Thanh toán bằng tiền mặt gia tăng ở một số nước Đông Nam Á
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn thế giới, các quốc gia đã phải đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội, khi đó số hóa và các ứng dụng công nghệ được xem là "vị cứu tinh". Mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với các hệ sinh thái hỗn hợp bao gồm làm việc tại nhà, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, truyền thông và giải trí kỹ thuật số.
Đại dịch COVID-19 cũng được cho là thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang thanh toán số. Mua sắm trực tuyến cùng các phương thức thanh toán không tiền mặt xuất hiện kịp thời đã giải quyết các bài toán tiêu dùng. Nỗi sợ hãi về sự lây lan của COVID-19 đã biến những người trung thành với tiền mặt thành những tín đồ cuồng nhiệt của ví số và các giao dịch không tiếp xúc. Khi các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi lên môi trường số, mọi người mua sắm trực tuyến và hoàn thành các giao dịch tài chính bằng một vài cú nhấp chuột trên điện thoại thông minh hoặc máy tính của họ.
Câu hỏi đặt ra là liệu sau đại dịch COVID-19, thanh toán không tiền mặt có duy trì được đà tăng như trước hay không? Theo dữ liệu gần đây về thực tiễn quản lý tiền mặt cho thấy, tiền mặt dường như đang tăng trở lại, ít nhất là ở một số nền kinh tế. Cơ quan kế toán chuyên nghiệp CPA Australia đã thực hiện một nghiên cứu lớn trong khu vực về hành vi tài chính của DN nhỏ và vừa (SME). Cuộc khảo sát được thực hiện hàng năm về các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm xem xét mức độ sử dụng tiền mặt.
Kết quả khảo sát mới nhất đã cho thấy một số kết quả đáng chú ý. Cụ thể, Philippines là quốc gia có mức độ sử dụng tiền mặt cao nhất, với hơn 80% DN được hỏi cho biết phần lớn doanh số bán hàng năm 2021 của họ được giao dịch bằng tiền mặt. Điều này đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với mức 70% ghi nhận trong năm 2020, khi mức độ sử dụng tiền mặt giảm do các đợt phong tỏa trên diện rộng do COVID-19 gây ra.
Người Indonesia cũng tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc chủ yếu vào tiền mặt, với mức tăng nhẹ trong năm 2021 vừa qua. Tỷ lệ các công ty nhận hơn một nửa các khoản thanh toán bằng tiền mặt tăng từ 58% trong năm 2020 lên 60% vào năm 2021.
Xu hướng này không giống nhau ở tất cả các quốc gia trong khu vực. Cả Malaysia và Singapore lại tiếp tục báo cáo có sự sụt giảm rõ ràng trong việc sử dụng tiền mặt, với ít hơn 40% DN nhỏ ở mỗi quốc gia ghi nhận phần lớn các giao dịch là tiền mặt. Ở hai quốc gia này, việc sử dụng tiền mặt giảm liên tục trong vài năm.
Bên cạnh đó có những mô hình giao dịch dựa trên tiền mặt khác nhau. Về cơ bản, Việt Nam đã chứng kiến lượng giao dịch tiền mặt tăng đáng kể vào năm 2020 ngay cả khi đại dịch COVID-19 buộc phải triển khai phong tỏa trên diện rộng. Tuy nhiên, đến năm 2021 lại giảm xuống khi hạn chế đi lại được nới lỏng.
Nhìn chung, trên toàn khu vực Đông Nam Á, tiền mặt sẽ không sớm biến mất. Trên thực tế, nhiều DN ở Đông Nam Á dường như đã chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt khi đại dịch dần được kiểm soát. Các mô hình tương tự cũng xuất hiện tại nhiều khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương, với các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và New Zealand cũng báo cáo mức sử dụng tiền mặt trong năm 2021 tăng so với năm 2020.
Tiền mặt sẽ biến mất?
Xu hướng này cũng được hỗ trợ bởi một nghịch lý khác, đó là sự gia tăng tiền tệ trong vòng quay giao dịch trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, nhu cầu về tiền mặt đã tăng lên đáng kể, ngay cả khi việc sử dụng tiền giấy trong các giao dịch bán lẻ được cho là đã giảm. Điều này đã được quan sát và ghi nhận ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, bao gồm cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Mỹ và một số quốc gia khác.
Bức tranh có thể trở nên khó xác định hơn một chút ở Đông Nam Á, bởi rất ít số liệu thống kê về lượng tiền tệ được lưu hành trong khu vực kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát được công khai.
Các quốc gia như Singapore đã cho thấy nhiều chỉ số trái ngược nhau, với nhu cầu về tiền giấy tăng mạnh trong những năm trước đại dịch, ngay cả khi việc chấp nhận giao dịch số tại quốc gia này tăng lên đáng kể.
Xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy ở khu vực Đông Bắc Á, nơi dự trữ tiền mặt của Nhật Bản tăng lên trong thời gian gần đây và nhảy vọt thêm 5% trong năm đầu tiên khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Ngoài ra, các xu hướng khác cũng đang xuất hiện và chắc chắn sẽ có tác động đến tiền mặt. Lạm phát tái phát có thể sẽ khiến nhiều người tiêu dùng dần dịch chuyển sang một phương thức giao dịch khác ngoài tiền mặt và các loại tài sản khác, song vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định gì.
Mới đây, thương hiệu cao cấp Gucci đã thông báo vào cuối tháng 5/2022, họ sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử tại 5 trong số các cửa hàng của mình ở Mỹ. Theo SlashGear, ngoài tiền điện tử lớn nhất Bitcoin được chấp nhận, Gucci cũng hỗ trợ cả Ethereum, Litecoin và Dogecoin. Điều quan trọng trong thông báo lần này của Gucci chính là việc tiền điện tử giờ đây được sử dụng để mua hàng xa xỉ từ một trong những thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Tại Đông Nam Á, một lượng nhỏ, song ngày càng tăng các thương gia cũng đang chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử - loại tiền kỹ thuật số cho đến nay vẫn chưa được kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương. Tại Thái Lan, Cơ quan quản lý thị trường đã ra lệnh cấm sử dụng tiền điện tử để thanh toán vì lo ngại rủi ro với người dân và nền kinh tế. Theo đó, các DN tại đây không được thiết lập các hệ thống, công cụ hay ví hỗ trợ giao dịch tiền điện tử. Họ cũng sẽ bị cấm quảng cáo cho việc chấp nhận thanh toán bằng hình thức này. Nếu bị phát hiện vi phạm, DN sẽ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, bao gồm việc tạm ngưng hoặc xóa sổ dịch vụ.
Mặc dù thanh toán bằng tiền điện tử mang lại nhiều lợi ích lớn như giảm chi phí giao dịch và cho phép thanh toán xuyên biên giới an toàn. Song chúng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính, kinh tế, cũng như các rủi ro với người dân và DN bởi khả năng mất giá trị do biến động giá cả, nạn trộm cắp mạng, rửa tiền và nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Tóm lại, tiền mặt - trong các giao dịch mua bán hàng ngày tại các cửa hàng địa phương hay dưới dạng tiền giấy đang lưu hành - rõ ràng sẽ không biến mất nhanh chóng. Nguyên nhân được cho là do sở thích văn hóa đối với tiền tệ hữu hình, sự cảnh giác với tiền điện tử, chi phí giao dịch điện tử cao, sợ lừa đảo và kết nối kỹ kém,...
Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đang dần có những thay đổi lớn, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó là những chính sách thúc đẩy của chính phủ và sự nỗ lực từ các ngân hàng. Tuy nhiên, liệu tiền xu và tiền giấy có biến mất hay không vẫn là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý./.