Sáng 11/5, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ".
Hội thảo được tổ chức với điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc; đồng thời phát sóng trực tuyến trên tất cả các nền tảng số của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong việc góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trong bối cảnh CĐS. Hàng ngàn buổi sinh hoạt chính trị, các hoạt động trải nghiệm về nguồn, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, dã ngoại; những cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số được triển khai mạnh mẽ.
Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội đã có nhiều sáng kiến, tạo không gian, hỗ trợ vốn, tư vấn chính sách, nguồn nhân lực giúp cho thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều doanh nhân trẻ đã thành công trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, với các sản phẩm văn hóa mang đặc sắc vùng miền, gắn văn hóa với du lịch, với công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh CMCN lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, của CĐS, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa.
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin, thanh niên có thể tiếp thu những giả tưởng, định hướng giá trị sai lầm, vì vậy, không chỉ cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn rất cấp thiết, rất bức xúc để thanh niên tự bảo vệ nhân cách của mình trước sự xâm hại của "chủ nghĩa thực dân", "xâm lăng văn hóa" đang diễn ra ở khắp mọi nơi.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Đinh Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Tuyên Truyền, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho biết tại Việt Nam, các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,... còn được sử dụng cao hơn các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,...
Cùng với sự phổ biến của điện thoại di động, sinh hoạt trên không gian mạng đã dần trở nên phổ biến với người dân từ các đô thị hiện đại đến các làng quê hẻo lánh. Mặc dù đây là một không gian ảo, một thế giới ảo nhưng sự tác động, ảnh hưởng hệ lụy của Internet quả thực là đang hiện diện và không còn xa lạ gì với chúng ta. Không gian mạng hoàn toàn có thể được coi là một môi trường văn hoá, bởi ở đó các cá nhân thực hiện các giao tiếp xã hội, thiết lập các quan hệ xã hội, xây dựng các mạng lưới xã hội và tiến hành các tương tác xã hội.
Trên môi trường văn hóa đó diễn ra các hoạt động văn hóa hết sức sôi động, các tác phẩm văn hóa phổ biến nhanh chóng, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa giải trí và thu hút nhu cầu tiếp nhận của cộng đồng, trong đó giới trẻ là đối tượng tiếp nhận chủ yếu.
Cho biết về thực trạng tiếp nhận sản phẩm văn hóa hiện nay của giới trẻ, TS. Đinh Thị Thanh Tâm cho rằng về mặt tích cực, các bạn trẻ hiện nay đang tích cực bổ sung giá trị văn hóa giải trí của dân tộc, làm phong phú, sâu sắc hơn văn hóa giải trí của Việt Nam. Hiện nay các giá trị văn hóa được các bạn trẻ tiếp thu có chọn lọc và được lan tỏa nhanh hơn. Có nhiều dự án của các bạn trẻ khẳng định được tiếng vang, thể hiện sự sáng tạo như dự án Đồng bào Việt phục, dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường của nhóm sinh viên ĐH FPT minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, hay dự án Trường ca kịch viện đã tận dụng các phương tiện truyền thông mạng để các bạn trẻ không chỉ được học mà còn có thể xem nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngay tại nhà...
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thị Thanh Tâm, bên cạnh những mặt tích cực còn những hạn chế. Đó là xu hướng xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống của một bộ phận giới trẻ, rõ ràng hội nhập mở cửa, giao lưu văn hóa làm cho các sản phẩm văn hóa giải trí được tiếp cận nhanh chóng nhưng cũng đặt ra những thách thức về việc tiếp cận văn hóa giải trí, đặc biệt là các trào lưu văn hóa lệch chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ.
Một số bộ phận giới trẻ hiện quay lưng lại với âm nhạc dân tộc, sân khấu truyền thống, điện ảnh trong nước,... họ chuộng nghe nhạc ngoại hơn, phim ngoại hơn… Trong lĩnh vực giải trí, giới trẻ còn bị cuốn hút bởi những trào lưu xu nhập của nước ngoài hay tiếp thu thiếu chọn lọc, không phù hợp với văn hóa của dân tộc,...
Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ trên không gian mạng
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cần tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá trình CĐS để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc.
Đề cập tới các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, một số đại biểu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm này trên không gian mạng để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, chân thực, trong sáng, lành mạnh, định hướng văn hóa cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; vừa tạo được môi trường công bằng, lành mạnh để các nền tảng, sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển.
Trong bối cảnh CMCN 4.0 phát triển vô cùng mạnh mẽ như hiện nay đòi hỏi tổ chức Đoàn phải tạo được môi trường và phong trào để cổ vũ và thúc đẩy, khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu nhi, xem đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo tồn và phát triển văn hoá.
Ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, cho biết trong những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư và chiến lược bài bản, ngày càng có nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, ngày càng đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày càng có nhiều sân chơi bổ ích, góp phần gìn giữ, phát huy, quảng bá văn hóa Việt Nam dành cho các bạn trẻ trên không gian mạng.
"Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận các sản phẩm của chúng ta trên nền tảng số có chưa nhiều sản phẩm văn hóa mang tầm cỡ và sức ảnh hưởng đối với quốc tế. Bên cạnh đó, không gian mạng luôn tồn tại song song những luồng thông tin, những sản phẩm tích cực và tiêu cực, khó kiểm soát", ông Huy nói.
Để thanh niên sẵn sàng tham gia công cuộc chấn hưng văn hóa trong giai đoạn hiện nay, theo ông Bùi Quang Huy, cần nâng cao nhận thức và năng lực số cho thanh thiếu nhi, thực hiện CĐS trong các hoạt động văn hóa; tăng cường truyền thông xã hội và tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai các hoạt động giáo dục, bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực văn hóa./.