Số hóa giải quyết thủ tục hành chính tại 100% bộ phận "một cửa"
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về triển khai Đề án "Đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, từ năm 2021 đến hết năm 2025, UBND thành phố Hà Nội triển khai 4 nhóm nhiệm vụ để thực hiện nội dung trên.
Trong đó, năm 2021, hoàn thành số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20% và 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, cấp huyện và cấp xã, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Năm 2022, hoàn thành số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, cấp huyện, cấp xã tăng tối thiểu 20% so với năm 2021.
Năm 2023-2025, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết thành công mỗi năm tăng thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính; bảo đảm đạt tỷ lệ 100% trước năm 2025.
UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu: Năm 2021, tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% bộ phận "một cửa" các Sở, ban, ngành.
Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ trên tại bộ phận "một cửa" thuộc 12 quận, 1 thị xã (Sơn Tây), 2 huyện (Gia Lâm, Hoài Đức) và 100% bộ phận "một cửa" cấp xã của các đơn vị nêu trên.
Giai đoạn 2023-2025, tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" cấp huyện và cấp xã các đơn vị còn lại bảo đảm đạt 100% trước năm 2025.
Đối với việc thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận "một cửa" các cấp phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn, UBND thành phố đặt mục tiêu, năm 2022, giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận "một cửa" xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch.
Năm 2023 - 2025 sẽ tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 1 nhân sự trực tại bộ phận "một cửa" trong 1 năm lên mức tối thiểu là 1.800 hồ sơ; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu là 30 phút/hồ sơ vào năm 2025.
Thang điểm đánh giá PAR Index các cơ quan hành chính Hà Nội tối đa là 100 điểm
Mới đây, ngày 20/9/2021, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 4210/QĐ-UBND về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, bộ tiêu chí xác định PAR Index áp dụng cho các Sở, quận, huyện được cấu trúc thành 8 nội dung đánh giá. Cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thang điểm đánh giá nội dung trên là 100 điểm, trong đó điểm đánh giá qua thẩm định tối đa là 70/100; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học tối đa là 30/100.
Đánh giá của Hội đồng Thẩm định, gồm: Các Sở, các quận, huyện tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí được quy định trong PAR Index và hướng dẫn của Sở Nội vụ; điểm tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị được Hội đồng Thẩm định của thành phố thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh (nếu cần thiết).
Đánh giá qua điều tra xã hội học, gồm: Các tiêu chí đánh giá qua điều tra xã hội học được quy định trong PAR Index; Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí được đánh giá qua điều tra xã hội học quy định trong PAR Index.
Theo quy định, điểm đạt được là tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm Hội đồng Thẩm định thành phố thẩm định, đánh giá và là căn cứ xác định PAR Index của từng cơ quan, đơn vị. Chỉ số thành phần theo nội dung, tiêu chí được xác định bằng tỷ lệ phần trăm giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng nội dung, tiêu chí.
UBND thành phố giao các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai việc xác định PAR Index trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 6677/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND thành phố về việc ban hành Chỉ số đánh giá kết quả CCHC của các Sở, cơ quan ngang Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.
CCHC được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Theo UBND TP.Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng công tác CCHC của thành phố vẫn tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2021 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".
Theo đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. UBND Thành phố đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu ban hành danh mục các trường thông tin thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu của Thành phố, định kỳ 6 tháng/lần trình UBND Thành phố quyết định cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục này.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến các điểm cầu trực tuyến của 579 xã, phường, thị trấn; lắp đặt các trang thiết bị CNTT, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng chống dịch COVID-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại nhiều quận, huyện.
Bên cạnh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm… được duy trì, khai thác hiệu quả; Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, văn bản để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, phát triển thương mại điện tử, triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử... Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch.
Thành phố tiếp tục duy trì Cổng Dịch vụ công TP.Hà Nội và các Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của Thành phố; tiếp tục triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1.685 Thủ tục hành chính (TTHC) (gồm các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai) trong đó, Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 TTHC, Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 468 TTHC.
Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên Thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Hà Nội cũng đã tích hợp 444 Dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai tích hợp tiếp các TTHC đảm bảo yêu cầu, điều kiện lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch chung của Văn phòng Chính phủ.