Sự lên ngôi của “đám mây”

Minh Khôi| 26/10/2021 10:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhà băng ngày càng quan tâm nhiều hơn việc ứng dụng và triển khai công nghệ điện toán đám mây.

Kỷ nguyên thông tin

Ngân hàng số trở thành hiện thực nhờ khai thác hàng loạt các công nghệ tân tiến của CMCN 4.0, trong đó có điện toán đám mây (cloud computing). Công nghệ điện toán đám mây cung cấp các phương tiện cho doanh nghiệp đổi mới hoạt động bằng cách tích hợp chặt chẽ các dịch vụ tính toán và các nền tảng đám mây. Hay nói cách khác, điện toán đám mây là một trong những đổi mới quan trọng nhất của kỷ nguyên thông tin. Brett King trong cuốn sách Bank 4.0 cũng nhấn mạnh, “nếu ngân hàng của bạn chưa cung cấp trải nghiệm qua đám mây, thì nó vẫn chưa phải là một ngân hàng số”.

Tại “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030” được NHNN ban hành tháng 12/2019 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 100%. Tháng 10/2020, NHNN ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN quy định về hệ thống an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng đã cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ ba, bốn, năm lên môi trường cloud nếu đảm bảo những quy định kèm theo.

Quan sát có thể thấy, các nhà băng ngày càng quan tâm nhiều hơn việc ứng dụng và triển khai công nghệ này. Đơn cử như Viet A Bank, từ năm 2017 đã chuyển toàn bộ hệ thống Trung tâm dữ liệu lên Private Cloud. Techcombank cũng đã lựa chọn Amazon Web Services (AWS) làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo đó, ngân hàng này sẽ dịch chuyển phần lớn các ứng dụng từ trung tâm dữ liệu của ngân hàng lên AWS để phát huy thế mạnh về khả năng mở rộng của điện toán đám mây, xây dựng nền tảng dữ liệu tích hợp tối ưu hóa tính năng phân tích dữ liệu trên cloud. Triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cũng là mục tiêu của SHB để nâng cao hiệu quả và tốc độ các dự án chuyển đổi số của nhà băng này.

Tháng 7/2021, PVcomBank đã cùng với CMC Telecom triển khai hệ thống trục tích hợp dịch vụ chạy trên nền tảng OpenShift lên AWS cloud thành công. Đặc biệt, mới đây, thị trường ghi nhận nhà băng tiên phong trong triển khai Gần đây, VIB hợp tác với Microsoft triển khai nền tảng điện toán đa đám mây (multi-cloud).

Ông Trần Nhất Minh - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối công nghệ VIB cho hay, VIB coi chiến lược điện toán đám mây là nền tảng để nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng tốc độ dịch vụ sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo phù hợp với chính sách của NHNN.

Tuy nhiên, do đây là công nghệ mới, nên trong quá trình thực hiện tất yếu sẽ gặp những vấn đề nảy sinh. “Những công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Microsoft, Amazon Web Service… sẽ có những vấn đề họ ký hợp đồng thẳng, nhưng cũng có những việc họ chỉ ký thông qua partner. Mỗi một nhà cung cấp sẽ có những đặc thù khác nhau, trong quá trình triển khai TCTD buộc phải so sánh, đối chiếu với những quy định của NHNN. Xét về tổng thể, tôi cho rằng các chính sách của NHNN khá là thuận lợi cho các ngân hàng ứng dụng điện toán đám mây trong thời điểm này”, ông Minh nêu quan điểm.

Lựa chọn phù hợp và an toàn

Khi các dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng điện toán đám mây thì một trong số lợi ích tích cực nhất là khả năng triển khai mô hình so sánh để đưa ra giải pháp hiệu quả. Lợi ích mà điện toán đám mây có thể mang lại là rất đáng kể. Song một chuyên gia tài chính nhìn nhận, điều quan trọng là quyết định lựa chọn “đám mây” và phương thức triển khai như thế nào để phù hợp, phát huy hiệu quả cao nhất mới là vấn đề cần phải bàn tính tới. Mỗi mô hình triển khai công nghệ mới đều có ưu điểm và thách thức riêng cần được tính đến trong việc xây dựng, triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ. Điện toán đám mây được phân thành ba loại: mô hình đám mây công cộng (Public cloud); mô hình đám mây riêng (Private cloud) và mô hình đám mây lai (Hybrid cloud).

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Phạm Xuân Hòe nêu ví dụ, với mô hình public cloud, dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp được lưu trong đám mây công cộng và được ủy quyền cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý; còn mô hình private cloud có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hoạt động cho duy nhất một tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, những ngân hàng có nguồn kinh phí tương đối dày dặn, chú trọng tới độ bảo mật cao sẽ thiên hướng lựa chọn đầu tư cho đám mây riêng. Ngược lại, cũng có những nhà băng chỉ có nhu cầu chạy những ứng dụng không có tính bảo mật như các chương trình tiếp thị, khuyến mãi thì hoàn toàn có thể lựa chọn đám mây công cộng.

Một xu hướng mới là nhiều doanh nghiệp trong đó có các nhà băng trên thế giới dần chuyển sang chiến lược multi-cloud (đa đám mây) để tránh cho việc “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Hiểu đơn giản, multi-cloud là việc sử dụng nhiều dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp khác nhau để phục vụ cho công việc của mình, tránh sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Là đơn vị tiên phong triển khai multi-cloud, ông Trần Nhất Minh cho biết, VIB đã lựa chọn và lấy định hướng dùng đa đám mây là điều kiện tiên quyết để thành công về công nghệ. Ứng dụng multi-cloud sẽ có phần vất vả hơn cho ngân hàng, nhưng bù lại khả năng cạnh tranh của ngân hàng cũng như trải nghiệm mang lại cho khách hàng đều sẽ được nâng cao hơn.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy cần đặc biệt coi trọng việc tự động hóa quản trị các loại dữ liệu và sử dụng nhiều nền tảng đám mây dữ liệu song song.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, bảo mật dữ liệu và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý về dữ liệu và hạ tầng là điều quan tâm đầu tiên, quan trọng của các ngân hàng. Báo cáo “Công nghệ lõi ngân hàng qua môi trường đám mây: Điều có thể?” của Deloitte từ cách đây hai năm đã chỉ ra rằng hầu hết các môi trường đám mây được thiết kế có độ bền gần như 100% và đáp ứng tới 99,99% nhu cầu lưu trữ dữ liệu. Đây có thể xem là ưu điểm vượt trội trong bảo vệ dữ liệu mà hạ tầng công nghệ truyền thống chưa đáp ứng được. Theo chuyên gia, các ngân hàng phải đặc biệt lưu ý vấn đề lưu trữ dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong Luật An ninh mạng và Thông tư 09/2020/TT-NHNN của NHNN ban hành đều đề cập tới các yêu cầu khi sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Ngay trong định Thông tư 09/2020/TT-NHNN cũng quy định tiêu chí lựa chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phải là doanh nghiệp; có hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng với dịch vụ mà tổ chức sử dụng đáp ứng các yêu cầu quy định của pháp luật Việt Nam và có chứng nhận quốc tế còn hiệu lực về bảo đảm an toàn thông tin./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Những động lực tăng trưởng thị trường chữ ký số toàn cầu
    Thị trường chữ ký số toàn cầu đang có ​​sự tăng trưởng chưa từng có khi các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng áp dụng các giải pháp số để xác thực tài liệu và giao dịch an toàn.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
Sự lên ngôi của “đám mây”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO