Phòng chống tin tức giả mạo - Trách nhiệm của mỗi cư dân mạng

Thu Trang| 06/09/2020 11:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Mạng xã hội (MXH) đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người.

Các trang MXH đem tới cho người dùng nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, gần như tức thời; nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn. Nếu được sử dụng phù hợp, đúng mục đích, MXH giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả. Song, bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng đem lại nhiều tác hại và hệ lụy cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Trong đó, có một tiêu cực đang trở thành mối lo ngại cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu đó là tình trạng hỗn loạn bởi thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai sự thật.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 1 năm 2020, có khoảng 65 triệu người sử dụng mạng xã hội, tăng 5,7 triệu (9,6%) so với tháng 4 năm 2019 (Báo cáo của We are social). Việt Nam cũng đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Tình trạng đăng thông tin giả mạo, bịa đặt trên mạng xã hội vẫn đang tràn lan, không có dấu hiệu thuyên giảm và gây ra những tác động tiêu cực tới dư luận xã hội. Mạng xã hội dường như là nơi người dùng thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều thông tin khiến người dân lo lắng đã bị đăng lên Facebook. Vấn nạn tin giả tràn ngập trên mạng xã hội đến mức đáng báo động. Vậy, làm thế nào để nhận biết và ngăn chặn tin giả cũng như mỗi cá nhân khi tiêu dùng tin tức cần có trách nhiệm gì?

Tin tức giả mạo được hiểu như thế nào?

Theo truyền thống, chúng ta nhận được tin tức từ các nguồn đáng tin cậy: các nhà báo và các phương tiện truyền thông được yêu cầu phải tuân theo các quy tắc thực hành nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Internet đã cho phép một cách hoàn toàn mới để xuất bản, chia sẻ và tiêu thụ thông tin và tin tức với rất ít quy định hoặc tiêu chuẩn biên tập.

Phòng chống tin tức giả mạo – Trách nhiệm của mỗi cư dân mạng - Ảnh 1.

Nhiều người bây giờ nhận được tin tức từ các trang web và mạng xã hội và thường rất khó để biết liệu câu chuyện có đáng tin hay không. Quá tải thông tin và sự thiếu hiểu biết chung về cách thức hoạt động của mọi người trên Internet cũng góp phần làm tăng tin tức giả mạo hoặc những câu chuyện lừa bịp. Các trang truyền thông xã hội có thể đóng một vai trò lớn trong việc tăng phạm vi của các loại câu chuyện này. Tin giả là thông tin bịa đặt, sai sự thật được cố ý lan truyền, thường xuất phát từ các sự kiện lớn, được dư luận quan tâm trong đời sống thực. Thực tế, sự kiện càng nóng, giật gân, tin giả liên quan xuất hiện càng nhiều.

Từ cách tuyên truyền cho tới những hoang tin, "tin giả" đã trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những tin sai hoặc gây hiểu lầm lan truyền trên mạng, thường nhằm mục đích thủ lợi chính trị hoặc thương mại.

Thuật ngữ "tin giả" rất dễ gây tranh cãi. Một số chính trị gia dùng từ này để chỉ trích truyền thông chính thống khi báo chí hợp pháp tường thuật các câu chuyện tuy chính xác nhưng họ lại không đồng ý.

Các học giả nghiên cứu về vấn đề này thì muốn dùng các thuật ngữ khác, chẳng hạn như "rối loạn thông tin", để mô tả nạn thông tin sai lệch trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Định nghĩa này bao gồm hàng loạt các vấn đề, không chỉ là chuyện về mánh lới chính trị mà cả các chuyện không đúng về y tế, các đồn đoán về việc người nổi tiếng nào đó chết, hay các cáo buộc sai về hành vi tội phạm, là những hành vi có thể tạo cớ châm ngòi cho tình trạng căng thẳng sắc tộc và thậm chí gây xung đột bạo lực giữa các cộng đồng.

Theo định nghĩa từ Wikipedia, tin giả (Fake News), còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông tin tức truyền thống (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến.

Một cách ngắn gọn, Collins Dictionary định nghĩa, Fake News đó là các thông tin giả mạo, sai lệch và giật gân được phát đi dưới hình thức tin tức. Tin giả là đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả. Fake News đã chính thức trở thành cụm từ nổi bật nhất của năm 2017 và ngày càng phổ biến .

Tin giả đang lan tràn khắp nơi và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng doanh nghiệp, từng cơ quan tổ chức. Các chuyên gia nói rằng tin giả thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí đối với cả thể chế. Dự đoán trong thời gian tới, khi công nghệ cao, kể cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được lợi dụng nhiều hơn nữa trong quá trình sản xuất tin giả, thì khối lượng tin giả sẽ còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều. Tin giả và đối phó tin giả giống như trò đuổi bắt vô định mà mỗi bên đều cố gắng sử dụng những công cụ tinh vi nhất. Kết quả là người đuổi càng nhanh thì người chạy còn nhanh hơn.

Những hệ lụy từ vấn nạn tin giả

Tin giả được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, không chỉ gây ra những tiêu cực trong đời sống xã hội, tác động xấu đến uy tín, danh dự, tài chính của cá nhân, tổ chức, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, cuộc sống của nhiều nạn nhân, thậm chí đẩy họ đến hành động thiếu kiểm soát, gây nguy hiểm đến tính mạng. Khó có thể kể hết những hệ lụy khôn lường mà tin giả gây ra. Đối với cá nhân, lạm dụng mạng Internet và MXH có thể dẫn tới tình trạng phụ thuộc, gây "nghiện", làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập, giảm sút năng suất lao động, thậm chí gây tác hại cho sức khỏe, tâm sinh lý và lối sống của con người, nhất là trong thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, thông tin sai sự thật còn vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tình hình chiếm đoạt thông tin, làm lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng cũng như hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt và hệ lụy lâu dài cho xã hội…

Một số mục đích chính của những kẻ phát tán tin tức giả mạo, tin sai sự thật: Đầu tiên, kẻ xấu tung tin giả thường nhắm tới là dụ người dùng bấm vào xem để câu Like, View, từ đó phục vụ việc quảng cáo, bán hàng; Thứ hai, cơ sở dữ liệu về người dùng là món lợi nhuận khổng lồ khiến kẻ xấu liên tục tìm cách tạo ra các thông tin giả, lừa người dùng tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân; Thứ ba, tin giả được hacker tạo ra nhằm phát tán mã độc để kiểm soát thiết bị của nạn nhân, phục vụ các mục đích bất chính khác; Thứ tư, những luồng thông tin xấu độc có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận, gây nghi ngờ, đích chính trị.

Phòng chống tin tức giả mạo – Trách nhiệm của mỗi cư dân mạng - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tin tức giả mạo, bởi đây là lực lượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Vì thế có thể thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ vấn nạn tin giả nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng xã hội cả trong hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến chống tin giả trên quy mô toàn cầu…

"Sự bành trướng" trên mức độ toàn cầu của vấn nạn tin giả khiến cuộc chiến chống tin giả cũng đã thành cuộc chiến mang quy mô toàn cầu. Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ tháng 9/2019, hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước phương Tây, đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến.

Các nước tham gia thỏa thuận cam kết quảng bá thông tin được báo cáo độc lập, đa dạng và xác thực trên Internet. Thỏa thuận này nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung cấp Internet trong việc thúc đẩy kiểm soát nội dung để thoát khỏi sự hỗn loạn thông tin như hiện nay.

Năm 2019, thêm hàng loạt quốc gia đã đưa ra các biện pháp chống vấn nạn này. Đơn cử như như hồi tháng 10 năm 2019, luật chống tin giả tại Singapore đã chính thức có hiệu lực, những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD), thậm chí bị phạt tù giam lên tới 10 năm.

Tại Thái Lan, đầu tháng 11 năm 2019, Trung tâm chống tin giả đã chính thức đi vào hoạt động, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các nhân viên giám sát đã được huấn luyện nhằm nhận diện và xác minh các thông tin giả mạo.

Trung Quốc không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, chính phủ hối thúc các công ty công nghệ trong nước sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Tại Nga, hồi tháng 3 năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật chống tin giả, theo đó chính quyền có thể khóa các trang web không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch. Các cá nhân có thể bị phạt tới 400 nghìn Ruble (hơn 8.300 USD) nếu phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.

Trước sức ép của chính quyền và cộng đồng yêu cầu các trang mạng xã hội nỗ lực hơn nữa để xử lý vấn nạn tin giả ngày càng gia tăng, Facebook, Twitter, Youtube, cùng nhiều mạng xã hội khác đều tự nâng cao trách nhiệm đối với các nội dung được đăng tải.

Hồi tháng 9 năm 2019, mạng xã hội Twitter đã đóng hàng nghìn tài khoản vì phát tán tin giả, thổi phồng hay kích động tình hình tại Hong Kong (Trung Quốc), Saudi Arabia, Yemen gây bất ổn dư luận như một phần của cuộc chiến tranh tuyên truyền trong những khu vực vốn đang rơi vào tình trạng căng thẳng này.

Trước đó, Facebook xóa rất nhiều tài khoản giả mạo ở Saudi Arabia, Ai Cập và UAE vì đăng thông tin sai sự thật về các điểm nóng trong khu vực như Libya, Sudan và Yemen.

Mới đây nhất, Facebook cũng xóa trang mạng "I Love America" và các trang liên quan vì vi phạm chính sách chống tài khoản giả mạo sau khi điều tra cho thấy các trang được hàng triệu người theo dõi này đăng tin sai lệch với mục đích can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Facebook cũng thông báo đầu tư 300 triệu USD theo kế hoạch liên kết 3 năm với các tờ báo, cơ quan xuất bản chính thống, nhằm tạo điều kiện để đăng tải các thông tin chất lượng. Instagram cũng đã mở rộng mạng lưới kiểm chứng thông tin bên thứ ba ra toàn thế giới, qua đó tăng quy mô cuộc chiến chống tin giả ra toàn cầu...

… và tại Việt Nam

Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm trên mạng. Luật An ninh mạng ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ an ninh mạng nói trên. Nhưng vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận. Đặc biệt là dịch COVID-19, trên không gian mạng Việt Nam bùng nổ số lượng tin tức giả mạo. Nhiều tài khoản cá nhân đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên mức xử phạt thấp và chưa đủ sức răn đe. Ngày 15/4/2020, với việc Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã bổ sung thêm chế tài để ngăn chặn vấn nạntin giả tại Việt Nam. Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định 15/2020/NĐ- CP đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng chống tin giả

Trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi cá nhân có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và truyền tải thông tin. Việc chống lại thông tin giả không chỉ để bảo vệ chính mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tham khảo 10 thủ thuật phát hiện tin giả dưới đây sẽ giúp mỗi chúng ta trở thành người tiêu dùng tin tức thông thái.

1 # Hãy hoài nghi về tiêu đề

Những câu chuyện tin tức sai thường có tiêu đề giật gân, phóng đại hoặc cố tình gây chú ý. Tin tức giả thường sử dụng các tiêu đề hấp dẫn để tăng lượng độc giả, chia sẻ trực tuyến và doanh thu nhấp chuột trên Internet.

2 # Kiểm tra kỹ đường dẫn URL

Một URL giả mạo hoặc URL giống nhau có thể là dấu hiệu cảnh báo về tin tức giả. Các trang tin tức giả cố gắng bắt chước các nguồn tin tức xác thực bằng cách thực hiện các thay đổi nhỏ đối với URL. Truy cập trang web để so sánh URL với các nguồn được thiết lập.

3 # Điều tra nguồn tin

Kiểm tra nguồn tin tức để chắc chắn nó được viết bởi một nguồn đáng tin cậy. Nguồn phải có danh tiếng về độ chính xác. Nếu câu chuyện đến từ một tổ chức xa lạ, hãy truy cập phần "Giới thiệu" trên trang web để tìm hiểu thêm về tổ chức và nhà xuất bản.

4 # Chú ý định dạng bất thường

Tin tức giả mạo thường có lỗi chính tả và ngữ pháp, lỗi hiển thị hoặc font chữ không thống nhất. Hãy đọc kỹ nếu thấy những dấu hiệu này.

5 # Kiểm tra ảnh và video

Tin tức giả mạo thường chứa hình ảnh hoặc video đã bị can thiệp chỉnh sửa phục vụ ý đồ mục đích bóp méo sự thật. Đôi khi, bức ảnh có thể là xác thực nhưng được đưa ra khỏi bối cảnh gốc. Vì vậy, cần xác minh nguồn gốc của hình ảnh.

6 # Kiểm tra ngày xuất bản

Tin tức giả mạo có thể chứa các mốc thời gian không có ý nghĩa, hoặc thay đổi làm sai lệch thời gian của những sự kiện, cố tình tạo ra sự không logic về thời gian cho mục đích xấu.

7 # Kiểm tra các dẫn chứng

Kiểm tra độ chính xác của tác giả bằng cách kiểm tra các nguồn dẫn chứng của bài viết để xác định tin chính xác hay không. Bạn nên kiểm tra độ chính xác của tác giả. Thiếu bằng chứng hoặc trích dẫn thông tin từ của các chuyên gia giấu tên có thể là dấu hiệu chỉ ra một tin tức giả mạo.

8 # Xem các bài viết hoặc tin tức tương tự trên các nguồn và trang web khác

Nếu không có tổ chức tin tức nào khác đưa tin về cùng một câu chuyện đó, rất có thể nó là câu chuyện hoặc tin tức giả mạo.

9 # Tìm hiểu xem có phải là câu chuyện đùa?

Tìm hiểu xem thông tin đưa ra có phải là câu chuyện phiếm. Vì không có giới hạn rõ ràng để phân biệt một câu chuyện bịa đặt và lời nói đùa, câu chuyện chế hài ước mang tính giải trí. Do đó, trong trường hợp này cần tìm hiểu nguồn đăng tin xem liệu có phải là nơi thường xuyên đăng nội dung giả mạo.

10 # Các câu chuyện được làm sai lệch có chủ ý

Một số câu chuyện hay thông tin được giả mạo có mục đích hết sức tinh vi. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ càng về những thông tin này và chỉ chia sẻ nếu bản thân nhận thức là nó đáng tin cậy.

Tài liệu tham khảo

1. https://baoquocte.vn/

2 .https://www.ft.com/content/01622cd8-5303-11ea-90ad-25e377c0ee1f.

3.https://www.fastcompany.com/90469490/4-easy-ways-to-protect-yourself-from-todays-avalanche-of-fake-news.

4. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/lam-the-nao-de-phan-biet-fake-news.html.

5 . https://learnbonds.com/news/facebook-tips-identify-fake-news/

6.https://www.businessinsider.com/most-viewed-fake-news-stories-shared-on-facebook- 2019-2019-11#7-democrats-vote-to-enhance-med-care-for-illegals-now-vote-down-vets-waiting-10-years-for-same-service-4.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tin tức giả mạo - Trách nhiệm của mỗi cư dân mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO