Thụy Điển nhập rác thải để sản xuất điện

Lan Phương| 16/06/2020 22:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Thụy Điển là quốc gia hàng đầu trên thế giới về phát triển năng lượng sạch. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch. Việt Nam và Thụy Điển hợp tác để phát triển năng lượng sạch.

Các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sạch giữa hai nước đã được chia sẻ tại Hội thảo "Triển vọng hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng" diễn ra chiều 16/6 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Thương mại, Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Năng lượng tái tạo giải quyết vấn đề môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năng lượng tái tạo có thể giúp giải quyết vấn đề môi trường. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, khi giá cả loại năng lượng này đang cạnh tranh hơn so với năng lượng truyền thống.

Thuỵ Điển nhập rác để tái tạo năng lượng bền vững - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng

"Trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng có nêu, trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển thị trường năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Vì thế chúng ta phải vận động tích cực và triệt để hơn nữa các nguồn lực xã hội, từ khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng tại Việt Nam, khi mà sự cam kết, hỗ trợ cụ thể của Nhà nước với các dự án năng lượng đang ngày càng ít đi", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Để thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang tích cực triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam. 

"Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng xanh, ít chất thải. Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm và hợp tác phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo từ phía các doanh nghiệp Thụy Điển, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phát triển năng lượng…", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

Khởi động một hợp tác mới về năng lượng

Cũng tại Hội thảo, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: Hội thảo này sẽ bắt đầu một chương hợp tác mới giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Công Thương và các công ty của Thụy Điển sẽ cùng nhau tham gia trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thuỵ Điển nhập rác để tái tạo năng lượng bền vững - Ảnh 2.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe: Thụy Điển và Việt Nam có một lịch sử lâu dài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Thụy Điển được biết đến với hệ thống xử lý chất thải được quản lý tốt và các giải pháp biến chất thải thành năng lượng tiên tiến. Chúng tôi là một trong những quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Thụy Điển được xếp hạng số 1 về chuyển đổi năng lượng ba năm liên tiếp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018-2020. Điều này có nghĩa Thụy Điển là quốc gia tiên phong trong đề ra các giải pháp hướng đến hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng và toàn diện trong tương lai. Tiềm năng hợp tác năng lượng giữa hai nước Thụy Điển - Việt Nam chúng ta là hết sức to lớn.

Thụy Điển và Việt Nam có một lịch sử lâu dài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trước đây, trọng tâm là thủy điện. Ngày nay, vấn đề xác định là biến đổi khí hậu và Thụy Điển cũng như Việt Nam cần phải chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên tập trung vào  năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong truyền tải điện.

"Chúng tôi đến Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hoạt động trong các mảng, như: Thiết bị điện, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời…, cùng các đại diện các tổ chức Chính phủ Thụy Điển để cung cấp các giải pháp tài chính và nghiên cứu tiền khả thi trong lĩnh vực năng lượng.

Chính phủ Việt Nam đã có một kế hoạch ấn tượng, tầm nhìn dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam mà lâu dài còn đem lại lợi ích về môi trường, về khí hậu, cũng như thiên nhiên và cho sức khỏe con người", bà Ann Mawe cho hay.

Nhập rác thải để tái tạo năng lượng sạch

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch tại Thuỵ Điển, ông Bjorn Savlid, Trưởng Đại diện cơ quan Đầu tư Thương mại Thuỵ Điển cho biết: Thuỵ Điển luôn cố gắng đa dạng hoá nguồn năng lượng và là quốc gia thành công nhất trên thế giới về xây dựng xã hội bền vững. Trong quá trình phát triển hơn 50 năm, Thuỵ Điển đã giảm được lượng khí thải carbon 3 lần, GDP tăng gấp đôi. Thuỵ Điển là 1 trong những quốc gia hiện nay nhập rác thải để biến rác thải thành điện năng, đảm bảo phát triển bền vững, thịnh vượng song hành với bảo vệ môi trường.

Thuỵ Điển cũng đã có những chính sách tham vọng trong nhiều năm để tái chế rác thải thành năng lượng như cấm chất thải dễ cháy từ năm 2002, cấm rác thải hữu cơ năm 2005, 50% rác thải từ hộ gia đình gồm cả rác thải hữu cơ vào năm 2010, đạt 40% tái chế thức ăn thừa để tạo ra năng lượng và phục hồi chất dinh dưỡng vào năm 2015.

Thuỵ Điển nhập rác để tái tạo năng lượng bền vững - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo

Để đạt các mục tiêu tham vọng này, Thuỵ Điển xây dựng các chính sách với mục tiêu, đính hướng ngành năng lượng thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải từ những năm 1970; thực hiện nguyên tắc kiềng 3 chân: tư nhân; giới học thuật và chính phủ; cây gậy (chế tài về CO2, thuế) và củ cả rốt (ban hành chính sách thu hút các DN tham gia thúc đẩy sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường).

Việc thực hiện cần một chặng đường dài và Việt Nam có thể học hỏi Thuỵ Điển về biến rác thải thành năng lượng. Thuỵ Điển đã biến hơn 50% rác thải thành điện, hơn 47% rác thải được tái chế, có nghĩa là dưới 1% rác thải được chôn lấp.

Các yếu tố mang lại thành công trong lĩnh vực năng lượng của Thuỵ Điển: xây dựng mục tiêu tham vọng dài hạn, tích cực xây dựng chính sách về giá; huy động các chủ thể; đóng góp của KHCN; Cam kết của các bên, bao gồm cam kết chính trị; Nâng cao nhận thức, đào tạo, xây dựng các khuôn khổ chính sách mang tính dài hạn.

Bên cạnh đó, các thành phố, địa phương phải có trách nhiệm đối với rác thải. Nhà sản xuất hàng hoá có trách nhiệm thu hồi và tái chế rác thải. Ở Thuỵ Điển, mỗi hộ gia đình phải đóng góp 150 USD/năm để tái chế cho các sản phẩm gia đình.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Thuỵ Điển như Công ty ABB chia sẻ về hệ thống pin tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý thị trường năng lượng bán buôn, lưới kỹ thuật số - tự động hóa lưới; Công ty Ericsson chia sẻ về kết nối 4G/5G trong chuỗi giá trị năng lượng; Công ty Linxon chia sẻ về trạm biến áp cho điện xoay chiều dưới hình thức dự án chìa khóa trao tay.

Thuỵ Điển nhập rác để tái tạo năng lượng bền vững - Ảnh 4.

Ông Phan Hà Trung, Phó chủ tịch kinh doanh Ericsson Việt Nam

Theo đại diện của Ericsson, những giải pháp thúc đẩy 4G, 5G, IoT giúp ngành năng lượng vượt nhiều thách thức hiện nay. Các ngành dịch vụ công cộng đang gặp phải những thách thức về hạ tầng, giải pháp của Ericsson giúp tối ưu mạng lưới, hệ thống điện, truyền tải điện bền vững, an toàn, ổn định.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Thuỵ Điển ngày càng phát triển. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm và đạt trên 1,5 tỷ USD vào năm 2018. Đầu tư của Thuỵ Điển vào Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Tính đến tháng 3/2019, Thuỵ Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vũng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký vào khoảng 364 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam và Thuỵ Điển tiếp tục hướng tới mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, CNTT-viễn thông, công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thụy Điển nhập rác thải để sản xuất điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO