Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

T.H| 24/09/2022 10:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030, là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng khoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường hiện nay. Điều này đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 và hệ thống văn bản hướng dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc xây dựng, ban hành khung hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tạo "sức sống" cho nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh Internet

Lợi ích của kinh tế tuần hoàn

Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử loài người kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn tới nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đưa ra kêu gọi hành động khẩn cấp về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế các-bon trung tính, không phát thải vào năm 2050. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động sâu sắc tới mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới và đòi hỏi một mô hình tăng trưởng đảm bảo tính phát triển bền vững. Chính vì vậy, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những xu thế tất yếu của thời đại, nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì thiên nhiên và sức khỏe của toàn nhân loại.

Mục tiêu chính của kinh tế tuần hoàn là để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu thông qua việc tái chế vật liệu, tái sử dụng các sản phẩm, gia tăng tuổi thọ và tối ưu hóa cũng như duy trì giá trị kinh tế của nguồn nguyên liệu. Mục tiêu này đem lại lợi ích về kinh tế cũng như với môi trường (ECERA, 2020). Theo Quỹ Ellen MacArthur (2012), các nước sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như tiết kiệm chi phí vật liệu, giảm thiểu biến động và rủi ro trong hoạt động sản xuất và cung ứng; thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo và đem lại lợi ích trong việc tuyển dụng; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và xây dựng một nền kinh tế có khả năng phục hồi và có tính bền vững.

Theo ước tính của Quỹ Ellen MacArthur (2013), châu Âu sẽ tiết kiệm chi phí cho vật liệu vào khoảng 340 đến 380 tỉ USD mỗi năm (với kịch bản chuyển tiếp) và 520 đến 630 tỉ USD mỗi năm (với kịch bản tối ưu). Trong trường hợp tối ưu nhất, ngành sản xuất ô tô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất (lên đến 170 đến 200 tỉ USD/năm), tiếp đến là ngành sản xuất thiết bị và máy móc (lên đến 110 đến 130 tỉ USD/ năm) và ngành điện máy (lên đến 75 đến 90 tỉ USD/ năm). Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp có những bước đi quyết liệt và sáng tạo như việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thì lợi ích kinh tế sẽ còn đạt được cao hơn so với ước tính của Quỹ.

Mặt khác, từ góc độ của doanh nghiệp, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tăng cường khả năng "đề kháng" của doanh nghiệp một cách có hệ thống. Các doanh nghiệp sẽ tạo được các nhóm lợi nhuận và nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng khả năng chống chọi với những vấn đề mang tính cấp bách trên thế giới và phát triển một cách đột phá.

Kinh tế tuần hoàn đến nay vẫn còn là một mối quan tâm nghiên cứu của không chỉ giới học giả, mà còn của các nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp. Có thể thấy được lợi ích về kinh tế, lợi ích cho cộng đồng, môi trường, cũng như các tiềm năng khác mà kinh tế tuần hoàn đem lại. Tuy nhiên, để một tổ chức phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thành công, tổ chức đó cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về các nguồn lực quan trọng, đặc biệt là nguồn lực về con người. Việc quản trị tri thức liên quan đến việc xử lý hiệu quả tri thức và tài nguyên trong một tổ chức, là nội dung quan trọng, không thể thiếu của chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy cho việc vận hành, ứng dụng chuyển đổi số và mô hình kinh tế tuần hoàn một cách thuần thục, hiệu quả.

Các nước phát triển trên thế giới đã tích cực chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn để hướng đến một tương lai bền vững, giải quyết các vấn đề nan giải về môi trường như ô nhiễm, khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên cũng như thúc đấy hiệu quả và năng suất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng quan trọng của đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái (Bộ Công Thương, 2021). Việc thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật BVMT thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với khu vực cũng như đối với sự phát triển của nhân dân ta. Có thể thấy, Việt Nam đang từng bước tiếp cận với các xu thế phát triển của thế giới. Điều này vừa mở ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để sẵn sàng đối mặt với các thách thức trước mắt, cũng như đón nhận các cơ hội mới.

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đại diện Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ chung tay cùng các quốc gia về đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này, cần phải tăng cường sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả, thiết thực và bền vững.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới cùng các quan điểm về kinh tế tuần hoàn, để thúc đẩy mô hình kinh tế này ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Theo đó, ngay từ những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2030, cần tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường...

Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất; đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn. Cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình...

Ngoài ra, doanh nghiệp phải cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO