Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm
Trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7.
Trên thực tế, ngay khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tại thành phố, người dân đã thay đổi thói quen mua sắm nhu yếu phẩm từ các chợ truyền thống sang các siêu thị và cửa hàng tiện lợi với lý do lượng người mua sắm tại đây không đông như các chợ truyền thống, trong khi các biện pháp phòng dịch cũng tốt hơn và đặc biệt là người dân có thể sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến thay vì tiền mặt nên có thể giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, một công dân ở quận Bình Thạnh cho biết, trước đây gia đình chị thường mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày tại chợ truyền thống ở Bà Chiểu. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 7 chị đã chuyển sang mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi do có thể thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử, nên có thể giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng người tiêu dùng đến siêu thị và các cửa hàng tiện lợi vì thế cũng tăng đột biến trong thời gian gần đây. Trước thực tế đó, các siêu thị cũng đã triển khai nhiều giải pháp phòng dịch theo tinh thần 5K để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Chẳng hạn hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP.HCM phải dành ra một không gian rộng lớn cho người mua sắm xếp hàng ngồi chờ để đảm bảo khoảng cách an toàn 5K trước khi vào mua sắm.
Một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả được nhiều siêu thị áp dụng là khuyến khích khách hàng mua trực tuyến; hay khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử để đẩy nhanh tốc độ giao dịch tại quầy tính tiền.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dịch bệnh cũng đã làm thay đổi cơ bản thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. “Việc người dân chọn siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi thay vì chợ truyền thống cũng cho thấy phần nào sự thay đổi này”, một chuyên gia cho biết. Theo đó, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt, mà chỉ cần một chiếc thẻ thanh toán, thậm chí chỉ cần chiếc điện thoại di động là đã có thể thực hiện thanh toán tiền hàng hóa. Đặc biệt, hàng hóa tại các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán thẻ hay ví điện tử thường có giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo hơn ngoài chợ.
Hơn nữa, thương mại điện tử thanh toán trước nhận hàng hóa sau cũng là động lực cho các điểm bán hàng chủ động được nguồn hàng giao hàng nhanh hơn. Lực lượng giao hàng (shipper) thương mại điện tử cũng mang theo mPOS cho khách hàng quẹt thẻ không phải kiểm đếm tiền mặt khách đưa đã đẩy nhanh tốc độ giao mỗi đơn hàng hơn trước rất nhiều.
Nhiều tiện ích
Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm Covid-19, mà người tiêu dùng còn được hưởng nhiều lợi ích khác khi mà các ngân hàng và trung gian thanh toán thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi.
Đơn cử Sacombank đang triển khai chương trình khuyến mãi đến 200.000 đồng cho mỗi đơn hàng đặt trực tuyến thanh toán bằng thẻ của ngân hàng này trong tháng 7. Hay như Ngân hàng Bản Việt có ứng dụng Digimi tạo ra nhiều tiện ích cho người thanh toán. App HDBank có lợi thế hệ sinh thái tài chính tiêu dùng – hàng không – Vinamilk tạo ra nhiều liên kết mua sắm hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý…
Không chỉ ngân hàng mà các ví điện tử cũng tích cực khuyến mãi để thu hút người dùng. Chẳng hạn MoMo đang mở cuộc chơi “xây dựng Thành phố” ngay trên ứng dụng ví điện tử này nhằm tạo thói quen mua sắm thanh toán điện tử hiện đại. Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch ví điện tử này cho biết, chương trình là món quà của MoMo dành tặng người chơi ngay trong mùa dịch bệnh, khi mỗi người, mỗi nhà đều phải tự ý thức về sự giãn cách, hạn chế tiếp xúc.
“Thành phố MoMo” không chỉ mang lại niềm vui cho người dùng, hướng tới mục tiêu là Người dùng hạnh phúc (Happy Users) mà còn là cơ hội để các đối tác của MoMo tiếp cận với hàng chục triệu người dùng ví điện tử này bằng các chương trình khuyến mãi, quà tặng, ưu đãi. MoMo là nền tảng giúp các đối tác mở rộng tập khách hàng, tăng tốc chuyển đổi số ngay trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Bên cạnh các chương trình khuyến mãi, các ngân hàng và ví điện tử còn liên kết với các cơ sở sản xuất để giảm giá cho người tiêu dùng. Thậm chí với thẻ tín dụng các ngân hàng còn cho phép người tiêu dùng được chi tiêu trước, trả tiền sau mà không phải chịu lãi suất trong một thời gian…
Mặc dù đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nó lại là một cú huých thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển bùng nổ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để có được sự bùng nổ này, yếu tố mang tính nền tảng chính là những nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng với việc triển khai nhiều giải pháp thanh toán mới, ngày càng tiện lợi hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thẻ thanh toán, ví điện tử, QR code và sắp tới là tiền điện tử… Chính các hình thức thanh toán phi tiền mặt ưu việt này mới tạo lập thay đổi vững chắc thói quen trong hoạt động thanh toán của người dân.
Theo NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị.