Sáng nay, 2/7, tại Hà Nội, Học viện Tài chính (Viện kinh tế - Tài chính) tổ chức Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020". Đây là hoạt đông thường niên, có ý nghĩa quan trọng góp phần dự báo, đề xuất, phân tích những yếu tố cơ bản, nguyên nhân tạo nên bức tranh toàn cảnh, sâu sắc về thị trường, giá cả Việt Nam thời gian qua và đến cuối năm nay.
Vượt qua khó khăn, Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định nền kinh tế
PGS. TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng to lớn đó, tuy nhiên, đáng mừng, Việt Nam đã giảm thiểu những thiệt hại, tác động khó khăn ở mức thấp có thể và vượt qua những khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế".
Cũng theo PGS. TS Việt, làm được điều đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ luôn sát sao, kịp thời ban hành những Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng, huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, cấp triển khai thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ… Những chỉ đạo kịp thời này góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực, ổn định kinh tế đất nước.
Dẫn chứng cho những kết quả tăng trưởng, ổn định kinh tế Việt Nam qua 6 tháng đầu năm 2020, PGS.TS Việt cho biết: GDP Việt Nam ước đạt 1,81% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng là điểm sáng trong tình trạng âm của rất nhiều quốc gia trên thế giới. CPI bình quân tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019 (mức tăng bình quân 6 tháng cao nhất trong 6 năm 2015 - 2020)…
Đồng quan điểm với những đánh giá, nhận định của PGS.TS Việt, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện kinh tế - Tài chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới mọi lĩnh vực KT-XH, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống, dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế đảm bảo tính mạng và sức khỏe nhân dân.
"Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm của rất nhiều quốc gia trên thế giới".
"Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP. Với mức tăng này, đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…", PGS.TS Nguyễn Bá Minh đánh giá.
Bên cạnh những phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình chung của thế giới… PGS.TS Minh cho rằng với các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng ở mức 3,5 - 4,0%.
Thị trường, giá cả Việt Nam qua 6 tháng hạn chế được lạm phát "kỳ vọng"
Qua 6 tháng, mặt bằng giá cả thị trường đã trải qua những diễn biến tăng, giảm đan xen, chịu sự ảnh hưởng lớn chủ yếu từ các yếu tố cung - cầu thay đổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Từ đầu tháng 1, mặt bằng giá tăng cao do quy luật lễ, tết, sau đó chuyển hướng giảm các tháng tiếp theo, nhất vào lúc đại dịch và giờ đã hồi phục mức bình thường trở lại.
Theo đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, các yếu tố tăng áp lực lên 4 nhóm mặt hàng gồm: xăng dầu, thịt lợn, gạo, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng (chủ yếu biến động diễn ra giữa tháng 5). Tuy nhiên, mặt bằng giá 6 tháng đầu năm có khuynh hướng giảm như giá thuê nhà, giá điện (quý II)… tất cả là do các bộ, ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, chính sách về tài khóa, tiền tệ được triển khai đồng bộ, toàn diện đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả thị trường.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đồng tình, ghi nhận sự ổn định trong quản lý vĩ mô về giá, thị trường, các mặt hàng. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng giá một số các mặt hàng còn cao, đơn cử như giá thịt lợn hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Văn Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội cho rằng: "Giá lợn hơi như "con ngựa bất kham" liên tục tăng đến đỉnh điểm 100.000 đ/kg- 105.000 đ/kg và giá bán lẻ tại chợ khoảng 250.000 đ/kg với loại thịt ngon nhất. Một số siêu thị giá còn cao hơn 30% - 40%, đẩy giá thịt lợn lên 300.000 đ/kg – 350.000 đ/kg. Đây mức giá cao nhất, nhì thế giới mà người tiêu dùng đang chịu".
Trên quan điểm cá nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng: Bài học về giá thịt lợn trong 6 tháng vừa qua cho thấy vai trò trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chăn nuôi, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nội địa là vô cùng sâu sắc và thấm thía cho những năm kế hoạch tiếp theo.
"Nhà nước cần bảo vệ thị trường và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Cần xử lý nghiêm các vi phạm cá nhân, tổ chức, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định nhiệm vụ của mình qua việc cạnh tranh và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài bình đằng, công bằng, minh bạch…", chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến khác được các chuyên gia kinh tế trình bày, nhưng tựu chung quan điểm với sức cầu thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn như hiện nay, để giảm giá thịt lợn luôn cần sự chung tay vào cuộc các ngành, cấp, cần các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng đàn, tăng liên kết cung ứng giữa các địa phương, tiết giảm chi phí kinh doanh và đa dạng các nguồn thịt nhập khẩu, kiểm soát độc quyền và thổi giá khâu trung gian trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu dùng…
Quản lý tốt về giá, thị trường sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa Việt Nam phát triển hiệu quả, mạnh mẽ, phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi cho người dân ngày một tốt hơn.
Những đề xuất, kiến nghị giúp giảm lạm phát mức dưới 4% đến cuối năm 2020
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, để thực hiện tốt việc kiểm soát lạm phát đạt dưới 4% mục tiêu mà Quốc hội đề ra đến cuối năm tuy không phải là việc dễ dàng, nhưng chúng ta luôn có cơ sở để hoàn thành mục tiêu trên.
Theo đó, ông kiến nghị, cần làm tốt công tác quản lý, bình ổn giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến, chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời. Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng tưởng, tránh tạo lạm phát kỳ vọng hay tạo ra "độ trễ" của lạm phát trong những năm tiếp theo. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung – cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính.
"Cần tăng cường công tác quả lý thu ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước, tập trung xử lý các dự án thua lỗ…" - PGS.TS Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ý kiến nhằm giải lạm phát, PGS.TS Đinh Trọng Trịnh, Học viện Tài chính cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, ổn định mặt bằng giá cả; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thực hiện kết nối các thông tin giữa các cơ quan quản lý giá của các bộ, ngành, địa phương…
Trên quan điểm để duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý (trên 5%), chuyên gia kinh tế, ThS Dương Hoàng Lan Chi, Ban Chính sách Tài chính DN - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng: Chính phủ cần có các chính sách mang tính thị trường nhằm giảm giá bán lẻ thịt lợn, khuyến khích tái đàn và gia tăng đàn lợn, cần có biện pháp chống việc đầu cơ, tích trữ, thổi giá trong khâu lưu thông. Về giá xăng dầu, cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo giá thế giới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách kích thích, phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định tốt hơn nữa đời sống người dân…
Mặc dù, diễn ra trong thời gian ngắn, vẻn vẹn một buổi sáng, hội thảo khép lại, nhưng dư âm để lại là những ý kiến, quan điểm, đề xuất của các chuyên gia kinh tế đầu ngành thật đáng trân trọng, bổ ích. Chúng ta có đủ tiềm lực, sức mạnh nội lực, chúng ta tự tin vì luôn có những những tâm huyết, tinh hoa kết tinh đó.
Tuy nhiên, muốn điều đó trở thành sức mạnh, chúng ta phải hành động, bởi chỉ có hành động, chúng ta mới thực sự góp vào sự nghiệp phát triển, dựng xây kinh tế đất nước ngày một lớn mạnh.