Tận dụng tốt các hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt tự tin "vươn ra biển lớn"

PV| 22/09/2022 16:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Đến nay Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 FTA đang đàm phán. Những FTA đang trợ lực mạnh mẽ cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, từng bước đưa hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu bứt phá nhờ các FTA

Quá trình hội nhập quốc tế và kinh tế đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đã có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khâu (XK) của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của Việt Nam XK sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, đã XK mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch COVID-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, XK tăng trên 17%. Xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng sau 2 năm thực thi hiệp định EVFTA.

Qua khảo sát từ các doanh nghiệp, có thể thấy, với "chất xúc tác" từ các FTA, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt để biến thành cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Đơn cử, lĩnh vực da giày, hiện Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu sang Trung Quốc, đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tận dụng tốt các hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt tự tin trên thị trường quốc tế - Ảnh 1.

Trên lĩnh vực da giày, hiện Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu sang Trung Quốc, đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin, qua 7 tháng xuất khẩu da giày đạt trên 14 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó nhiều thị trường có mức tăng trưởng cao, như: thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%, Liên minh châu Âu (EU) tăng 17,5%... Đặc biệt là các thị trường có FTA đã duy trì được kim ngạch xuất khẩu rất tốt. Như, thị trường CPTPP, xuất khẩu của ngành da giày đạt 10%, thị trường EU là 18%. Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, các lợi thế của các FTA đã được ngành da giày đã tận dụng và chính FTA là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn qua.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, trong năm 2022, gạo Việt Nam tiếp tục hưởng lợi thế từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. Từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, XK gạo của Công ty Trung An sang thị trường EU đã gia tăng đáng kể. EU trở thành thị trường chính của DN và gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực mà Công ty XK sang thị trường này. Mới đây, gạo Việt Nam của Tập đoàn Lộc Trời mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" đã chính thức lên kệ tại 2 hệ thống bán lẻ với hơn 800 đại siêu thị trên toàn nước Pháp.

Vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ...

Những kết quả nổi bật trong thời gian qua cho thấy, xuất khẩu hiện trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới mở thêm nhiều cơ hội và đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, bên canh đó, tỷ lệ hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tận dụng được lợi thế các FTA còn rất ít, thậm chí những mặt hàng là thế mạnh cũng chiếm thị phần rất nhỏ ở một số thị trường tiềm năng. Trong đó, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế của các FTA mang lại. C/O thể hiện nguồn gốc, xác nhận quốc gia, nơi sản phẩm được nhập khẩu, hoặc nơi xuất xứ một phần hoặc tất cả bộ phận hay nguyên vật liệu được sử dụng vào quy trình hoàn thành sản phẩm.

Các thông tin được thể hiện trong C/O bao gồm thông tin nước xuất khẩu, thông tin nước nhập khẩu, địa điểm nhận hàng hóa, tuyến đường quy hoạch, số lượng hàng, tổng trọng lượng tịnh, mô tả về hàng hóa, mô tả các dấu hiệu đóng gói, các nước xuất khẩu...

Nhưng thực tế hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm và nắm bắt được công cụ này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết cách làm thủ tục khai và xin C/O để tận dụng lợi thế FTA cho xuất khẩu hàng hóa của mình. Một số doanh nghiệp còn cho rằng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này hiện đã được hưởng thuế suất 0% nên không cần xin C/O.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công Thương, tỷ lệ thị phần hàng hóa XK của Việt Nam ở EU thấp, đồng nghĩa các doanh nghiệp đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi thị trường EU rất lớn, hiệu quả vẫn chưa được tận dụng khai thác. Không riêng EVFTA, đối với các FTA khác, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế "cuộc chơi". 

Đơn cử từ đầu năm nay, Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của doanh nghiệp FDI, đặc biệt về giá và chất lượng sản phẩm.

Việc đàm phán thành công các FTA, mở cửa thị trường mới chỉ là thành công bước đầu; bước tiếp theo là phải cùng nhau đẩy mạnh năng lực thực thi và duy trì bền vững các hiệp định. Sau khi FTA có hiệu lực nên có đánh giá để tiếp tục cải thiện và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Việc đánh giá này có thể tiến hành hàng năm hoặc theo chu kỳ 3-5 năm, thấy được hiệu quả mang lại, từ đó sẽ đưa ra những chính sách mới nhằm cải thiện việc tận dụng.

Vì thế, các doanh nghiệp cần phải luôn chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các kỹ năng về ngoại ngữ, đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giảm chi phí, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tốt các hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt tự tin "vươn ra biển lớn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO