Thanh niên với phát triển kinh tế số, xã hội số
Theo Nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ số hóa. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã tạo tiền đề vững chắc cho việc hình thành nền kinh tế số, xã hội số.
Tóm tắt:
- Thanh niên là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là người đang trực tiếp chứng kiến cuộc chuyển giao vĩ đại giữa những phương thức vận hành của nền kinh tế truyền thống với nền kinh tế số, xã hội số, là lớp người nhận trọng trách lịch sử trong việc sáng tạo và ứng dụng chuyển đổi số.
- Thanh niên là chủ thể của quá trình chuyển đổi số, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, họ có thể dự báo xu hướng vận động của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy, qua đó làm căn cứ khách quan cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách khi xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Thanh niên là nguồn lực trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số và đội ngũ thanh niên chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào quá trình chuyển đổi số của một quốc gia, dân tộc.
Xu hướng này hiện diện trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh, bền vững của đất nước. Trong cuộc chuyển giao đó, thanh niên chính là chủ thể sáng tạo và ứng dụng, là lực lượng tiên phong khai thác tối đa những giá trị mà kinh tế số, xã hội số mang lại để xây dựng và phát triển đất nước.
Chuyển đổi số - xu thế không thể đảo ngược
Cũng giống như làn sóng toàn cầu hóa, chuyển đổi số (CĐS) là làn sóng không thể đảo ngược, là xu thế tất yếu, khách quan trong tiến trình phát triển. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đòi hỏi con người phải nhìn nhận và điều chỉnh lại toàn bộ những phương thức vận hành xã hội truyền thống, đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy làn sóng CĐS. Những nỗ lực nhằm đảm bảo tính tương tác, gắn kết giữa con người với con người, đảm bảo không đứt gãy nền kinh tế trong chuỗi cung ứng từ xa đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, tư duy và hành động về CĐS trên quy mô toàn cầu.
Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số được xác định là ba thành tố chính trong quá trình CĐS. Trong đó chính phủ số là thành tố đóng vai trò chi phối, tạo tiền đề để hình thành kinh tế số và xã hội số, ngược lại, kinh tế số và xã hội số là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi hoàn toàn hệ thống quản trị quốc gia trên nền tảng số, với những thay đổi toàn diện về phương thức tiếp cận, phục vụ và kết nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân.
Kinh tế số, xét về bản chất chính là một nền kinh tế có các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Chúng ta có thể thấy sự hiện diện của kinh tế số trong mọi khía cạnh cuộc sống như những sàn giao dịch thương mại điện tử, các phương thức thanh toán trực tuyến, các ứng dụng giao hàng, vận chuyển,… Ở góc độ vĩ mô, kinh tế số góp phần đưa Việt Nam hội nhập vào chuỗi công nghệ toàn cầu, ghi tên vào “bản đồ số” thế giới.
Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Về bản chất, kinh tế số và xã hội số là hai mặt của sự phát triển, hai yếu tố không thể tách rời của quá trình CĐS. Phát triển kinh tế số mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành xã hội số. Ngược lại, trong phát triển xã hội số, người dân thành thạo kỹ năng số để có thể truy cập và tương tác với các dịch vụ công và tư về tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và nhiều tiện ích khác bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu bằng công nghệ số, từ đó sẽ hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ số.
Thanh niên – chủ thể tiên phong sáng tạo và ứng dụng trong chuyển đổi số
Trong bài phát biểu tại Phiên trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhấn mạnh hai chữ “tiên phong” của tuổi trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị thanh niên tiên phong đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thanh niên là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Họ là những người được sinh ra, lớn lên trong giai đoạn này, những người đang trực tiếp chứng kiến cuộc chuyển giao vĩ đại giữa những phương thức vận hành của nền kinh tế truyền thống với nền kinh tế số, xã hội số, trên nền tảng những giá trị, thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, là lớp người nhận trọng trách lịch sử trong việc sáng tạo và ứng dụng trong CĐS.
Xét trên bình diện lịch sử, thanh niên luôn là lớp người tiên phong đón nhận những sứ mệnh cao cả mà lịch sử trao truyền, vai trò tiên phong của thanh niên đối với công cuộc CĐS được thể hiện chủ yếu qua các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, thanh niên là chủ thể của quá trình CĐS.
Việc xây dựng nền tảng khoa học, công nghệ cho quá trình CĐS là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, trong đó đi đầu là lực lượng thanh niên, đặc biệt là lực lượng tri thức trẻ, đội ngũ góp phần sáng tạo ra những tri thức mới, có giá trị thúc đẩy xã hội phát triển. Ngoài ra, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, họ còn có khả năng dự báo xu hướng vận động của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy. Những thông tin đó có thể làm căn cứ khách quan cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách khi xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để các quốc gia có thể thực hiện bước phát triển “nhảy vọt” bằng cách tiếp thu hợp lý những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất. Thực hiện nhiệm vụ này, trách nhiệm trước hết là của lực lượng thanh niên - những người trẻ có sự nhạy bén, dễ dàng tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại. Họ chính là những chiếc cầu nối đưa thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.
Thứ hai, thanh niên là nguồn lực trực tiếp tham gia vào quá trình CĐS.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số ở nước ta hiện nay cần những con người có tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, có kiến thức cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, quan tâm đến hiệu quả thiết thực, nhạy cảm với cái mới, có ý thức vươn lên về khoa học, công nghệ..., những con người có năng lực sáng tạo, tiếp thu và ứng dụng những tri thức khoa học công nghệ mới vào phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.
Bởi xét về bản chất, CĐS chính quá trình cải biến từ một xã hội cổ truyền thành một xã hội hiện đại, có trình độ văn minh cao hơn thể hiện không chỉ ở trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, có nền kinh tế phát triển, xã hội được tổ chức khoa học và hợp lý mà còn ở đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của xã hội, ở sự phát triển con người, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một đất nước với dân số tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cao, nhiều thanh niên nông thôn đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại, tập trung vào việc nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất. Cuộc cách mạng kỹ thuật số mở ra nhiều cơ hội việc làm hàng đầu cho một số lao động nhưng cũng đặt ra thách thức cho bộ phận còn lại nếu không bắt kịp xu thế mới. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để nắm bắt, định vị và hòa mình được vào một không gian kinh tế - xã hội mới, đã và đang được tạo ra bởi bối cảnh CĐS quốc gia.
Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định, sự phát triển của khoa học và công nghệ sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Thế giới định nghĩa cơ sở hạ tầng thay đổi bao gồm thông tin, Internet, các phương thức vận chuyển mới, máy bay không người lái và các mô hình nhà ở mới. Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế là tài năng, bí quyết, kỹ năng và năng lực của con người - vốn con người của xã hội. Và đội ngũ thanh niên chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào quá trình CĐS của một quốc gia, dân tộc./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)