Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với phòng lab Viettel

Lan Phương| 19/09/2020 17:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Viettel Lab là một mạng 4G LTE hoàn chỉnh cho phép cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản của mạng viễn thông di động thế hệ thứ 4.

Ngày 19/9/2020, tại Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trao tặng phòng Lab mạng di động thế hệ thứ 4 dành cho sinh viên.

Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với  phòng lab Viettel - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Học viện Vũ Văn San, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cắt băng khánh thành phòng Lab

Đây là phòng thí nghiệm mạng 4G LTE hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trang bị cho một trường đại học để nghiên cứu. Các thiết bị trang bị tại phòng lab hoàn toàn do người Viettel nghiên cứu, phát triển và làm chủ. Tổng giá trị đầu tư phòng lab là 8,5 tỷ đồng.

Phòng lab này là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với kỳ vọng sẽ hoàn chỉnh công tác nghiên cứu và giảng dạy nhằm xóa bỏ khoảng cách đã tồn tại từ lâu: đó là khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; khoảng cách giữa học và hành; khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp; khoảng cách giữa người vừa ra trường và người đang vận hành, khai thác mạng lưới.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sự kiện đánh dấu Việt Nam làm chủ hoàn toàn các công nghệ thiết bị mạng viễn thông, từ phần vô tuyến, phần lõi đến các hệ thống hỗ trợ. Đây là mơ ước của rất nhiều thế hệ cán bộ trong Ngành khi giờ đây Việt Nam có thể sản xuất tất cả các cấu phần mạng như BTS, tổng đài, hệ thống tính cước và làm chủ các công nghệ mới như IMS - tức gọi di động trên mạng 4G, chất lượng cao, nhanh hơn nhiều so với mạng 3G.

Cũng theo Bộ trưởng, sự kiện cũng đánh dấu một ước mơ thứ hai trở thành hiện thực, đó là có thiết bị để sinh viên thực hành. Với phòng lab này, sinh viên năm thứ 4 đã có thể cấu hình, lập nên một mạng di động. Đây là việc từ trước tới nay chưa có. Ngay cả tại các nhà mạng, số các kỹ sư được tham gia vào thiết lập, cấu hình mạng viễn thông cũng chỉ khoảng 5 – 6%, khoảng 95% kỹ sư còn lại tham gia vào việc khai thác, bảo dưỡng mạng, do đó khi thiết lập một mạng viễn thông thì không có kỹ sư mới ra trường nào có thể tham gia thiết lập mạng.

"Việc được thực tập là mơ ước của các sinh viên khi chuẩn bị tốt nghiệp. Không có phòng lab thì các em không thể tiếp cận được cả mạng lưới viễn thông, hay nhỏ hơn là trạm thu phát BTS", Bộ trưởng cho biết.

Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với  phòng lab Viettel - Ảnh 2.

Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với  phòng lab Viettel - Ảnh 3.

Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với  phòng lab Viettel - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm thăm và nói chuyện với các sinh viên PTIT tại phòng Lab

Thực hiện tầm nhìn của Bộ TT&TT về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Là Tập đoàn công nghệ, công nghiệp lớn của Việt Nam, Viettel xác định trách nhiệm của mình vừa nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ, vừa phát triển nên tảng và ứng dụng công nghệ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng nhân sự công nghệ cao cho đất nước".

Viettel cam kết sẽ liên tục cập nhật những phiên bản mới nhất để thày và trò Học viện công nghệ BCVT sẽ được học tập và nghiên cứu song hành cùng với các bước tiến về công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới. Viettel cũng sẽ cùng tham gia xây dựng giáo trình, bài giảng và tổ chức đào tạo cho sinh viên của Học viện.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT, PGS. TS. Vũ Văn San nhấn mạnh: Đây là quà tặng ý nghĩa đối với thầy và trò Học viện, không chỉ là minh chứng sinh động và rõ nét cho sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa Tập đoàn Viettel và Học viện mà còn thể hiện sự quan tâm đầy đủ, trọn vẹn của Bộ trưởng đối với thầy và trò Học viện, góp phần to lớn trong nâng cao hiệu quả học tập và tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên".

Các tính năng của phòng Lab 4G Viettel gồm: Mô phỏng cuộc gọi End-to-End; Mô phỏng truy cập website và lưu lượng di động; Tính cước dịch vụ thoại, data; Thực hiện thủ tục Handover; Hỗ trợ các giao diện mạng LTE: S1, S6a, S5/S8, S10, Gx, Gy…

Các hệ thống chính tại Phòng Lab có:

eNodeB (E-UTRAN Node B) là một thành phần trong mạng truy cập E-UTRA thuộc thế hệ mạng thứ 4 (được gọi là mạng 4G hay LTE) chịu trách nhiệm thu phát sóng vô tuyến tới/từ các thiết bị di động người dùng (UE) và kết nối trao đổi dữ liệu với các thiết bị trong mạng lõi EPC.

EPC (Evolved Packet Core) là hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói cung cấp dịch vụ (cả thoại và dữ liệu) trên nền tảng mạng di động 4G LTE (Long Term Evolution).

IMS (IP Multimedia Subsystem) là hệ thống cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện trên nền mạng IP.

Hệ thống tính cước thời gian thực OCS (Online Charging System) là thành phần lõi của mạng viễn thông. Hệ thống có chức năng quản lý thông tin thuê bao (di động, cố định,...) và tài khoản tiêu dùng của nhà mạng. Hệ thống phiên bản 3.0 này là hệ thống tính cước hội tụ, có khả năng cung cấp các gói cước đa dịch vụ, đáp ứng 20 triệu thuê bao trên một cluster và mở rộng đến 200 triệu.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên PTIT chạm ước mơ thiết lập mạng 4G với phòng lab Viettel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO