Quảng Bình phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính lọt top 25 của cả nước

TH| 09/07/2021 09:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một tỉnh có chi phí đầu tư cho phát triển hạ tầng VT-CNTT còn hạn hẹp nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, UBND tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN).

Quảng Bình nỗ lực cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 22/01/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là: Tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến môi trường thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN); khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các DN khởi nghiệp; đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực, tạo bước đột phá nhằm kêu gọi, thu hút, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm khá của khu vực; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng trong nhóm đầu cả nước; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) đứng top 25 của cả nước.

Trên cơ sở các mục tiêu đó, Kế hoạch đã phân công trách nhiệm và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể đối với 08 chỉ số của bộ chỉ số CCHC và 10 chỉ số của bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đẩy mạnh xây dựng CQĐT

Mặc dù là một tỉnh có chi phí đầu tư cho phát triển hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT) còn hạn hẹp nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, sự tham mưu của Sở TT&TT, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng VNPT Quảng Bình triển khai thực hiện và hoàn thành được nhiều chương trình, dự án, đề án về phát triển VT-CNTT, xây dựng đô thị thông minh, CQĐT hướng tới chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2020 với Tập đoàn VNPT. Trong đó, việc triển khai xây dựng CQĐT là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Hệ thống Một cửa điện tử đến nay đã được triển khai đến 100% các huyện, thị xã, thành phố và 151/151 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-HIS đã đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng thể của đơn vị sử dụng, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Hệ thống quản lý giáo dục (VNEdu) cũng đã phủ sóng phần mềm quản lý giáo dục cho 51 trường trên địa bàn với tổng số tài khoản cung cấp cho giáo viên là 1.750 tài khoản phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của nhà trường…

Theo bà Trương Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc VNPT Quảng Bình, từ năm 2017, VNPT bắt đầu thực hiện chiến lược VNPT 4.0 chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. VNPT Quảng Bình đã xây dựng và phát triển một số hệ thống phần mềm với vai trò tư vấn và đồng hành cùng UBND tỉnh xây dựng CQĐT.

Cũng trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) với sự phối hợp triển khai xây dựng của Tập đoàn VNPT. IOC Quảng Bình là minh chứng cho sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng VT-CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số nền kinh tế.

Quảng Bình phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính lọt top 25 của cả nước - Ảnh 1.

IOC Quảng Bình giúp giám sát và quản lý hiệu quả dịch vụ hành chính công

IOC Quảng Bình được trang bị đầy đủ các hạng mục thiết bị quan trọng như hệ thống màn hình ghép, phần mềm lõi tích hợp các hệ thống thông tin… cho khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…

Còn nhiều thách thức

Có thể nói, trong thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực trong xây dựng môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch; một số tiêu chí, chỉ số như công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính; các chỉ số về chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN đào tạo lao động; thiết chế quản lý trong bộ Chỉ số PCI tăng hạng.

Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ số tăng hạng thì vẫn còn nhiều chỉ số giảm mạnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc xếp thứ hạng của các bộ chỉ số có sự biến động khá lớn qua các năm do rất nhiều nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan. Trong đó, có nguyên nhân do một số sở, ban, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa phát huy hết trách nhiệm và chưa thống nhất cao trong việc chỉ đạo, điều hành để hoàn thiện, nâng cao các chỉ số cơ bản; vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, DN...

Về Chỉ số PAR INDEX, với thang điểm đánh giá là 100 điểm, năm 2020, tỉnh Quảng Bình đạt 82,33 điểm, tăng 1,53 điểm so với năm 2019; xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố, giảm 14 bậc so với năm 2019.

Về Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2020, Quảng Bình đạt 78,88%, giảm 4,55% so với năm 2019; xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố, giảm 19 bậc so với năm 2019.

Về Chỉ số PAPI năm 2020, Quảng Bình đạt 44,7 điểm, giảm 1,15 điểm so với năm 2019; xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tụt 1 bậc so với năm 2019.

Về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2020, Quảng Bình đạt 62,3 điểm, giảm 1,41 điểm so với năm 2019; vẫn giữ nguyên thứ hạng 52/63 tỉnh, thành phố so với năm 2019.

Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI và PCI tỉnh Quảng Bình diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác phối hợp để giải quyết hồ sơ đồng bộ, kịp thời, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn; ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời rà soát, khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã đầu tư tránh lãng phí; thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị để kịp thời tiếp thu các ý kiến góp ý, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân; phấn đấu đưa chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đến hết năm 2021 đạt trên 80%; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành; kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cần nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên tuyền sâu rộng để người dân, DN hiểu rõ hơn về bản chất, tầm quan trọng và ý nghĩa của các bộ chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính lọt top 25 của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO