương trình đưa người dân lên môi trường số. Hướng dẫn thực hiện việc thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội nghị Trung ương 6, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; công tác an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành trước ngày 25/10/2022 việc kiểm tra an ninh, an toàn các hệ thống thông tin và khắc phục các lỗ hổng bảo mật, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin khi kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm cấp phát đủ chữ ký số cho cán bộ tại Bộ phận một cửa các cấp trong tháng 11 năm 2022.

"Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là chủ động truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương, nhằm tạo đồng thuận xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý khủng hoảng truyền thông, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; kịp thời ngăn chặn tin giả, tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO