Quyết định “chơi lớn” của Ấn Độ mới đây có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân và thu hút thêm các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới, nhất là khi đang muốn “kéo” việc sản xuất iPhone vào trong nước.
Ấn Độ “chơi lớn”, cả Samsung và Apple đã “đâm đơn” nhận hỗ trợ
Thông tin cho biết, cả Samsung, Apple và các đối tác sản xuất như Foxconn, Wistron, Pegatron... đều đã “đâm đơn” để có thể nhận được hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ trong việc sản xuất điện thoại di động. Chính phủ nước này cách đây hơn 1 tháng đã công bố một chính sách ưu đãi sản xuất (Production Linked Incentive) đặc biệt, nhằm mở rộng việc sản xuất điện thoại di động trong nước, tạo việc làm và cải thiện cán cân thương mại, với mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động lũy kế đến năm 2025 lên 100 tỷ USD.
Theo đó, Ấn Độ sẽ dành khoảng 5,5 tỷ USD để hỗ trợ 5 công ty sản xuất điện thoại di động có vốn đầu tư lũy kế trong 4 năm, tính từ tháng 4/2020 trên 133 triệu USD và có doanh thu tăng trưởng nhất định qua từng năm. Khoản hỗ trợ này sẽ được chi trả bằng tiền mặt, cho các dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị trên 200 USD/chiếc.
Một tính toán cho biết, với mỗi sản phẩm giá cao như iPhone của Apple, hay điện thoại dòng S của Samsung, thì các nhà sản xuất sẽ nhận được hàng chục USD tiền hỗ trợ. Nếu tính trung bình, mỗi doanh nghiệp có thể được mức hỗ trợ cao nhất lên tới 1,1 tỷ USD trong vòng 5 năm, tức là khoảng 220 triệu USD/năm.
Một món “hời” như vậy nên dễ hiểu vì sao, các nhà sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ nhanh chóng nộp đơn xin nhận hỗ trợ. Với khoản hỗ trợ này, giá thành sản phẩm sẽ giảm đi khá nhiều, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhà sản xuất vì thế cũng kinh doanh hiệu quả hơn.
Trên thực tế, hiện rất nhiều nhà sản xuất điện thoại di động đã có mặt ở Ấn Độ. Samsung có hai nhà máy, ở Noida và Sriperumbudur. Trong đó, nhà máy ở Noida mới được đưa vào vận hành năm 2018 và là một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, với công suất 120 triệu thiết bị/năm.
Xiaomi, Oppo, LG đều có các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại đây. Apple, thông qua hai nhà sản xuất là Foxconn và Winstron, đã sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Thậm chí, thông tin gần đây cho biết, Foxconn có ý định đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD để dịch chuyển một số dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Một trong những lý do quan trọng khiến Apple hối thúc các đối tác của mình sản xuất điện thoại di động tại Ấn Độ là, dù Ấn Độ là thị trường điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới, nhưng Apple mới chỉ chiếm 1% doanh số tại đây. Ấn Độ có thuế nhập khẩu cao, khiến giá bán sản phẩm Apple đắt hơn khá nhiều so với các đối thủ. Sản xuất các sản phẩm tại địa phương có thể giúp Apple giảm được thuế nhập khẩu 20% cho các dòng điện thoại di động sản xuất ngoài Ấn Độ, đồng thời giảm bớt được một số chi phí, khiến iPhone trở nên cạnh tranh hơn.
Việt Nam trong thế cạnh tranh mới
Cũng giống như Ấn Độ, Việt Nam đang là một trung tâm sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu. Ngoài Samsung, với hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, hiện cung ứng khoảng 55% tổng sản lượng điện thoại di động trên toàn cầu của hãng này, thì LG cũng có nhà máy sản xuất đồ điện tử, bao gồm cả điện thoại di động, 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng.
Ngoài ra, trước đây, Nokia cũng đã xây nhà máy 300 triệu USD ở Bắc Ninh. Nhà máy này sau đó được chuyển nhượng cho Microsoft và hiện thuộc quyền sở hữu của FIH Mobile Ltd - một công ty con của Foxconn, nhà sản xuất lớn nhất các sản phẩm iPhone cho Apple.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam là 49,1 tỷ USD; năm 2019, con số là 51,38 tỷ USD và 7 tháng đầu năm là 25,7 tỷ USD. Điện thoại di động và linh kiện hiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bởi thế, khi Ấn Độ có chính sách đặc biệt nói trên, câu hỏi đặt ra là, liệu chính sách đó có ảnh hưởng đến việc giữ chân nhà đầu tư hiện hữu và thu hút thêm nhà đầu tư mới của Việt Nam?
“Ảnh hưởng hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết.
Trên thực tế, cách đây ít năm, khi Samsung mở nhà máy quy mô lớn tại Ấn Độ, đã có những e ngại về việc tập đoàn sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu này sẽ dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Tuy nhiên, câu trả lời là họ vẫn ở lại thị trường Việt Nam. Nhà máy ở Ấn Độ phần lớn để phục vụ thị trường nội địa, chỉ một phần được dành cho xuất khẩu.
Mặc dù vậy, trong “cuộc chơi” mới này, mọi chuyện có thể sẽ khác, nhất là khi Việt Nam đang muốn “kéo” việc sản xuất iPhone về phía mình.
Thời gian gần đây, việc Foxconn liên tục tăng vốn đầu tư, cộng thêm việc lãnh đạo của Apple nhiều lần ra - vào Việt Nam khiến có những đồn đoán rằng, Apple sẽ sản xuất iPhone tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là suy đoán. Mới chỉ có một khẳng định chắc chắn được đưa ra, đó là Apple sẽ đa dạng hóa việc sản xuất các linh kiện tại Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài Foxconn, còn một số nhà sản xuất khác cũng đang sản xuất các linh kiện cho iPhone. Trong số đó, đáng chú ý có Luxshare, nhà sản xuất chỉ cách đây ít tháng đã được Apple lựa chọn để sản xuất các sản phẩm iPhone cho mình.
Luxshare hiện có 2 nhà máy sản xuất ở Bắc Giang và một nhà máy ở Nghệ An, cả 3 nhà máy liên tục được tăng vốn đầu tư. Đặc biệt, Luxshare Nghệ An dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã nhanh chóng nâng vốn đầu tư từ 70 triệu USD cuối năm ngoái lên 140 triệu USD vào tháng 4 năm nay. Kế hoạch của Luxshare là sẽ đưa vốn đầu tư của nhà máy này lên khoảng 200 triệu USD trong tương lai.
Việt Nam từng ưu đãi tài chính cho Intel
Trên thực tế, trong hành trình hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có một lần áp dụng biện pháp hỗ trợ tài chính cho Intel, với khoản hỗ trợ 70 triệu USD. Một phần nhờ sự hỗ trợ này, 14 năm trước, Intel đã quyết định đầu tư vào Việt Nam, thay vì chọn Ấn Độ - một địa điểm đầu tư cũng đầy tiềm năng, mà khi đó, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới đang cân nhắc.
Sau “cú hích” Intel, làn sóng các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã hình thành. Samsung, LG, Kyocera, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox… cũng đã “theo chân” Intel để vào Việt Nam.
Mặc dù thông tin gần đây cho biết, các chuyên gia của Apple cũng nhiều lần tới Luxshare để nghiên cứu khả năng sản xuất iPhone tại Việt Nam, song đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ cam kết nào được đưa ra. “Tôi nghĩ là rất khó có khả năng Apple cho sản xuất iPhone tại Việt Nam”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhận định.
Theo ông Lê Tuấn, vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng. Một sản phẩm iPhone có khoảng 18.000 - 20.000 linh kiện. Trên thế giới hiện Trung Quốc là nơi duy nhất có đủ 20.000 linh kiện để lắp ráp iPhone. Ấn Độ đáp ứng được khoảng 1/2, nhưng vì vấn đề thị trường, nên họ sẵn sàng cho lắp ráp tại đây. Còn ở Việt Nam, dù 2 năm gần đây, số lượng nhà sản xuất linh kiện cho iPhone cũng nhiều, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% số linh kiện cần thiết. Họ không thể nhập khẩu tới 90% linh kiện được, nhiều rủi ro và tốn kém.
Xem ra, cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư là không đơn giản, nhất là khi không chỉ Ấn Độ, mà còn nhiều quốc gia khác cũng đã và đang sẵn sàng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư để đón dòng đầu tư dịch chuyển thời kỳ hậu Covid-19.
Mấu chốt là phản ứng chính sách
Cơ hội cho Việt Nam không phải là không có, thậm chí là rất lớn. Google được cho là sẽ sản xuất các dòng Pixel 4a, Pixel 5 tại Việt Nam. Nhiều hãng công nghệ lớn cũng đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất về Việt Nam. Nhưng Việt Nam sẽ phải làm thế nào để tận dụng được cơ hội này, khi mà các “đối thủ” như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… liên tục “tung” ra các cơ chế, chính sách đột phá để kéo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển nghiêng về phía mình.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng chiến lược mới về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội đang được nghiên cứu để triển khai. Cùng với đó là sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực… để đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cũng đã được thành lập để làm sao đón được cơ hội từ làn sóng đầu tư đang dịch chuyển.
Nhìn từ câu chuyện của Ấn Độ, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, không chỉ Ấn Độ, mà sẽ có cả Indonesia và các quốc gia khác sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tương tự. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam không ngại cạnh tranh với Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư, bởi không chỉ có nhiều chính sách ưu đãi tốt, mà còn có nhiều ưu thế nổi trội, như chống dịch tốt, an ninh chính trị, an toàn xã hội ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, không có chuyện xung đột sắc tộc, biểu tình như ở một số nước…
Tuy nhiên, về lâu dài, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần nghiên cứu lại các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới của thế giới, khi mà nhiều nước bắt đầu coi trọng các ưu đãi về tài chính. Nhiều nhà đầu tư cũng thích các ưu đãi tài chính hơn là ưu đãi thuế, bởi ưu đãi tài chính có hiệu lực tức thì, còn ưu đãi thuế phụ thuộc vào quá trình sản xuất - kinh doanh sau này.
“Có thể Việt Nam không máy móc áp dụng các biện pháp đó, nhưng nên nghiên cứu, bởi nếu không, có thể sẽ mất đi một lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Rõ ràng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt hơn. Trong tương lai, khi vị thế như một kẻ mạnh tuyệt đối trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Trung Quốc bị lay chuyển, thì trận chiến tranh giành ngôi vị thứ hai giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ ngày càng khốc liệt.