Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh

Trường Thanh| 11/05/2022 06:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa nhằm rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2022.

Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022.

Kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 4, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; xung đột, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá dầu thô, nguyên liệu, hàng hóa cơ bản ở mức cao, lạm phát tăng, một số nền kinh tế lớn có xu hướng tăng lãi suất, đẩy nhanh lộ trình thu hẹp quy mô nới lỏng tiền tệ; xuất hiện nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu….

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI 04 tháng tăng bình quân 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức hợp lý. Thu ngân sách nhà nước 04 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu 04 tháng tăng khoảng 16,4%; xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ dịch bệnh... có thể tác động, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, sức ép lạm phát còn lớn; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng; thiên tai, bão lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật...

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022, số 290/CĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 08/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát, kiên quyết, nhất quán điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng phù hợp với tình hình thực tế; kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. Khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án trọng điểm khác. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, điều hành, bình ổn giá phù hợp, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân, tránh gây bất ổn thị trường, tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu; kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế; thúc đẩy hình thức hợp tác công tư (PPP); đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp thiết thực cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là vật tư chiến lược (xăng dầu, than, phân bón...).

Đi liền đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng và cả nước.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07/4/2022, số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 và số 15/CĐ-TTg ngày 18/4/2022, bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, đúng quy định và ổn định thị trường; chú trọng hơn nữa thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, tích cực hoàn thiện các báo cáo trình cấp có thẩm quyền về các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp yếu kém theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai quyết liệt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022, bảo đảm đáp ứng tiến độ được giao. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự đồng thuận, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đối với Đề án này./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO