Số lượng ứng dụng, nền tảng số "nội" tăng, phát triển

Đỗ Minh| 25/10/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Tỷ trọng về tổng thời lượng người dùng dành cho các ứng dụng, nền tảng số Việt Nam trong tháng 9/2022 so với tổng thời lượng chung của thị trường là 14,13%, tăng nhẹ so với tháng 8/2022 …

Bộ TT&T đã có tổng hợp, thống kê khách quan, tự động về xu hướng, mức độ sử dụng của người dân đối với công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) của các bộ, ngành, địa phương nói chung và đối với việc sử dụng các nền tảng số tại Việt Nam trong tháng 9/2022.

Số lượng ứng dụng, nền tảng số "nội" tăng, phát triển

Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của các ứng dụng, nền tảng số trên thị trường Việt tương đối ổn định so với tháng 8/2022 với sự sụt giảm số lượng người dùng là không đáng kể (chỉ vào khoảng 0,36%).

Tuy nhiên, số lượng người dùng các ứng dụng, nền tảng số "nội" có sự gia tăng mạnh với số lượng người dùng cao nhất từ đầu năm trở lại đây, tăng 17,59% so với tháng trước (tập trung ở các ứng dụng trò chơi trực tuyến và thanh toán số).

Cùng với đó, mặc dù tổng thời lượng sử dụng các ứng dụng, nền tảng số trên thiết bị di động giảm khoảng 7% so với tháng trước, tuy nhiên, thời lượng dành cho các ứng dụng, nền tảng Việt Nam lại đang tăng ở mức 5%, từ 9,13 giờ/thuê bao/tháng lên mức 9,56 giờ/thuê bao/tháng (tăng khoảng 40 phút/thuê bao).

Nhờ vậy, tỷ trọng về tổng thời lượng người dùng dành cho các ứng dụng, nền tảng số Việt Nam so với tổng thời lượng chung của thị trường là 14,13%, tăng nhẹ so với tháng 8/2022.

Số lượng ứng dụng, nền tảng số

Hiện nay, Zalo có hơn 75 triệu người dùng hằng tháng (tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước và 1% so với thời điểm đầu năm) (Ảnh: Internet)

Theo Bộ TT&TT, hiện nay, mặc dù số lượng lượt tải mới nói chung từ 02 kho ứng dụng lớn hiện nay là Google Play và Apple Store đang giảm nhẹ (ước tính khoảng 2% so với tháng trước), nhưng đáng mừng là số lượng ứng dụng, nền tảng số do các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân trong nước tăng, phát triển (ghi nhận sự tăng mạnh, tăng 34% so với tháng 8/2022).

Nhân nói về các nền tảng số lớn tại Việt Nam hiện nay, Zalo có lượng người dùng với hơn 75 triệu người dùng hằng tháng (tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước và 1% so với thời điểm đầu năm), Facebook với hơn 65,7 triệu người (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước) và Shopee với gần 44,5 triệu người (tăng 25,69% so với cùng kỳ năm trước)…

Điển hình trong top 50 ứng dụng do cơ quan nhà nước đặt hàng phát triển và vận hành, ứng dụng bảo hiểm xã hội VssID là ứng dụng duy nhất có số lượng tăng trưởng lượt tải mới trên thiết bị di động cao nhất (xếp thứ 28 về sự gia tăng số lượng lượt tải mới) với hơn 320 nghìn số lượt tải mới trên thiết bị di động so với tháng trước.

Ứng dụng, nền tảng xã hội số giúp kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân

Bên cạnh việc thống kê về con số đạt được đối với các ứng dụng, nền tảng số "nội", Bộ TT&TT cũng chỉ rõ những kết quả trong công tác, nhiệm vụ việc thực hiện CĐS tại các địa phương, điển hình là: Thái Nguyên, Long An, Vĩnh Phúc… đã chính thức sử dụng ứng dụng, nền tảng xã hội số ID trên nền tảng di động, tích hợp nhiều chức năng kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung, nhận diện người dùng bằng trí tuệ nhân tạo...

Các địa phương cần phối hợp với các DN viễn thông tăng cường phủ sóng vùng

Ứng dụng, nền tảng số đang ngày càng có những đóng góp thiết thực trong mọi phương diện cuộc sống của người dân và hoạt động DN. (Ảnh: Tạp chí Kinh doanh & Phát triển)

Các ứng dụng, nền tảng xã hội số ID của các đại phương đã trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến, đăng tin và tìm nhà cho thuê nhanh chóng, theo dõi việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cập nhật tin tức đời sống - xã hội, trong đó có các tin tức y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19, mua bán, rao vặt và nhận các ưu đãi mới nhất.

Đặc biệt, người dùng có thể cài đặt ứng dụng Thái Nguyên ID, Long An ID và Vĩnh Phúc ID từ hai kho ứng dụng Apple Store và Google Play.

Được biết, các nền tảng xã hội số Vĩnh Phúc ID chính thức ra mắt và được đưa vào ứng dụng từ ngày 04/10/2022, sau 01 tuần triển khai tính đến tháng 10/10/2022, ứng dụng Vĩnh Phúc ID đạt trên 1,5 nghìn lượt tải về, tương đương khoảng 0,1% số lượng dân số (1.191.782 người), 0,2% số lượng dân số trong độ tuổi lao động (634.474 người) của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021. 

 Đối với nền tảng xã hội số Long An ID chính thức ra mắt và được đưa vào ứng dụng từ ngày 08/6/2022, sau 04 tháng triển khai tính đến tháng 9/2022, ứng dụng Long An ID đạt khoảng 50.000 lượt tải về, tương đương khoảng 3% số lượng dân số (1.725.752 người), 4% số lượng dân số trong độ tuổi lao động (1.225.974 người) của tỉnh Long An năm 2021

Nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID chính thức ra mắt và được đưa vào ứng dụng từ ngày 01/12/2021, sau chưa đến 01 năm triển khai tính đến tháng 9/2022, ứng dụng Thái Nguyên ID đạt trên 517.000 lượt tải về, tương đương khoảng 39% số lượng dân số (1.323.150 người), 86% số lượng dân số trong độ tuổi lao động (599.037 người) của tỉnh Thái Nguyên năm 2021.

Cũng theo Bộ TT&TT, các nền tảng xã hội số hỗ đã trợ tích cực vào việc định danh người dân trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa, đồng thời là "cánh tay nối dài" giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, từ đó kịp thời nắm bắt các vấn đề xã hội và nhu cầu an sinh trên địa bàn các tỉnh. Ứng dụng đang ngày càng có những đóng góp thiết thực trong mọi phương diện cuộc sống của người dân và hoạt động DN.

Tăng cường việc thúc đẩy, xây dựng thói quen tiêu dùng số, văn hóa số

Để tăng cường hiệu quả, chất lượng các ứng dụng, nền tảng số "nội" hiện nay, theo Bộ TT&TT, đây là một vấn đề quan trọng, cấp thiết cần sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, DN, người dân.

Mặc dù, chúng ta vẫn còn những thách thức lớn về vấn đề: Chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng; vấn đề về an ninh quốc gia khi các ứng dụng y tế, sức khỏe của một số DN nước ngoài đang theo dõi một số lượng lớn người dân Việt Nam; đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, chống thất thu thuế giữa nền tảng trong nước và nước ngoài…

Hiểu rõ khó khăn, phân tích khó khăn để xây dựng, tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm thực tế. Và chính vì điều này, Bộ TT&TT đưa ra đề xuất, kiến nghị:

Đối với các bộ, ngành cần quyết liệt xây dựng thể chế số của các ngành, lĩnh vực, chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các nền tảng số quốc gia; đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách cho việc thuê dịch vụ nền tảng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu CĐS của các ngành, lĩnh vực được giao phụ trách…

Đối với các địa phương ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; lựa chọn các nền tảng số quốc gia, các nền tảng số phục vụ người dân để ưu tiên thúc đẩy trên địa bàn tỉnh, thành phố (sử dụng lực lượng Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân sử dụng); ưu tiên thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ số chuyên ngành và hạ tầng chuyển phát, logistics tại các khu vực nông thôn qua đó thúc đẩy người dân ở nông thôn hình thành thói quen tiêu dùng số và xây dựng văn hóa số.

"Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp với các DN viễn thông tăng cường phủ sóng vùng "lõm", triển khai cáp quang đến hộ gia đình và hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ gia đình chưa có, đảm bảo mỗi hộ có tối thiểu một thiết bị thông minh", Bộ TT&TT nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Số lượng ứng dụng, nền tảng số "nội" tăng, phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO