Phát triển ngân hàng số cần có một cách thức, phương pháp số toàn diện

Đỗ Minh| 24/12/2021 05:53
Theo dõi ICTVietnam trên

"Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho các ngân hàng bán lẻ, tuy nhiên, cần ưu tiên các vấn đề "chọn mặt gửi vàng", bởi lẽ, việc thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số (digital banking) phải phù hợp với thực tế, đời sống, nhu cầu của mọi người dân".

Đó là quan điểm đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng số Nguyễn Trí Hiếu tại Hội thảo dịch vụ ngân hàng cá nhân Việt Nam năm 2021 do IDG Việt Nam tổ chức ngày 23/12.

Cần có hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá tài chính cho từng người dân

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực, tích cực đẩy mạnh quá trình phát triển, sử dụng hiệu quả các nền tảng số và các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) ngành, cấp, quốc gia…

Các ngân hàng nói chung hay ngân hàng bán lẻ đang chạy đua để trở thành ngân hàng số, đây đang là một xu thế và điều này tạo ra lượng lớn khách hàng sử dụng các giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt (ví điện tử, mobile money, tài khoản ngân hàng gắn chip…).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong kết quả tích cực này, vẫn còn những hạn chế một lượng lớn người dân chưa tiếp cận sử dụng các dịch vụ ngân hàng (chiếm 40%). "Chúng ta đang cung cấp nhiều sản phẩm tài chính số hiện đại, nhưng điều căn bản trong vấn đề tài chính là việc nâng cao ý thức, lợi ích của khách hàng vẫn chưa thực sự cao, như mong muốn".

Hơn nữa, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hệ thống chuẩn hóa trong các ngân hàng vẫn chưa đồng đều; luật pháp liên quan đến các quy định về bảo mật hệ thống sản phẩm dịch vụ trong các ngân hàng vẫn còn hạn chế, cần phải được hoàn thiện.

Ở Việt Nam, mặt dù ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho phép các đơn vị, tổ chức đại diện đứng ra xây dựng hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá tài chính cho từng người dân, toàn dân, nhưng điều này nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện, trong khi đó ở một số nước phát triển điều này đã được làm, thu được nhiều hiệu quả tích cực.

"Vì các ngân hàng không có đơn vị chấm điểm tín dụng nên các tiêu chuẩn thẩm định, đánh giá khách hàng phụ thuộc vào các ngân hàng, điều này hạn chế việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ giữa người dân và các ngân hàng", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Đưa ra giải pháp đề xuất phát triển các ngân hàng hiện nay, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xu thế ngân hàng số là tất yếu, nhưng trong sự thay đổi cần thận trọng từng bước, ngoài việc coi trọng các công nghệ, nền tảng số mới thì bản thân các ngân hàng cũng cần có sự điều chỉnh liên quan đến: Hệ thống pháp luật phù hợp; tăng cường nâng cao ý thức khách hàng; khuyến khích các cơ chế ưu đãi khách hàng mới…

Nói về các cơ hội cho CĐS các ngân hàng tại Việt Nam, TS. Dennis Khoo, thành viên hợp danh All Digitalfuture cho rằng, các ngân hàng cần tập trung vào việc giới thiệu, cung cấp tín dụng và giao dịch dễ dàng với trực quan, đồng thời cần tăng các giá trị niềm tin, niềm vui cho khách hàng thông qua các dịch vụ tốt nhất.

Công nghệ kỹ thuật số - Phương tiện tăng trưởng cho các ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Dennis Khoo cho rằng ngân hàng số chính là đảm bảo mọi sự trải nghiệm khách hàng luôn được hỗ trợ bởi tương tác dựa trên dữ liệu và khách hàng, người dùng là trung tâm để các ngân hàng phục vụ.

Giờ đây, sự khác biệt giữa các ngân hàng truyền thống với các ngân hàng số chính là việc đảm bảo các hệ thống ngân hàng vận hành dựa trên việc sử dụng dữ liệu một cách chủ động - đây là chìa khóa đảm bảo sự thành công.

Vì vậy, việc xây dựng ngân hàng số cần dựa trên "thiết kế" đầy đủ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và toàn bộ hoạt động của ngân hàng, đồng thời phải là ngân hàng có siêu dữ liệu (có mô tả thông tin đầy đủ, mục lục thích hợp) và không giấy tờ.

"Việt Nam muốn phát triển ngân hàng số cần có một cách thức, phương pháp số toàn diện và đảm bảo tạo dựng hệ thống vi thanh toán để cho phép thu nhập không cố định được gửi", ông Dennis Khoo nhấn mạnh.

Theo ông Dennis Khoo, Việt Nam muốn xây dựng thành công các ngân hàng số cần có một phương pháp tiếp cận đa kênh, nhất là trên kênh các thiết bị di động để thâm nhập thu hút các khách hàng, người dùng.

Khi nói về các đặc điểm ngân hàng số cần phải có, ông Dennis Khoo chỉ ra rằng điều tiên quyết là các sản phẩm, dịch vụ của NH phải tạo ra từ nhiều dữ liệu, vì dữ liệu tạo ra sự điều hướng. Sự điều hướng góp phần thay đổi hành vi giao dịch khách hàng, đồng thời loại bỏ các cảm tính lựa chọn; tương tác với khách hàng trong các giao dịch.

Đặc biệt, các ngân hàng số cần tạo ra dữ liệu của sự hài lòng, dữ liệu khiếu nại và những phản hồi được sử dụng để cải thiện dịch vụ. "Các ngân hàng muốn phát triển cần thiết phải có các tiêu chuần thông số cụ thể, trong đó có thông số dựa trên điện toán đám mây với tính khả dụng cao và dự phòng được kích hoạt hoàn toàn kiến trúc phần mềm (microservice)", ông Dennis Khoo nhấn mạnh.

Ông TS. Dennis Khoo cũng cho rằng, ngân hàng số chính là một kênh duy nhất điều phối hiệu quả các chi nhánh ngân hàng, ATM, tổng đài; là một phần của một tập hợp các kênh được tạo ra để thay thế chi nhánh ngân hàng truyền thống để phục vụ, đáp ứng yêu cầu các khách hàng, người dùng hiệu quả, chất lượng hơn.

"NH số chính là đảm bảo mọi sự trải nghiệm khách hàng luôn được hỗ trợ bởi tương tác dựa trên dữ liệu và khách hàng, người dùng là trung tâm để các ngân hàng phục vụ", TS. Dennis Khoo đánh giá.

Ngân hàng cần chủ động trong xu hướng dài hạn

Trên quan điểm để các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh sau đại dịch bệnh COVID-19, ông Gopal Kiran, Giám đốc dịch vụ tài chính toàn cầu Insider Singapore cho rằng, điều cần thiết các ngân hàng phải đồng thời thích ứng với những thách thức ngắn hạn và chủ động trong xu hướng dài hạn.

Cụ thể, cần tăng tiện ích cho các kênh số, trọng tâm là chuyển dịch các giải pháp giúp giải quyết các nhu cầu khách hàng toàn diện. "Thay vì ngân hàng lấy sản phẩm, dịch vụ làm trung tâm cần chuyển đối sang khách hàng làm trung tâm, thỏa mãn cá nhân hóa khách hàng… Làm tốt điều này chính là các ngân hàng đang xây dựng sự đa dạng trong các tổ chức quản trị của mình", ông Gopal Kiran nhấn mạnh.

Cùng với đó, các ngân hàng cần tận dụng, chủ động với xu hướng tự động hóa, lấy trí tuệ nhân tạo (AI) làm cơ sở để khai thác, tạo tiềm năng. Đặc biệt, ngân hàng cần xây dựng, chuyển đổi mô hình thành ngân hàng số với đầy đủ các yếu tố: Tập trung vào khách hàng (hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, sở thích của khách hàng; trải nghiệm khách hàng đơn giản; các kênh phân phối phù hợp); hệ sinh thái và dữ liệu (đồng sáng tạo với các đơn vị quản lý; quan hệ đối tác vững chắc; phân tích dữ liệu nhúng); cơ sở hạ tầng công nghệ (nền tảng công nghệ có thể mở rộng, linh hoạt, giá cả thấp; khả năng tương tác; cơ sở hạ tầng đồng bộ); mô hình kinh doanh và điều hành (cấu hình chiến lược; văn hóa, chương trình quản lý thay đổi; kích hoạt khả năng).

Chi sẻ về kinh nghiệm áp dụng công nghệ trong quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân, ông Sandeep Deobhakta, Chủ tịch Ngân hàng bảo hiểm Manulife Trung Quốc cho rằng công nghệ số chính là phương tiện quan trọng để kết thúc mọi sự thay đổi để tạo ra những kết quả tăng trưởng tốt nhất.

"Tuy nhiên, để tạo ra tính tăng trưởng, các ngân hàng cá nhân cần phải tập trung vào 03 yếu tố mà kỹ thuật số tạo ra như: Đề xuất hấp dẫn cho khách hàng (sự thuận tiện, có giá trị); sử dụng dữ liệu và phân tích (tương tác ngân hàng và khách hàng); quản lý rủi ro tốt hơn (rủi ro gian lận, thanh khoản, tín dụng…)", ông Sandeep Deobhakta chỉ rõ.

Công nghệ kỹ thuật số - Phương tiện tăng trưởng cho các ngân hàng - Ảnh 2.

Click eKYC là hệ thống nền tảng số được vận hành dựa trên thuật toán sinh trắc học an toàn đối với mọi quy trình

Cũng theo ông Sandeep Deobhakta, việc các ngân hàng cá nhân chuyển dịch mô hình hướng đến các các hoạt động tự động hóa và dịch vụ cá nhân hóa đang là một xu thế và bước đầu có những thành tựu, lợi ích tích cực, nhất định. Tuy nhiên, trong xu thế này một số khách hàng vẫn có thể gặp phải những vấn đề về rủi ro, an toàn. Do đó, cần thiết phải áp dụng kỹ thuật số ở trình độ nâng cao, hoàn chỉnh, vì góp phần giúp hỗ trợ, giải quyết các hạn chế.

Ông Mattheww Tippetts, Chủ tịch và CEO Click cho rằng giải pháp để tối đa sự tiện lợi và bảo mật cho khách hàng đối với các ngân hàng cá nhân hiện nay cần chuyển đổi từ giải pháp eKYC truyền thống sang Click EKYC.

Nếu trước kia eKYC truyền thống bị các rào cản (giới hạn địa điểm, không gian, gian lận, lỗi đầu vào thông tin…) thì khi chuyển sang Click eKYC được đảm bảo các ưu điểm (không giới hạn địa điểm, không gian; tự động hóa nhận diện khuôn mặt chính xác cao; tiết kiệm chi phí; dữ liệu được tự động trích xuất và xác thực kỹ thuật số).

Click eKYC chính là một giải pháp toàn diện cho các ngân hàng cá nhân vì đảm bảo an toàn cho mọi quy trình từ lần thực hiện giao dịch đầu tiên với khách hàng đến giám sát, tuân thủ các quy trình giao dịch cuối. 

"Đặc biệt, Click eKYC là hệ thống nền tảng số được vận hành dựa trên thuật toán sinh trắc học an toàn đối với mọi quy trình: Mở tài khoản ngân hàng, chữ ký số, xác thực dịch vụ chữ ký số, đăng nhập một land Click, xác thực sinh trác học vào dịch vụ ATM", ông Mattheww Tippetts đánh giá ưu điểm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngân hàng số cần có một cách thức, phương pháp số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO