Phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới cây theo chỉ dẫn ông trời

Bảo An| 18/06/2021 09:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Thanh Hóa, chỉ trong 20 phút, toàn bộ 1 ha mía bị nhiễm sâu bệnh đã được phun thuốc xong. Các loại máy móc, thiết bị tự động hóa được áp dụng trong nhiều khâu sản xuất dần thay thế sức lao động của con người.

Máy bay không người lái

Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam những năm qua đã có chuyển biến tích cực, các loại máy móc thiết bị tự động hóa đã được áp dụng trong nhiều khâu sản xuất dần thay thế sức lao động của con người. Trong đó, có máy bay không người lái đã xuất hiện tại các cánh đồng lớn.

Theo tính toán, mỗi ha mía phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái có thể tiết kiệm được 400.000 đồng so với phương pháp thủ công. Tiếp tục thử nghiệm trên cây mía tại Nghệ An cũng cho kết quả tương tự.

Còn tại Thái Bình, 200ha lúa vụ xuân được phun thuốc bằng máy bay không người lái, tránh độc hại cho người dân, đồng thời giúp người dân xã Minh Tân tiết kiệm khoảng 55 triệu đồng cho một lần phun thuốc.

Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm đến 90% lượng nước, 20-30% lượng thuốc, nhân công lao động, thời gian phun chỉ từ 10-15 phút/ha. Hiệu lực phòng trừ đạt trên 90%, dập dịch nhanh, giảm nguy cơ ngộ độc do người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Ngoài ra, còn góp phần giảm ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước do thuốc bám trên mặt lá lúa không bị rửa trôi trên đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến vi sinh vật đất, giữ được kết cấu đất, giảm chai và phong hóa đất.

Phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới cây theo chỉ dẫn ông trời - Ảnh 1.

Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa. (Ảnh: TH Thái Bình)

Công nghệ cao còn được ứng dụng ở nhiều hoạt động canh tác khác trong nông nghiệp. Đến xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, du khách không khỏi bất ngờ khi được tham quan mô hình du lịch nhà vườn, được tự tay hái những trái dâu tây chín mọng hay ngắm nhìn những loại hoa rực rỡ từ mô hình trang trại của Đoàn Thu Trà.

Khác với những người nông dân địa phương, Trà đã làm nông nghiệp theo cách mà trước đây chưa từng có. Hệ thống nhà vườn sử dụng các máy móc thông minh như hệ thống tưới châm phân tự động kết nối Wifi, 3G với người dùng. Hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn, các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thủy canh cho cây trồng.

“Tưới nước, bón phân hỏi máy” là mô hình của ông Đỗ Văn Tùng (Lam Sơn - Thanh Hoá). Ông Tùng đầu tư hệ thống tưới gần 200 triệu, hoạt động trên nền tảng IOT. Có thể điều khiển tại chỗ hoặc trên máy tính, smartphone có kết nối Internet.

Người quản lý, có thể ở nơi rất xa, vẫn hoàn toàn kiểm soát được hệ thống tưới tiêu nhà mình đang hoạt động như thế nào. Ứng với thời tiết khác nhau, máy sẽ tính toán mỗi bầu cần bao nhiêu lít nước. Hoặc theo giai đoạn phát triển của cây cần bao nhiêu nước, hệ thống điều khiển vận hành một cách chính xác.

Phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới cây theo chỉ dẫn ông trời - Ảnh 2.

Nông nghiệp công nghệ cao nhờ IoT (Ảnh: Bảo An)

Bên cạnh đó, ông Tùng còn đầu tư hệ thống điều tiết dinh dưỡng cho cây trồng. Thông qua hệ thống này, chế độ di dưỡng của cây trồng sẽ được máy tính định lượng và pha chế phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây.

Những lợi ích từ hệ thống mang lại cho những chủ vườn như ông Tùng là thu thập dữ liệu và cảnh báo sớm, định lượng dinh dưỡng tự động, chính xác, báo cáo chi tiết lịch sử chăm tưới, số hóa dữ liệu, điều khiển cấu hình từ xa. Từ đó, ông Tùng không còn phải mất nhiều thời gian ngoài vườn mà hiệu quả nông sản vẫn cao.

Làm giàu từ nông nghiệp số

Với những hiệu quả từ ứng dụng công nghệ, phát triển nông nghiệp thông minh là xu hướng bền vững. Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, chỉ có chuyển đổi mới giúp cho ngành nông nghiệp nước ta tạo lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi nông sản toàn cầu.

Là doanh nghiệp dạn dày kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, gắn bó với người nông dân, thấu hiểu thị trường cùng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi, tập đoàn càng thấy rõ sự cấp thiết chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đó vừa là xu thế vừa mang tính thời đại.

Những năm gần đây, doanh nghiệp này đặc biệt tích cực trong ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp bền vững.

Phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới cây theo chỉ dẫn ông trời - Ảnh 2.

Nông dân làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh:Bảo An)

Đánh giá về hiệu quả của công nghệ vào trong nông nghiệp, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT, cho hay, ở các quốc gia phát triển, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng năng suất, hiệu quả lên rất cao.

Ông lấy dẫn chứng, xà lách trồng theo cách truyền thống ở Việt Nam chỉ có mấy chục nghìn đồng/kg, nhưng nếu xà lách trồng ở Sơn La theo chuẩn xuất khẩu của Hàn Quốc thì giá đến cả triệu đồng/kg. Chính yếu tố công nghệ đã thúc đẩy năng suất và hiệu quả của các sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp, nhưng đó là con đường nông nghiệp công nghệ cao mà đỉnh cao là công nghệ số.

Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể đặt câu hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.

Ông Bình cho hay, nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể thả một máy bay không người lái (drone) bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì máy tính sẽ báo cho nông dân biết nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần.

Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch,... đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Các kết quả này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới cây theo chỉ dẫn ông trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO