Quá trình hội nhập quốc tế của Xuất bản Việt Nam những năm gần đây

T.H| 06/10/2020 15:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm qua, hoạt động xuất bản của chúng ta đã có những bước phát triển và hội nhập quốc tế đúng với định hướng của Đảng và cơ chế quản lý của Nhà nước.

Một số hình thức hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác về xuất bản

Nhiều nhà xuất bản (NXB) đã thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, hữu nghị với các nhà xuất bản của nhiều quốc gia trên thế giới, hai bên đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với nhau, ký kết nhiều nội dung quan trọng, và phối hợp cho xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị.

Tiêu biểu cho hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản phải kể đến NXB Kim Đồng, Giáo Dục, Chính trị quốc gia - Sự thật. NXB Kim Đồng hợp tác với hơn 70 NXB khác trên khắp thế giới, đặc biệt các nhà xuất bản như: Dorling Kindersley, HarperCollins UK, Simon and Schuster UK, Dami International, Shogakukan, NXB Seoul...

NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với ba nhà xuất bản lớn của Trung Quốc gồm Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải và Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô…

Về mặt nhà nước, Việt Nam có ký kết hàng năm các kế hoạch ở cấp bộ, ngành đối với một số nước: Trung Quốc, Nga, Lào, Cuba… Thông qua các biên bản hợp tác này, hàng năm Việt Nam có trao đổi đoàn cán bộ cấp cao của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam với các nước. Qua trao đổi đoàn, các bên đã xem xét việc vận dụng các chính sách ưu đãi của nước này cho nước kia, tổ chức dịch và giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của mỗi nước.

Là thành viên của Hiệp hội xuất bản ASEAN và Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương, điều này cũng đang giúp Việt Nam nâng cao vị thế và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xuất bản, cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới.

Quá trình hội nhập quốc tế của Xuất bản Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo tại Hội chợ sách quốc tế Hà Nội 2019

Nhiều cuộc triển lãm - hội chợ sách quốc tế đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) phối hợp với các NXB đứng ra tổ chức. Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế luôn có sự tham gia của những nhà xuất bản trên cả nước, các công ty phát hành sách, các nhà sách, cơ sở in... cùng nhiều đơn vị nước ngoài (Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba...).

Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế đã giới thiệu những hiện vật tiêu biểu liên quan đến ngành xuất bản cũng như những tác phẩm tiêu biểu, các bộ sách có giá trị của ngành xuất bản.

Trong thời gian mở cửa Triển lãm - Hội chợ sách cũng đã diễn ra nhiều hoạt động trao đổi bản quyền và kinh doanh các loại xuất bản phẩm mới; giao lưu các nhà văn, phát động phong trào đọc sách ...

Giao dịch bản quyền

Kể từ sau công ước về bản quyền Berne (từ 26-10-2004 đến nay) các đơn vị làm sách của Việt Nam đã ký mua bản quyền với nhiều NXB trên thế giới, có những hợp đồng trị giá lên tới hàng chục nghìn đô la…

Ngoài hình thức mua bản quyền, nhiều NXB còn hợp tác với các đối tác nước ngoài để chọn dịch và xuất bản sách theo các chương trình tài trợ của các Quỹ hay các chương trình tài trợ của Sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Những chương trình này thường tài trợ cho phần mua bản quyền, hoặc phần dịch thuật, hoặc phần in ấn - mục đích là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho văn hóa của đất nước có những Quỹ hay chương trình dịch thuật đó…

Để việc giao dịch bản quyền sách quốc tế được diễn ra thuận lợi hơn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có một sàn giao dịch chung với sự tham gia của tất cả các nhà xuất bản nhằm đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin với nhau. Đồng thời, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng là một nguồn lực quan trọng để tìm kiếm, đưa đến độc giả Việt Nam các đầu sách hấp dẫn và có giá trị.

Hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Trong những năm qua, hoạt động xuất bản của chúng ta đã có những bước phát triển và hội nhập quốc tế đúng với định hướng của Đảng và cơ chế quản lý của Nhà nước. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động xuất bản cũng giúp làm cho thị trường sách Việt Nam trở nên sôi động hơn.

Trước đây, khi luật pháp Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh đối tượng này thì họ buộc phải ủy quyền hoặc núp bóng dưới các đơn vị hoặc doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Luật Thương mại và các quy định pháp luật có liên quan đã từng bước tháo gỡ vấn đề này, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài được mở văn phòng đại diện hoặc được phép đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Luật Xuất bản hiện nay đã có những quy định rất cụ thể. Nghị định 150/2018/NĐ-CP đã đơn giản hóa điều kiện thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài với việc bỏ điều kiện phải có địa điểm làm trụ sở văn phòng đại diện. Đây là một bước tiến mới trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của ngành xuất bản Việt Nam, nó mở ra một hướng phát triển mới có nhiều thuận lợi hơn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu sách báo

Xuất khẩu: Thực hiện đường lối thông tin đối ngoại trong thời kỳ hội nhập, những năm vừa qua, Tổng Công ty Sách Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới và một số đơn vị khác, kể cả tư nhân đã tiến hành công tác xuất sách ra nước ngoài. Cho đến nay, chúng ta không có con số chính xác về kim ngạch xuất khẩu sách bảo vì con số thống kê đưa ra trong các báo cáo có tính chất tương đối bởi lẽ ta chưa nắm được thông tin tài các đơn vị khác, nhất là tư nhân, xuất được tổng số giá trị là bao nhiêu.

Về thị trường xuất khẩu, sách của chúng ta tới được hầu hết các châu lục và các nước là địa bàn quan trọng, nhưng thị trường lớn nhất vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông - theo báo cáo của Xunhasaba. Thị trường Mỹ Latinh, Canada, Úc, Châu Phi còn để trống khá nhiều. Ngay cả thị trường châu Âu, sách báo của chúng ta xuất sang cũng hết sức hạn chế mà chủ yếu là Việt kiều hoặc người nhà của Việt kiều trực tiếp mua sách báo từ Việt Nam gửi sang.

Để sách của Việt Nam có thể xuất khẩu được nhiều hơn ra nước ngoài thì bên cạnh sự cố gắng của các công ty xuất khẩu như Xunhasaba còn phải có sự nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản, đặc biệt là cần có sự đầu tư công tác biên tập, biên dịch ra các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật, Hàn Quốc...

Nhập khẩu sách tiếng nước ngoài vào Việt Nam là hoạt động sôi nổi hơn so với xuất khẩu. Các loại sách nhập khẩu khá đa dạng nhưng tỷ lệ áp đảo vẫn là sách học ngoại ngữ, nhất là các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Trung.

Công tác nhập khẩu sách báo có chọn lọc phục vụ công cuộc phát triển khoa học - kỹ thuật - công nghệ - kinh tế - văn hóa, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài của đất nước cũng luôn được các đơn vị xuất nhập khẩu sách báo chú trọng. Việc nhập khẩu sách báo được chuyển dần theo hướng đi sâu vào nhập khẩu sách báo chuyên ngành phục vụ hệ thống thông tin - thư viện, viện nghiên cứu của Nhà nước, của các bộ, ngành, các trường cao đẳng trên cả nước.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc cập nhật thông tin để nắm bắt kịp thời lượng tri thức vô tận phù hợp với xu hướng thời đại 4.0 được xem là giải pháp chiến lược để dẫn tới mọi thành công.Thực hiện sự mệnh là cầu nối, nối liền nhịp cầu tri thức Việt Nam và Thế giới, nhập khẩu sách báo sẽ là kênh phân phối trực tuyến hiệu quả các sản phẩm văn hóa, giáo dục, hàng hóa đa dạng.

Ngành xuất bản tích cực đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế

Nhằm thực hiện chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế, xuất bản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với các đối tác trong khu vực Asean và Châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á (ABPA). Trong những năm qua, Việt Nam đã liên tục cử các đoàn đại biểu đi tham dự các cuộc họp thường niên của Hiệp hội được tổ chức ở các nước thành viên, đồng thời tham gia tích cực những hoạt động chung như: Hội chợ sách (tổ chức ở nước đăng cai). Diễn đàn thảo luận theo từng chủ đề liên quan đến xuất bản hay các hoạt động văn hóa khác.

Việt Nam cũng đã đăng cai làm nước chủ nhà tổ chức thành công Kỳ họp thường niên APPA tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công hai kỳ họp thường niên của ABPA tại Hà Nội. Tại Hội chợ triển lãm sách quốc tế tại Hà Nội, phía Việt Nam luôn dành hai gian trưng bày miễn phí cho các thành viên của cả hai Hiệp hội.

Quá trình hội nhập quốc tế của Xuất bản Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 2.

Hội sách được tổ chức nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới

Ngoài ra, ngành xuất bản Việt Nam cũng tham gia tích cực Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Kể từ khi được xác lập (23/4/1995), đã có hơn 100 nước tổ chức với các hoạt động khác nhau, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 1997 đến nay, ngành xuất bản liên tiếp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới hàng năm. Các hình thức chủ yếu được tổ chức là: nói chuyện về các tác phẩm, bình chọn sách, giới thiệu sách, đọc sách, triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam; thi vẽ của trẻ em về cuốn sách yêu thích, hội thảo chuyên đề về nghệ thuật đọc và chọn sách…

Có thể nói, với những nỗ lực bền bỉ, chủ động và tích cực, xuất bản Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến mới. Góp phần đẩy mạnh công cuộc hội nhập của đất nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quá trình hội nhập quốc tế của Xuất bản Việt Nam những năm gần đây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO