RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam

PV| 21/01/2022 18:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Kiến trúc tập lệnh mở RISC-V cùng với các dự án nguồn mở để thực thi các trình biên dịch và các hệ thống phần cứng và phần mềm cho kiến trúc này đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu và các công ty công nghiệp thời gian gần đây.

Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái RISC-V tại Việt Nam

Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các vi xử lý, hệ thống trên chip sử dụng kiến trúc tập lệnh mở RISC-V tại Việt Nam, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hiệp hội RISC-V Nhật Bản đã tổ chức thành công Hội thảo RISC-V Việt Nam 2022 mới đây.

RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia công nghệ của các công ty công nghệ cao tại Việt Nam giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu phát triển trên thế giới về kiến trúc tập lệnh mở RISC-V, những thành tựu đã đạt được và triển vọng ứng dụng trong các lĩnh vực mạng Internet vạn vật (IoT), viễn thông, điện tử gia dụng, công nghiệp ô tô, thành phố thông minh, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)… cũng như chiến lược phát triển hệ sinh thái RISC-V tại Việt Nam.

Kiến trúc tập lệnh mở RISC-V (kiến trúc RISC thế hệ thứ 5) được xây dựng dựa trên kinh nghiệm nhiều năm thiết kế các hệ vi xử lý RISC của Đại học Berkeley, Hoa Kỳ.

Khác với các kiến trúc tập lệnh đóng của Intel và ARM, kiến trúc tập lệnh mở cho phép người dùng có thể chỉnh sửa theo bài toán ứng dụng và không phải trả phí bản quyền. Cộng đồng khoa học có thể đóng góp và mở rộng kiến trúc tập lệnh này với các tiến bộ mới trong ngành khoa học và kỹ thuật máy tính.

Các phần mở rộng của kiến trúc này được điều hành bởi RISC-V Foundation. Nhiều công ty đã công bố sử dụng các vi xử lý với kiến trúc tập lệnh mở RISC-V trong sản phẩm của họ như Renesas, Samsung, Nvidia v.v…

RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về nền tảng hệ thống trên chip dùng cho các ứng dụng IoT dựa trên vi xử lý RISC-V.

Hội thảo RISC-V Việt Nam 2022 bao gồm 12 báo cáo trình bày của các nhóm nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu và doanh nghiệp ở Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Các tác giả đã trình bày nhiều khía cạnh khác nhau trong hệ sinh thái RISC-V bao gồm các nền tảng phần cứng và phần mềm; các vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin ở mức phần cứng cho vi xử lý RISC-V; thực thi các hệ thống trên chip dùng chip vi xử lý RISC-V và thiết kế các khối tăng tốc cho hệ thống RISC-V.

Bà Calista Redmond thay mặt cho Hiệp hội RISC-V quốc tế đã trình bày về tầm quan trọng để sử dụng RISC-V cho Việt Nam trong tương lai. Bài trình bày đã tổng quát sự phát triển của các hệ thống sử dụng kiến trúc tập lệnh mở RISC-V trong những năm vừa qua và xu hướng phát triển trong các năm tiếp theo.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu của Việt Nam để làm chủ công nghệ thiết kế các vi điều khiển dùng kiến trúc tập lệnh mở RISC-V và phát triển các công nghệ mới dựa trên chúng như Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI).

RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Calista Redmond thay mặt cho Hiệp hội RISC-V quốc tế đã trình bày về tầm quan trọng để sử dụng RISC-V cho Việt Nam trong tương lai.

Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp hai bài trình bày về nền tảng hệ thống trên chip sử dụng vi điều khiển RISC-V công suất thấp cho các ứng dụng Internet vạn vật và thiết kế các hệ thống AI nhỏ gọn cho các thiết bị nhúng trên nền tảng RISC-V. Ứng dụng các vi xử lý dùng kiến trúc tập lệnh mở RISC-V cho các ứng dụng an toàn thông tin (ATTT), bảo mật phần cứng và phát triển các ứng dụng thông minh đang là hướng nghiên cứu được quan tâm tại Viện CNTT.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Việt Nam tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM và Đại học Điện tử - Truyền thông Tokyo (Nhật Bản) đã trình bày các công trình nghiên cứu về thực thi phần cứng cho hệ thống vi xử lý RISC-V và các kỹ thuật bảo vệ hệ vi xử lý RISC-V trước các dạng tấn công vật lý như tấn công kênh kề và tấn công bộ nhớ đệm. Việc này đã cho thấy nền tảng RISC-V đang thu hút được sự chú ý của các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu này cũng bắt đầu gặt hái được những thành quả nhất định.

RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 4.

Bài trình bày của các chuyên gia công nghệ đến từ SH Consulting Group.

Đến với Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Yên (Công ty CoAsia) cũng thay mặt Cộng đồng vi mạch Việt Nam có bài trình bày về sự phát triển của công nghiệp thiết kế vi mạch ở Việt Nam và các giải pháp thúc đẩy hoạt động cộng đồng nghề nghiệp.

RISC-V sẽ là kiến trúc được sử dụng rộng rãi trong các năm tới

Điểm nổi bật tại Hội thảo RISC-V Việt Nam 2022 là bài trình bày về kế hoạch phát triển các vi điều khiển RISC-V cho nhiều ứng dụng khác nhau của Renesas, Nhật Bản và bài trình bày về chiến lược phát các hệ thống dùng kiến trúc tập lệnh mở RISC-V tại Viện Nghiên cứu công nghệ Madras, Ấn độ. Rõ ràng, RISC-V sẽ là kiến trúc được sử dụng rộng rãi trong các năm tới cho các ứng dụng như Internet vạn vật, công nghiệp ô tô, AI, công nghệ 5G và nhiều lĩnh vực khác.

RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 5.

Phó Giám đốc Kimiharu Eto giới thiệu về các công nghệ liên quan RISC-V đang được triển khai tại Tập đoàn Renesas Electronics.

Hội thảo RISC-V Việt Nam 2022 đã kết thúc với bài trình bày về tình hình phát triển và tiềm năng trong tương lai của các hệ thống RISC-V của ông Shumpei Kawasaki, Hiệp hội RISC-V Nhật Bản.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm nội dung với video và tài liệu các bài trình bày tại hội thảo tại https://riscv.or.jp/en/risc-v-day-vietnam-2022/

Bài liên quan
  • Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
RISC-V và triển vọng ứng dụng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO