Kinh tế số

Quảng Ngãi xác định phát triển kinh tế số nông nghiệp là "chìa khóa" cho phát triển bền vững

TT 17/08/2024 08:19

Quảng Ngãi xác định chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số trong ngành nông nghiệp là "chìa khóa" cho phát triển bền vững ngành.

Đẩy mạnh CĐS, phát triển kinh tế số nông nghiệp

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên CĐS.

Ngày 21/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số (KTS) nông nghiệp, nông thôn.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở định hướng CĐS trong ngành nông nghiệp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ TT&TT, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng những định hướng, mục tiêu, kế hoạch từng bước chuẩn bị điều kiện và tạo động lực để Quảng Ngãi chủ động CĐS trong nông nghiệp, phát triển KTS nông nghiệp trong thời gian qua.

Quảng Ngãi xác định CĐS, phát triển KTS trong ngành nông nghiệp là "chìa khóa" cho phát triển bền vững ngành. Tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh CĐS, phát triển KTS nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển TMĐT, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển KTS và xã hội số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch từ SXNN sang KTS nông nghiệp; Triển khai các nền tảng số phục vụ nhu cầu của người nông dân; Triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt và người nông dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ SXNN, tiêu thụ nông sản.

Tỉnh đã triển khai nền tảng số kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp để thu thập dữ liệu theo hình thức đóng góp của cộng đồng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ phân tích, phát hiện sớm bệnh dịch cho cây trồng, vật nuôi; Triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của nông sản.

Tỉnh cũng tổ chức triển khai mô hình làng CĐS, xã CĐS, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển TMĐT với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; Tổ chức triển khai phổ cập kỹ năng số cho người nông dân theo hướng tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông cơ sở.

Qua hệ thống hội nông dân các cấp, tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân CĐS trong quá trình tổ chức SXNN và tham gia vào phát triển KTS, xã hội số; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người nông dân thông qua các nền tảng số, đào tạo trực tuyến, liên tục phát triển kỹ năng và tri thức số cho người nông dân, ưu tiên nhóm kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử…

Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng giải pháp phát triển kinh tế số tỉnh Quảng Ngãi” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tháng 5/2024, TS. Phạm Hoài Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại thì CĐS, phát triển KTS nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.

img_7365.jpg.jpg
Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng giải pháp phát triển kinh tế số tỉnh Quảng Ngãi”. (Ảnh: stttt.quangngai.gov.vn)

Không đứng ngoài xu thế chung, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định đẩy mạnh CĐS, phát triển KTS nông nghiệp trên cơ sở phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành nông nghiệp... nhằm đổi mới công tác quản lý, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến theo hướng thông minh, đáp ứng yêu cầu CĐS của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và thúc đẩy, phát triển KTS trong nông nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KTS nói chung KTS nông nghiệp nói riêng của tỉnh được ban hành.

“Có thể thấy, KTS nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển, đạt được những kết quả tích cực, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá”, TS. Phạm Hoài Nam chia sẻ.

Nhiều kết quả tích cực

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhờ sự điều hành đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, những kết quả đạt được về CĐS, phát triển KTS của ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã được ghi nhận, cụ thể:

Lĩnh vực trồng trọt: Thực hiện ứng dụng CĐS trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu…với diện tích gần 3.000 ha; triển khai thực hiện CSDL mã số vùng trồng của một số sản phẩm (dưa hấu, ớt, rau các loại, chuối…). Ngoài ra, đang triển khai thực hiện Hệ thống CSDL thông tin quản lý và theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Lĩnh vực chăn nuôi: Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên đia bàn tỉnh. Kết quả là sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh ước đạt 78%. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Hà Tân ở Tư Nghĩa; Trại Chăn nuôi heo Huỳnh Cường ở Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa…

Lĩnh vực lâm nghiệp: Công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng...

1.jpg
Phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái tại một cánh đồng ở xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi). (Ảnh: baoquangngai.vn)

Lĩnh vực thủy lợi: Công tác giám sát, quản lý công trình có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Tín hiệu được truyền về đơn vị quản lý điều hành và trang website do Tổng cục Thủy lợi quản lý. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành lắp đặt và quản lý vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động trên các sông và các hồ chứa nước. Hiện, tỉnh đang triển khai thực hiện hệ thống CSDL về đập, hồ chứa nước nhằm hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý vận hành công trình thủy lợi.

Lĩnh vực thủy sản: Từng bước ứng dụng CĐS trong nuôi trồng thủy sản như quy trình nuôi tôm ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi ghép các loài tôm - cua - cá; nuôi ghép ốc hương - hải sâm; nuôi ghép ốc hương - cá măng, cá dìa.

Một số mô hình điển hình đã triển khai thực hiện như: Thực hiện kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi toàn đực, công nghệ sản xuất ốc hương giống, công nghệ sản xuất lươn nhân tạo... Ứng dụng CĐS trong khai thác và bảo quản sản phẩm như: Ứng dụng vật liệu mới để đóng tàu vỏ thép và tàu vỏ composite, ứng dụng máy do ngang trong khai thác thủy sản, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác như máy tời thủy lực thu lưới vây, lưới rê...

Ngoài ra, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng. Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Rau sạch Mầm Việt...

Toàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, trong đó có 130 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ngãi www.quangngaitrade.gov.vn, 100% sản phẩm OCOP đều có mã QR code để quét thông tin sản phẩm…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi xác định phát triển kinh tế số nông nghiệp là "chìa khóa" cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO