Sử dụng AI rộng rãi sẽ khiến cho nhân viên cô đơn, lo lắng
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Harvard Business Review (HBR), cảm giác phấn khích ban đầu khi phải làm ít công việc hơn sẽ sớm nhường chỗ cho nỗi sợ mất việc.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí HBR, nhân viên phải chịu đựng nỗi buồn sâu sắc và sự cô lập ngay sau khi các nhiệm vụ thường ngày của họ được tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nghiên cứu cho biết: "Tương tác với AI giúp họ làm việc hiệu quả hơn và có khả năng làm nhiều việc hơn, nhưng đồng thời cũng khiến cho họ cảm thấy cô đơn, dẫn đến việc nhân viên có nhiều khả năng tìm đến rượu và bị mất ngủ", đồng thời nghiên cứu cũng nói thêm rằng, đây là "dấu hiệu đáng lo ngại và cảnh báo về sự bất ổn và bệnh tật trong xã hội mà nghiên cứu cho thấy có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, tâm trạng, chức năng nhận thức, hành vi và sức khỏe nói chung".
Kết quả của nghiên cứu nhấn mạnh đến việc các tổ chức cần tập trung vào người dùng công nghệ, khiến họ cảm thấy được coi trọng và quan trọng. Điều đó có nghĩa là phải hình dung lại cách lực lượng lao động làm việc, bao gồm cả việc có thể đào tạo lại nhiều người trong số họ.
“Nhiều tổ chức đã mất đi tầm nhìn về tài sản quan trọng nhất của họ - con người, những người có công việc đang bị phân mảnh thành các nhiệm vụ ngày càng được tự động hóa. Theo quan điểm lấy con người làm trung tâm, đây có thể là một xu hướng đáng lo ngại, vì việc tập trung chủ yếu vào công nghệ có thể mang lại những chi phí không mong muốn cho con người như làm giảm sự hài lòng trong công việc, động lực và sức khỏe tinh thần”, HBR cho biết. “Nếu bạn muốn các dự án áp dụng AI thành công và khả thi, trước tiên cần tập trung vào con người, và quan tâm đến AI sau”.
Nghiên cứu lưu ý rằng, ở một mức độ hạn chế, phản ứng này đối với AI là "đáng ngạc nhiên" vì doanh nghiệp (DN) trong những năm gần đây tập trung vào phúc lợi của người lao động.
“Các tổ chức hiện đại ngày càng nhạy cảm với sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, và họ đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy cả tính toàn diện và kết nối xã hội. Đây là hoạt động kinh doanh tốt: Nghiên cứu cho thấy, khi mọi người cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với người khác tại nơi làm việc, họ sẽ coi lợi ích của tổ chức là quan trọng hơn so với lợi ích của chính họ”, các tác giả của nghiên cứu viết.
“Thật vậy, các nghiên cứu như vậy luôn cho thấy rằng những nhân viên cảm thấy được kết nối về mặt xã hội và được thỏa mãn về mặt cảm xúc tại nơi làm việc sẽ gắn bó, năng suất và tận tụy hơn với tổ chức của họ. Họ có nhiều khả năng hợp tác, đổi mới và vượt lên trên cả vai trò của mình. Ngược lại, những nhân viên cảm thấy bị cô lập và mất kết nối dễ bị kiệt sức, vắng mặt và nghỉ việc hơn”.
Làm việc với AI dẫn đến sự cô lập về mặt xã hội
Nghiên cứu đã ghi nhận nhiều yếu tố liên quan đến việc triển khai AI sẽ gây ra một số vấn đề về tinh thần của nhân viên, bao gồm cả việc giảm tương tác với đồng nghiệp.
“Nhân viên càng cộng tác với AI - vì AI giúp họ hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn bao giờ hết - thì họ càng cảm thấy bị tước đoạt về mặt xã hội khi công việc chiếm hết cả ngày của họ. Tình trạng không được kết nối với con người trong ngày làm việc đã đánh thức mong muốn mạnh mẽ của con người là kết nối với những người khác tại nơi làm việc. Vì vậy, trong khi tương tác của họ với AI khiến nhân viên ít kết nối về mặt xã hội với đồng nghiệp hơn, thì tình huống này đã khiến họ hành động để kết nối lại. Tuy nhiên, bất chấp những hành động ấy, những nhân viên này vẫn thông tin rằng họ cảm thấy bị cô lập và lạc lõng về mặt xã hội.”
Nghiên cứu của HBR đề xuất rằng các DN nên theo dõi sức khỏe của nhân viên, thiết kế lại quy trình làm việc và nhấn mạnh các chiến thuật sử dụng AI để giúp nhân viên tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược hơn - rõ ràng là những công việc mà AI không thể thực hiện được.
Làm giàu công việc, không phải cổ đông
“Thay vì chỉ đơn giản là xếp lớp AI lên trên các quy trình hiện có, các tổ chức phải thiết kế lại quy trình làm việc xung quanh các thế mạnh độc đáo của cả con người và máy móc. Họ cần tạo cơ hội cho nhân viên cộng tác với AI theo cách nâng cao tính tự chủ, cảm giác kiểm soát và làm chủ của họ, cũng như cảm giác rằng công việc mang lại ý nghĩa cho họ”, nghiên cứu cho biết.
“Thay vì chỉ xem AI như một phương tiện để tự động hóa và tối ưu hóa, họ phải xem AI như một công cụ để nâng cao trải nghiệm của con người tại nơi làm việc. Điều này có ý nghĩa gì đối với các tổ chức? Cụ thể là mục tiêu triển khai các hệ thống AI phải là làm phong phú thêm công việc của nhân viên. Hiệu quả mà các hệ thống này tạo ra là cơ hội hỗ trợ cho các nhu cầu xã hội và cảm xúc của nhân viên.
Ví dụ, AI có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn, đồng thời, các nhà lãnh đạo phải tạo ra không gian và thời gian dành riêng để nhân viên có thể giao tiếp trực tiếp. Điều này có thể có nghĩa là dành thời gian cho các hoạt động xây dựng nhóm, sự kiện xã hội hoặc thậm chí chỉ là những cuộc trò chuyện cà phê bình thường. Mục tiêu là thúc đẩy một nền tảng văn hóa mà tương tác xã hội được coi trọng và khuyến khích, không bị coi là sự sao nhãng khỏi "công việc thực tế"".
Nhưng nghiên cứu không đề cập đến những gì mà một số người có thể mô tả là yếu tố tinh thần rõ ràng nhất liên quan đến việc ứng dụng AI: Đó là nhân viên sẽ lo lắng về việc mất việc vào tay AI, cũng như lo lắng về việc đồng nghiệp của mình bị sa thải.
Chuyên gia tư vấn Vijay Pendakur, cựu giám đốc nhân sự tại Salesforce, Dropbox và Zynga, cho rằng nghiên cứu này phần lớn là chính xác.
“Các DN sẽ tìm kiếm AI để giúp họ tăng hiệu quả và giảm chi phí. Giải pháp ở đây là sử dụng AI để tăng cường kết nối giữa con người. Lực lượng lao động bị ngắt kết nối và cô đơn, vì vậy các giám đốc CNTT (CIO) cần thực sự cân nhắc việc xem nên làm gì với thời gian dư thừa của con người do việc triển khai AI”, Pendakur cho biết.
“Hãy cân nhắc việc tập hợp các nhóm lại với nhau để 'hack-a-thon' về những thách thức công nghệ chính mà DN phải đối mặt hoặc các cuộc chạy nước rút tư duy thiết kế để đưa ra ý tưởng về các sáng kiến có khả năng thúc đẩy thị trường. Những hoạt động này phục vụ cho mục đích kép: Chúng có cơ hội đưa giá trị thực sự đến với DN, nhưng chúng cũng tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân viên, giúp tăng cường sự gắn kết và khả năng phục hồi tại nơi làm việc”.