Truyền thông

Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Bình Minh 17:21 24/07/2023

6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá.

Cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh

Theo báo cáo Công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, nhiều kết quả về công tác CCHC đã được thể hiện qua các mặt công tác: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ và cải cách tài chính công.

Có thể điểm qua một số điểm nổi bật về cải cách thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội: thông qua 11 Luật, Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án Luật. Công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật: Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 13 đề nghị xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 71 dự án, dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản, tăng 675 văn bản (49.34%) so với 6 tháng đầu năm 2022. Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trong cải cách TTHC, riêng quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh (QĐKD) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 VBQPPL . Tính từ năm 2021 đến nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 QĐKD tại 191 văn bản QPPL; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 QĐKD tại 56 văn bản QPPL, đạt 41%.

Trong Quý II/2023, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.129 Quyết định công bố 14.716 TTHC, danh mục TTHC để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đã công khai 11.581 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

66,48% hồ sơ TTHC được số hóa

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cùng với các kết quả nổi bật về cải cách tài chính công thì xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐCP ngày 17/4/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị Bộ, ngành , 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.

20220903_204008.jpg
Trung tâm hành chính công các địa phương với nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp. ̣Ảnh: Bình Minh

Trong 6 tháng đầu năm, Cổng DVCQG đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng.

Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng. 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 Dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt chú trọng cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số

Mặc dù đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá, thế nhưng, công tác CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, xử lý. Trong 6 tháng cuối năm 2023, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai để tiếp tục đẩy mạnh CCHC từ Trung ương đến địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023 của các Bộ, cơ quan, địa phương.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại Bộ, ngành, địa phương mình theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá cán bộ.

Các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm 10 vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản nhà nước.

Đáng chú ý, các Bộ, cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải chủ động ban hành hoặc đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…

Các nhiệm vụ, giải pháp khác cần tập trung đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương.

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ. Khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp Dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; rà soát các quy định pháp luật, cơ chế chính, sách liên quan đến quản lý dân cư theo Đề án 06 và đề xuất sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết TTHC. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, xóm, tổ dân phố để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO