Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4. Hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) của đất nước đang sử dụng mọi nguồn lực có thể để trợ giúp và CSSK toàn dân. Một loạt các nền tảng sức khỏe từ xa (telehealth) đã và đang nỗ lực cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, cho phép bệnh nhân tham khảo ý kiến bác sĩ, đã được xem là một trong những biện pháp giúp Việt Nam thành công trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19 vào thời điểm năm ngoái.
Triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dân
Công ty khởi nghiệp Docosan có trụ sở tại TP.HCM là nền tảng cho phép bệnh nhân tìm kiếm bác sĩ và đặt lịch hẹn trên nền tảng trực tuyến. Là một trong những công ty khởi nghiệp về sức khỏe từ xa của Việt Nam, Docosan đang tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nỗ lực giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống CSSK truyền thống vốn đang căng mình chống dịch. Theo đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Docosan - bà Beth Ann Lopez, startup này cung cấp dịch vụ trợ giúp y tế từ xa miễn phí cho người dân.
Bà Lopez cho biết thêm, số lượng các cuộc hẹn tư vấn từ xa được đặt trên Docosan trong tháng 7 đã tăng gấp đôi so với tháng trước. "Nhu cầu về telehealth là rất lớn và chúng tôi đã quyết định triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến vào tháng 6 để đáp ứng cho nhu cầu của người dân khi nhiều phòng khám phải đóng cửa. Bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc trong thời gian các phòng khám ngừng hoạt động, trong khi các bác sĩ cũng cần có thu nhập sau khi các phòng khám hoặc bệnh viện của họ bị đóng cửa do Covid-19".
Vẫn theo theo Lopez, gần đây Docosan đã chứng kiến sự gia tăng lớn về nhu cầu xét nghiệm Covid-19, tổng cộng đã có hơn 2.000 đăng ký xét nghiệm kể từ khi startup này được thành lập vì người dân cần chứng nhận âm tính để đi làm.
Lopez thành lập công ty khởi nghiệp Docosan vào tháng 1/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu lây lan tại Việt Nam. Docosan hiện đã có được tổng cộng 141 nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa, bao gồm các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa khác nhau và các phòng thí nghiệm kiểm tra Covid-19, với hơn 100.000 người dùng trên trang web và ứng dụng của Docosan.
Theo Docosan, nền tảng của công ty đã giúp người bệnh tìm kiếm và đặt hẹn khám với bác sĩ dễ dàng trong vòng 1 phút, giảm đến 90% thời gian chờ đợi so với quy trình truyền thống, đồng thời tăng thời gian khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Vào thời điểm tháng 4/2021 vừa qua, Docosan đã huy động được hơn 1 triệu USD, trở thành startup trong lĩnh vực công nghệ đạt kỷ lục về giá trị gọi vốn vòng Hạt giống (Seed round) tại Việt Nam.
Đại dịch thúc đẩy các giải pháp sức khoẻ trực tuyến tại Việt Nam
Giống như Docosan, Med247 là một công ty khởi nghiệp khác tại Việt Nam. Startup này được thành lập để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về CSSK trực tuyến tại Việt Nam. Công ty khởi nghiệp này đang điều hành chuỗi phòng khám gia đình của riêng mình và ra mắt dịch vụ CSSK từ xa vào tháng 12/2019. Trong bối cảnh đại dịch, Med247 đã cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu kể từ khi làn sóng thứ 2 bắt đầu khởi phát vào tháng 7 năm ngoái.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Giám đốc phát triển hệ thống phòng khám đa khoa y tế số hóa Med247 cho biết: "Chúng tôi không đóng cửa các phòng khám của mình trong thời gian đại dịch. Chúng tôi sử dụng bài kiểm tra sàng lọc nghiêm ngặt cho các bệnh nhân đến đây. Hiện tại, có hơn 30 bác sĩ đang hoạt động trên nền tảng của chúng tôi, trong khi chúng tôi đang xử lý khoảng 400 cuộc tư vấn mỗi ngày".
Med247 - có trụ sở tại Hà Nội là một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ y tế từ phòng khám truyền thống đến trực tuyến đã nhận được tài trợ hạt giống từ Quỹ KK của Singapore vào tháng 8/2019.
Với tổng số 38.000 người dùng đang hoạt động trên nền tảng của công ty, Med247 đã ghi nhận mức tăng từ 30% - 35% hàng tháng về khối lượng kinh doanh kể từ tháng 1/2020. Mặc dù sự tăng trưởng của Med247 là điển hình cho sự chuyển dịch kỹ thuật số thành công của các nhà cung cấp dịch vụ CSSK truyền thống tại Việt Nam, nhưng dịch vụ kỹ thuật số hiện chỉ chiếm 30% doanh thu chính của công ty.
Nói về những thách thức mà các nhà cung cấp dịch vụ CSSK trực tuyến tại Việt Nam phải đối mặt và đại dịch khiến cho việc CSSK trực tuyến đang phát triển, bà Lopez của Docosan cho biết: "Các bác sĩ thường tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, họ không muốn chịu gánh nặng về việc phải học cách sử dụng công nghệ mới. Việc các phòng khám và một số bệnh viện phải đóng cửa tạm thời do Covid-19 đã thúc đẩy ngành công nghiệp sức khoẻ áp dụng các giải pháp mới. Sự thay đổi này đã giúp chúng tôi phát triển nhanh chóng. Thu nhập tăng và nhân khẩu học già hóa cũng góp phần làm tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Việt Nam".
Góp thêm vào ý kiến nói trên, bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách và người dân đã bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của telehealth".
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều công công ty khởi nghiệp trong ngành sức khoẻ khác cũng đã tích cực cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK trực tuyến ở Việt Nam, ví dụ như nhà thuốc trực tuyến Thuocsi.vn, nơi đã chứng kiến lượng đặt hàng hàng tháng tăng từ 3.500 lên 26.000 vào năm ngoái. Đây là sàn giao dịch thương mại điện tử được thành lập vào năm 2018 để các thành viên tham gia mua bán sỉ các sản phẩm dược phẩm, vật tư y tế, mỹ phẩm và các sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thành viên tham gia Thuocsi.vn là các công ty, tổ chức, nhà thuốc, quầy thuốc, phòng khám được cấp quyền phân phối dược phẩm, vật tư y tế và các sản phẩm khác. Một trong những sứ mệnh của nhà thuốc này là ứng dụng công nghệ tối đa để cho ra mô hình giải quyết các vấn đề y tế một cách nhanh chóng hiệu quả và chất lượng cao.
Những nền tảng telehealth khác tại Việt Nam bao gồm Jio Health, eDoctor và Doctor Anywhere... cũng đang tham gia tích cực vào việc hỗ trợ tư vấn sức khoẻ cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Theo TS. Y sinh Huỳnh Phước Thọ, Giám đốc điều hành của eDoctor: "Chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe từ xa, đưa dịch vụ y tế đến tận nhà người dùng thông qua smartphone. Giúp người dùng tiết kiệm thời gian, không cần chờ đợi tại bệnh viện, và nhận kết quả xét nghiệm online ngay trên ứng dụng di động"./.