Tăng tốc chuyển đổi số trong ngân hàng

Minh Khuê| 06/12/2021 15:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số là vấn đề lớn, đòi hỏi cần rất nhiều yếu tố. Theo các chuyên gia, để có thể vận hành được liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid-19 thì việc xây dựng và khai thác nguồn lực số là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả vận hành.

Gia tăng hàm lượng ứng dụng công nghệ

“Năm chuyển đổi số quốc gia 2020” đã đánh dấu sự khởi động tích cực ở các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng như toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số. Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chuyển đổi số khá mạnh mẽ. Đến nay có 95 ngân hàng đã và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số. Thống kê tại 10 NHTM lớn thì mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính lên đến 15.000 tỷ đồng mỗi năm; chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động.

Rõ ràng, chuyển đổi số không còn là định hướng, mục tiêu chung của hệ thống NHTM tại Việt Nam mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu của chính mỗi NHTM. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, hệ thống NHTM tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh của mình. Thành tựu từ CMCN 4.0 đang được ứng dụng ngày càng sâu rộng.

Tăng tốc chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 1.

Ngân hàng Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ

“Công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành cho các ngân hàng. Đặc biệt cuộc đua digital banking cũng đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện”, ông Hùng cho hay.

Tháng 5/2021 Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 810 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội để các NHTM đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện. Tuy nhiên xét một cách khách quan, ông Hùng cho rằng, tiến trình chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn thiếu tính tổng thể. Hệ sinh thái đã được thiết lập tuy nhiên vẫn còn chưa được đầy đủ do chưa tương thích về công nghệ kết nối, giao diện lập trình ứng dụng mở chưa đồng bộ. Chuyển đổi số mới chủ yếu tập trung vào các kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng; vẫn còn phải thực hiện quy trình bán tự động.

Không chỉ ngân hàng, sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trên thị trường cũng thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính bảo mật. Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư công nghệ số, Chủ tịch Câu lạc bộ Vina Fintech chia sẻ, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng lên 207% trong giai đoạn 2016 - 2020, cạnh tranh là rất lớn song khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam mới chỉ chạm mức 5%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, phải đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ tài chính, nhằm hình thành và kết nối các hệ sinh thái không dùng tiền mặt với nhau, gia tăng sức cạnh tranh với thế giới.

Hình thành nguồn nhân lực số

Chuyển đổi số là vấn đề lớn, đòi hỏi cần rất nhiều yếu tố. Theo các chuyên gia, để có thể vận hành được liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid-19 thì việc xây dựng và khai thác nguồn lực số là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả vận hành.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Đình Giáp - Nhà sáng lập kiêm CEO của akaBot, FPT Software cho biết, theo thống kê của Capgemini, trung bình mỗi một nhân viên back-office đang phải xử lý khoảng 10.000 loại giấy tờ/năm; và có 50% số lượng giấy đó phải hủy đi. Ở một thống kê khác, trong top 10 ngân hàng lớn nhất thế giới thì một nhân viên front-office đang cần tối thiểu hai nhân viên back-office xử lý các nghiệp vụ phía sau, con số này ở Việt Nam có thể sẽ còn cao hơn.

Khi Covid-19 diễn ra, xu thế ngân hàng số phát triển mạnh hơn, ngân hàng tập trung ứng dụng eKYC, tạo ra giao dịch online 100%, thậm chí 24/7… dẫn đến thực tế nhận thấy là giữa các hệ thống phục vụ cho khách hàng của ngân hàng và hệ thống back-office để nhân viên xử lý đang có khoảng cách buộc hệ thống back-office phải theo kịp được.

Trên thế giới hiện đang có xu hướng mới đó là tăng trải nghiệm của nhân viên, bên cạnh gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Đơn cử như UOB (Singapore), nhà băng này cho rằng nếu tăng được trải nghiệm nhân viên thì sẽ có thể thu hút được người tài, giúp ngân hàng tăng năng suất, tăng sự gắn kết giữa nhân viên - ngân hàng… Một trong những giải pháp để gia tăng trải nghiệm nhân viên đó là tăng nhân lực số giúp cho nhân viên tập trung vào các công việc có giá trị gia tăng cao hơn, tránh những công việc phải lặp đi lặp lại.

Theo IDC, 25% ngân hàng và công ty bảo hiểm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang triển khai cấp độ cao nhất của tự động hóa (RPA); McKinsey thì cho biết 25% quy trình ngân hàng sẽ được tự động hóa trong vài năm tới, thậm chí con số này có thể cao hơn.

Đi cùng với tự động hoá, theo giới chuyên gia, cũng cần tăng năng lực xử lý dữ liệu qua AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) giúp phân tích, tìm ra dữ liệu có giá trị. Ông Nguyễn Tuấn Khang - Quản lý cấp cao khu vực, IBM Sofrware Việt Nam cho rằng, thời gian tới, khả năng các nhà băng sẽ bắt đầu tương tác với Facebook hoặc các hệ thống social media (truyền thông xã hội) để phân tích thông tin khách hàng chứ không đơn thuần chỉ là dữ liệu từ hồ sơ khách hàng. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi bởi hệ thống IT thuần túy không thể làm được và phải hình thành bộ phận mới để khai thác dữ liệu từ khách hàng, thông tin khách hàng 360 độ, và chắc chắn là phải sử dụng AI.

“Chúng ta phải nhìn nhận là khái niệm data warehouse (kho dữ liệu) đã cũ rồi, bây giờ là thời kỳ của data lake (hồ dữ liệu) và cao hơn là data fabric (cấu trúc dữ liệu). Data Fabric được xem là xu hướng phân tích Big data mới mà nhiều tập đoàn lớn đang sử dụng. Data Fabirc không chỉ là thu thập mà phải hướng tới biểu đồ tri thức, danh mục dữ liệu, và tìm cách tận dụng nó. Nếu doanh nghiệp vẫn loay hoay tích hợp dữ liệu thì chúng ta sẽ bị chậm, cốt yếu là phải quan tâm tới quản trị dữ liệu”, ông Khang nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, hình thành nên chiến lược và tầm nhìn dữ liệu cần hướng tới ba góc độ: quy trình quản trị dữ liệu, nền tảng và công nghệ, quy trình vận hành. Ba cấu phần này sẽ giúp cho doanh nghiệp nói chung và ngân hàng có thể xây dựng bài toán định hình quản trị doanh nghiệp trong khai thác dữ liệu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc chuyển đổi số trong ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO