Phó Chủ tịch MoMo: Chúng tôi muốn trở thành "đại bàng" trong lĩnh vực ví điện tử

Nguyễn Khiêm| 25/11/2020 15:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo, công ty luôn có ước mơ trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam, là "đại bàng" của quốc gia thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp tại buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN", thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) với chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số" ngày 25/11.

Buổi tọa đàm do ông Marcin Miller (Giám đốc Hợp danh, McKinsey & Company) điều phối và còn có sự góp mặt của ông Ôn Như Bình (Giám đốc Chiến lược kinh doanh VNPay), ông Aldi Haryopratomo (Giám đốc điều hành Gopay), ông Iwan Kurniawan (Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Modalku) và ông Trần Thanh Nam (Đồng sáng lập Moca).

Phó Chủ tịch Ví Momo:

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo: Thay vì chạy theo lợi nhuận, Momo muốn trở thành "đại bàng" trong lĩnh vực ví điện tử,

Covid-19 khiến MoMo có thêm 10 triệu người dùng

Trả lời câu hỏi về sự phân mảnh của thị trường ví điện tử và khả năng sát nhập của các doanh nghiệp trung gian thanh toán, ông Diệp cho biết khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường ví điện tử. Trước dịch, Ví MoMo có 10 triệu khách hàng và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, nền tảng này tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa.

"Theo Ngân hàng nhà Nước Việt Nam, hiện tại có 38 ví điện tử đang hoạt động trong nước. Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch. Theo thông lệ của thị trường với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 đến 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2 đến 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất VN trong thời gian tới.", ông Diệp chia sẻ.

Việc chuyển đổi số là quá trình đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu và đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Microsoft, quá trình chuyển đổi giúp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm tăng 1% GDP, năm 2021 mức GDP toàn cầu có thể tăng thêm tới 347 tỷ USD nhờ vào chuyển đổi số. Trên thế giới, các doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số đều phát triển thành công rực rỡ, ví dụ như Amazon, Tesla hay Alibaba.

Trong khi nhiều công ty khác trở thành "kẻ phá hủy" thị trường (disruptor) khi có thể khiến một nền công nghiệp biến mất và tạo nên một kết cấu mới hoàn toàn, tiêu chí của Ví MoMo lại là tạo nên một hệ sinh thái, kết nối hàng chục nghìn đối tác và cùng nhau phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Ví Momo:

Ví MoMo đặt mục tiêu phải tiếp cận ít nhất 50% dân số, tương ứng với 50 triệu người dùng.

Tham vọng tiếp cận 50 triệu người dùng Việt Nam

Theo ông Diệp, mục tiêu của một doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Ví MoMo ra đời với mong muốn dùng công nghiệp để thay đổi cuộc sống người Việt, cũng như đem các dịch vụ tài chính đến với người dùng một cách bình đẳng với chi phí thấp, trở thành công cụ hữu ích cho việc phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam... Để làm được điều này, MoMo đặt mục tiêu phải tiếp cận ít nhất 50% dân số, tương ứng với 50 triệu người dùng.

Thảo luận về tầm quan trọng của chuyển đổi số khi nền kinh tế số trở thành xu hướng, đại diện ví MoMo cũng cho rằng thay vì bỏ một đồng để đầu tư bây giờ, startup sẽ mất mười đồng để làm điều tương tự trong tương lai. Đầu tư đúng đắn đóng vai trò quan trọng trong tương lai phát triển của MoMo và cũng thỏa mãn các nhà đầu tư. "Thay vì chỉ là một chú gà trống, chúng tôi muốn trở thành một "đại bàng" đầy kiêu hãnh với lãnh thổ của riêng mình. Nhà nước đang mời gọi nhiều "đại bàng" quốc tế về làm tổ, vậy tại sao chúng tôi không trở thành một "đại bàng" của Việt Nam với sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chúng tôi luôn có ước mơ trở thành Ví điện tử lớn nhất Việt Nam, là "đại bàng" của quốc gia thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt", ông Diệp cho biết.

Vừa qua, ví MoMo đã là ví dụ tiêu biểu về doanh nghiệp Việt Nam thành công khi vượt qua nhiều vòng gọi vốn, nhận được nhiều đầu tư từ các quỹ uy tín. Đối với một startup, nhìn chung điều quan trọng nhất vẫn là phải làm được những gì đã đề ra và đem lại kết quả dựa trên thực lực. Ông Diệp cho biết thêm: "Tại ví MoMo, chúng tôi sở hữu một mô hình có thể mở rộng theo quy mô lớn, tiếp cận ngày càng nhiều khách hàng. Một yếu tố quan trọng nữa là đội ngũ nhân sự của chúng tôi đủ mạnh, quy tụ nhiều nhân tài để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Nếu hội đủ những yếu tố trên, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến bạn".

Trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020, khu vực trưng bày của ví MoMo cũng thu hút được sự quan tâm lớn từ nhiều quan khách cũng như đối tác, khách tham quan đến tìm hiểu về sản phẩm dịch vụ cũng như nhận được những phần quà lưu niệm.

Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) với chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số" diễn ra vào ngày 25/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam. Sự kiện thường niên này là nơi dành cho các quỹ đầu tư trong và ngoài nước trao đổi với các cơ quan tham mưu cho Chính phủ và cộng đồng startup, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức. Sự kiện năm nay có sự góp mặt của ông Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng Chính phủ), ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng nhiều lãnh đạo, giám đốc các doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch MoMo: Chúng tôi muốn trở thành "đại bàng" trong lĩnh vực ví điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO