Theo đó, các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, thị trường Internet băng thông rộng cố định và chuỗi khối (Blockchain).
Cụ thể, ĐTĐM được đánh giá sẽ rất phát triển với khả năng bảo mật tốt so với hạ tầng máy chủ vật lý truyền thống. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đám mây Việt Nam đạt 26%/năm (cao nhất trong khu vực ASEAN), và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu).
Vietnam Report cho biết thêm, hiện Việt Nam hiện có 40 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 DN, trong đó các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần.
"Với cơ hội thị phần hiện nay cùng quỹ đạo tăng trưởng không ngừng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số, đây chính là thời cơ để các DN nội đầu tư phát triển dịch vụ này", báo cáo Vietnam Report nhấn mạnh.
Cũng có nhiều cơ hội phát triển như ĐTĐM, AI đang được ứng rộng mạnh mẽ, hiệu quả vào công việc, cuộc sống. AI đang góp phần giúp các DN xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu được chi tiết, cải thiện hoạt động dịch vụ và chất lượng sản phẩm; nhiều DN sử dụng công nghệ AI vào quá trình chuyển đổi số (CĐS) của mình.
"Nhiều DN sử dụng, ứng dụng IoT và đã có 66,67% DN áp dụng công nghệ này trong năm 2021, con số này tăng lên 86,67% trong năm 2022. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định đây là một trong những công nghệ rất có tiềm năng phát triển hiện nay", báo cáo nhấn mạnh đối với ứng dụng IoT.
Đến với đánh giá công nghệ 5G, Vietnam Report cho rằng 5G chính là tương lai của truyền thông và là mũi nhọn của toàn bộ ngành công nghiệp di động bởi tốc độ kết nối nhanh vượt bậc so với các thế hệ mạng viễn thông trước đó. 5G kỳ vọng sẽ tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc.
Hơn nữa, việc triển khai dịch vụ công nghệ 5G giúp các DN viễn thông thực hiện hóa các ứng dụng AI, IoT… trong các thành phố thông minh; tăng các nhu cầu trải nghiệm, phục vụ khách hàng.
Đối với thị trường Internet băng thông rộng cố định đang mở ra nhiều cơ hội phát triển và nhiều loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Các nhà mạng đã thay đổi, chuyển dịch phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng hạ tầng số. Việc phát triển mạng băng rộng góp phần mở ra những không gian mới cho DN trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt đây cũng là cơ hội thúc đẩy cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai", Vietnam Report nhấn mạnh
Cuối cùng là đánh giá về blockchain đang mở ra cơ hội cho ngành công nghệ - viễn thông thông qua nâng cao hiệu quả quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh và giao dịch như quản lý các dịch vụ nội dung số, quản lý chuỗi cung ứng với hợp đồng thông minh, đặc biệt là an ninh mạng và ngăn chặn gian lận.
"Blockchain được kỳ vọng giải quyết những thách thức một cách có chủ đích, đặt nền móng vững chắc cho sự đổi mới và tăng trưởng trong tương lai", theo Vietnam Report.
Bên cạnh những đánh giá về xu thế, xu hướng của ngành CNTT - VT Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, Vietnam Report cũng đã đưa ra danh sách xếp hạng 10 công ty Công nghệ Uy tín năm 2022 (Viettel; FPT; VNPT; Vinaphone; Mobifone…) và 10 công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2022 (FPT Software; MISA; FBT IS; CMC TS…)./.