"Sứ mệnh Make in Viet Nam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta"

Lan Phương| 23/12/2020 12:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp số đã nhấn mạnh: Make in Việt Nam là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Sáng 23/12/2020, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số lần thứ 2 do Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra. Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự.

Việt Nam có nhiều câu chuyện Make in Vietnam để tự hào, thịnh vượng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự Diễn đàn

DN công nghệ số có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2019, lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Năm nay, mặc dù không thể tham dự được nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn dành tình cảm, sự quan tâm đến Diễn đàn và có thư gửi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Việt Nam có nhiều câu chuyện Make in Vietnam để tự hào, thịnh vượng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đọc Thư của Thủ tướng gửi cộng đồng DN

Thư của Thủ tướng nhấn mạnh: Cộng đồng DN Việt Nam nói chung và cộng đồng DN công nghệ số nói riêng có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và đến nay cộng đồng DN công nghệ số đã có bước phát triển mạnh mẽ với gần 60.000 DN công nghệ số; doanh thu ước tính khoảng 120 tỷ USD; trở thành một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam phát triển.

Trong xu thế hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN lần thứ 4, bên cạnh nhiều cơ hội để phát triển, các DN công nghệ số Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. 

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và mục tiêu phát triển 100.000 DN công nghệ số Việt Nam theo Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cần có sự chung tay, nỗ lực của Nhà nước, người dân và cộng đồng DN. Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng, triển khai các chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển, đặc biệt là các DN công nghệ số.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn: "Cộng đồng DN công nghệ số cần phải đi tiên phong trong nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Thủ tướng tin tưởng: "Với những kết quả đạt được, cùng với phát huy mạnh mẽ trí tuệ và nội lực, cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới".

Make in Viet Nam để tự cường, thịnh vượng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng.

Việt Nam có nhiều câu chuyện Make in Vietnam để tự hào, thịnh vượng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sau một năm, đã có trên 13.000 DN công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây, chúng ta đã có cộng đồng trên 58.000 DN. Một con số kỷ lục!

Chỉ thị đầu tiên năm 2020, chỉ thị 01 của  Thủ tướng Chính phủ là Chỉ thị về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam. Sau một năm, đã có trên 13.000 DN công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây, chúng ta đã có cộng đồng trên 58.000 DN. Một con số kỷ lục!

Một năm trước, theo Bộ trưởng, chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 DN một năm. Vậy mà, ngay năm đầu tiên đã có 13.000 DN mới ra đời. Những nhà quản lý như chúng ta đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được dương cao. Mục tiêu 100.000 DN công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.

Bộ trưởng khẳng định: "Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Nó ngắn gọn, nó thúc dục, nó là tự hào Việt Nam và vì thế nó đi xa, đến được với mọi người và mọi miền. Việt Nam chỉ thành công khi là toàn dân!".

Bộ trưởng cho hay: Chúng ta đã nghe nhiều, kể nhiều, có thể là hơi quá nhiều, các câu chuyện nước ngoài cho người Việt Nam nghe. Có lẽ đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam. Make in Viet Nam là kể câu chuyện Việt Nam. Mỗi người dân, mỗi DN Việt Nam hãy Make in Viet Nam và kể câu chuyện Việt Nam của mình.

Bởi vì, theo Bộ trưởng, người Việt kể câu chuyện Việt cho người Việt nghe sẽ gây cảm hứng, tự hào Việt Nam và kích lệ người Việt có thể làm được. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện Việt, hãy kể nó và để có nhiều hơn nữa các câu chuyện Việt.

Một bất ngờ khác được Bộ trưởng cho hay là khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống Covid và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ,... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời covid. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này.

Make in Viet Nam trong năm qua, năm 2020, Bột trưởng khẳng định đã thúc đẩy các DN an toàn, an ninh mạng của chúng ta làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của việt Nam trên KGM cũng là một trọng tâm của Make in Viet Nam.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này. Nhưng công nghệ không phải điều gì cao siêu. Nó là kết quả của lao động sáng tạo.

"Kích hoạt sự lao động sáng tạo này là một khát vọng lớn. Một khát vọng lớn đến không tưởng và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ. Một sứ mệnh lớn lao sẽ giúp chúng ta tiếp cận được năng lượng của trời đất để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sứ mệnh Make in Viet Nam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta!".

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia tháng 6/2020. Sứ mệnh của DN công nghệ số Việt Nam, của Make in Viet Nam là CĐS Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn.

Việt Nam có nhiều câu chuyện Make in Vietnam để tự hào, thịnh vượng - Ảnh 4.

Việt Nam có nhiều câu chuyện Make in Vietnam để tự hào, thịnh vượng - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan triển lãm Make in Viet Nam

Muốn Make in Viet Nam, Bộ trưởng cho rằng phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Diễn đàn Viet Nam Open Summit tháng 11/2020 đã tuyên bố chiến lược công nghệ mở. Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác.

"Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, DN tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại", theo Bộ trưởng.

Viet Nam Open Summit lần thứ nhất là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta: Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam. Công nghệ mở là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Mọi công ty cần phải trở thành công ty công nghệ!

Một chiến lược phát triển DN công nghệ số Việt Nam, một bộ chỉ số đo lường chiến lược này sẽ dẫn đường chúng ta đi. Cuộc thi Viet Solution, Giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số Việt Nam sẽ khích lệ chúng ta đi. Từ nay, chúng ta có tên DN công nghệ số Việt Nam, có ngày 12/12 là ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Như vậy là đã được sinh ra, đã được đặt tên, được giao sứ mệnh, bây giờ là lớn lên và phụng sự Tổ quốc. Hãy lớn nhanh như Phù Đổng!

Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ DN công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Make in Viet Nam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Viet Nam để đi ra nước ngoài, chinh phục thể giới và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Viet Nam để làm chủ công nghệ. Make in Viet Nam để bảo vệ Việt Nam. Make in Viet Nam để Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Cuối cùng, Bộ trưởng hiệu triệu: "Mỗi chúng ta, mỗi DN hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc!".

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
Đừng bỏ lỡ
"Sứ mệnh Make in Viet Nam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO