Đó là quan điểm nhận định, đánh giá của TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDT) tại Hội nghị bàn tròn "Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và hiệp định EVFTA" do Phái Đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam (EUD), VINASA, Eurocham vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Chuyển đổi số không có "biên độ trễ" trong những cuộc CMCN mới
Trên quan điểm của một giảng viên có kinh nghiệm tại khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN), đồng thời là người đại diện VIDT, TS. Tuấn cho rằng Hiệp định EVFTA khi Việt Nam tham gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số của quốc gia.
Do đó, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, kết quả cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, kế hoạch hành động… Đặc biệt, nhân tố quan trọng nhất chính là kết quả trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, vì đây là một cuộc đua không cho phép chúng ta đi chậm, cần chuyển mình nhanh, tích cực trong xu hướng phát triển chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang bao trùm toàn thế giới.
Cũng theo TS. Tuấn, thời gian các cuộc CMCN gần như không cho phép có "biên độ trễ" và không kéo dài như trước, chu kỳ bị giảm đi một nửa khi xuất hiện một cuộc CMCN mới. Theo giả định, nếu lộ trình năm 2020 tạm coi là khởi đầu của CMCN 4.0, được dẫn dắt bởi những công nghệ số đỉnh cao với dữ liệu lớn thì có thể 20 năm sau, có thể sẽ xuất hiện cuộc CMCN 5.0, và khi đó chúng ta, thế giới không dễ để biết được chính xác nó sẽ được dẫn dắt bởi công nghệ nào.
"Tuy nhiên, với giả định nêu trên, nó có thể diễn ra, kéo theo những cơ hội phát triển, đồng thời cũng là những thử thách đối với các nước trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ. Tuy nhiên, để thích ứng, đảm bảo mục tiêu phát triển, Việt Nam luôn cần phải chủ động với lộ trình này, đặc biệt cần chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ cơ bản, nền tảng số mới và tạo điều kiện tốt trên môi trường chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ổn định, bền vững", TS. Tuấn nhấn mạnh.
Để làm tốt, phát triển hiệu quả tiến trình chuyển đổi số quốc gia vì mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, nhất là kinh tế số, Phó Viện trưởng VIDT cho rằng, Chính phủ, Nhà nước cần tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty, DN phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế trên nền tảng số hóa.
"Chính phủ cần xây dựng nền tảng, phối hợp các bộ ngành tuyên truyền kiến thức giúp lực lượng lao động thích ứng với chuyển đổi số. Ngoài ra Chính phủ tạo ra khung chính sách thử nghiệm "sandbox", vượt qua quy định hiện hành, hoặc có thể tạo ra nền tảng giúp DN kết nối dễ dàng với đội ngũ chuyên gia hỗ trợ chia sẻ những kinh nghiệm (mentor) tương ứng… Nếu làm tốt điều này, Việt Nam hoàn toàn tự tin vào nhóm vượt trội về chuyển đổi số", TS. Tuấn nhấn mạnh.
Đối với các công ty, DN, cũng cần tự nhận thức ra tính ưu việt của kinh tế số và nỗ lực, tích cực thực hiện yêu cầu cấp bách trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Do đó các DN công nghệ cần sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm ứng dụng, công nghệ mới, cả phần cứng, phần mềm để tăng cường sử dụng các giao dịch trên nền tảng công nghệ số.
TS. Tuấn cũng cho biết thêm, chuyển đổi số giờ đây, không phải là một dự án thông thường, mà cần được tiến hành một cách bài bản, có kế hoạch rõ ràng, diễn ra trên nhiều khía cạnh, bao gồm văn hóa tổ chức, lực lượng lao động và phương thức điều hành.
"Chuyển đổi số là một môn thể thao đồng đội. Người lãnh đạo DN cần phải trực tiếp tham gia, DN cần phải thường xuyên thay đổi để thích ứng thì chuyển đổi số mới có thể diễn ra thành công", Phó viện trưởng VIDTInhấn mạnh.
Phát triển kinh tế số phải làm chủ công nghệ lõi
Cũng quan trọng như chuyển đổi số, muốn phát triển kinh tế số, theo TS. Tuấn, chúng ta phải phát triển các ngành nghề truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ số vào chính hoạt động của các DN. Đồng thời, các DN dịch vụ cần phải có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua hoặc cung cấp các sản phẩm dịch vụ số, thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Hiện nay việc, phát triển kinh tế số thường được áp dụng trên mô hình hợp nhất 05 trụ cột quan trọng gồm: Hạ tầng cơ bản; hạ tầng số; môi trường tạo điều kiện; công nghệ hỗ trợ; phát triển vốn con người.
Trong 5 trụ cột cơ bản này, kinh tế số được chia thành 03 cấp độ, gồm: Số hóa (digitization), ứng dụng kỹ thuật số (digitalization) và chuyển đổi số (digital transformation).
Cũng trên quan điểm phân tích kết quả việc thực hiện chuyển đổi số của DN Việt Nam, TS. Tuấn cho rằng, chúng ta đang đạt con số còn thấp (chỉ khoảng 10% DN Việt Nam đang thực hiện cấp độ cao nhất là chuyển đổi số).
Như vậy, dựa trên số liệu đưa ra, Phó viện trưởng VIDTI cho rằng, đây chính là nguyên nhân khi DN Việt muốn tiếp cận với kinh tế số thường cho kết quả không thành công như mong đợi (thất bại có thể đạt ngưỡng khoảng 70%). Đây là một rủi ro đáng lo ngại, bởi nếu không có những thay đổi mang tính chiến lược, Việt Nam có thể rơi vào "vùng trũng" của đường cong mặt cười, nơi lẽ ra phải thu được các giá trị lớn vì công nghệ mang lại, thì nay chỉ nhận được những kết quả thấp nhất.
"DN Việt đang gặp khó khăn trong việc làm chủ công nghệ lõi, cùng với những sai lầm trong hoạch định chiến lược", Phó viện trưởng VIDTI lý giải.
Bên cạnh đó, Phó viện trưởng VIDTI nhận định, một trong những nguyên nhân nữa khiến việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện chưa được như mong đợi chính là hiện nay, chúng ta chưa làm tốt việc hoạch định, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế số.
Dẫn chứng về việc này, TS. Tuấn cho biết, VIDTI cũng đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng lúng túng, băn khoăn trong việc bắt tay triển khai, thực hiện việc phát triển kinh tế số.
Đơn cử việc, mặc dù đã có quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tuy nhiên, khi các địa phương áp dụng triển khai vẫn chưa nêu rõ được các tiêu chí về kinh tế số như: Vận hành số, thanh toán số, thương mại số, tỷ lệ DN CNTT trong số DN trên đại bàn…
Do đó, giờ đây cấp thiết cần phải có kịch bản kinh tế số ở Việt Nam. Chúng ta đã có một kịch bản kinh tế số đầy hứa hẹn, vấn đề chỉ là chúng ta cần đồng tâm, hợp sức, đồng bộ để thực hiện. Mới đây trong một báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), để Việt Nam có bước tiến xa trong kịch bản nền kinh tế số, thì việc cần làm hơn hết vào lúc này phải trở thành quốc gia chuyển đổi số.
"Nếu Việt Nam thực hiện tốt, hiệu quả tiến trình này, chúng ta sẽ thuộc nhóm tiêu thụ sản phẩm, các giải pháp số cao, có thể tự tạo ra và làm chủ các sản phẩm số không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn có thể xuất khẩu các giải pháp số ra nước ngoài", Phó viện trưởng VIDTI phân tích.
Trên cơ sở những phân tích đó, TS. Tuấn cho rằng chúng ta hoàn toàn có cơ sở, niềm tin để triển khai kinh tế số trên, bởi lẽ Việt Nam luôn có những cơ hội nội tại, như lực lượng dân số trẻ, đam mê công nghệ, tốc độ và độ phủ Internet rộng, hạ tầng viễn thông tốt, có sự dịch chuyển đổi mới sáng tạo…
Việt Nam luôn có thế mạnh dư địa phát triển kinh tế số lớn, như trong lĩnh vực bán lẻ so với các nước trong khu vực, chi tiêu tạp hóa qua kênh hiện đại thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để ứng dụng công nghệ số chuyển dịch bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại. Hay tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản thanh toán di động còn thấp, là cơ hội cho các DN phát triển fintech…
Để thực hiện tốt những lợi thế này, TS. Tuấn cho biết thêm, mặc dù Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá có thế mạnh, tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có những sách lược đúng đắn, vẫn có thể có nguy cơ rơi vào "vùng trũng" của công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi.
"Nếu không làm chủ công nghệ lõi, tự xây dựng thương hiệu thì đa số DN sẽ rơi vào bẫy đường cong mặt cười và nằm ở đáy đường cong kinh tế. Khi đó, giá trị gia tăng kinh tế được tạo ra thấp nhất", Phó viện trưởng VIDTI nhấn mạnh.
Như vậy, Việt Nam tham gia EVFTA sẽ mở ra cơ hội phát triển đất nước, mở rộng thông thương với châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Đây chính là một thuận lợi tốt cho việc chuyển đổi số, kinh tế số. Và điều quan trọng, chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội này để chuyển mình phát triển đất nước.