Tiền điện tử trên thực tế đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến năm 2009 mới thực sự bùng nổ khi đồng tiền có tên bitcoin ra đời. Đến năm 2020, toàn thế giới đã có khoảng 5.400 loại tiền điện tử khác nhau. Trải qua gần 12 năm, tiền điện tử không còn là loại tài sản mới đối với chúng ta nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển của coin, luôn có những vấn đề mới phát sinh mà nếu không am hiểu, chúng ta có thể sẽ trở thành nạn nhân.
Trong khi các vấn đề cũ, liên quan tới tính pháp lý là loại tiền này được hay không được các chính phủ trên thế giới thừa nhận thì các vấn đề mới đang nảy sinh như: quảng bá, thúc đẩy người khác kinh doanh hay mua coin; lừa đảo thu thập dữ liệu; và rửa tiền... đang trở thành vấn nạn.
Quảng bá sản phẩm chưa được cấp phép
Tháng 5/2021, dư luận và truyền thông tại Việt Nam đã phải lên tiếng bởi một loạt những người nổi tiếng công khai quảng bá, tư vấn, lôi kéo người khác đầu tư vào tiền ảo bất hợp pháp trên các mạng xã hội có đông người tham gia tại Việt Nam.
Sau khi dư luận lên tiếng phản đối, những người này đã xóa các bài đăng quảng bá cho tiền ảo. Dù họ chưa bị chế tài nhưng trong tháng 5/2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đã ban hành công văn gửi các Hội Văn học nghệ thuật thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng một số văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định pháp luật, trong đó có tiền ảo.
Khi trao đổi với báo Thanh Niên, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn LS TP. HCM) cho biết nếu nghệ sĩ hoặc bất cứ người nào dụ dỗ, lôi kéo, quảng bá về tiền ảo, mà gây ra hậu quả thiệt hại cho người khác là vi phạm pháp luật [1]. Còn chưa gây hậu quả thì việc quảng bá, lôi kéo tiền ảo cũng vi phạm pháp luật do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chưa cho phép giao dịch đồng tiền này trên thị trường.
Theo Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.
Ngoài ra, kể từ ngày 1/1/2018, người nào thực hiện các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại sẽ bị xử lý về tội tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 hoặc tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)". Cụ thể, người nào thực hiện hành vi "phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả" gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Không chỉ tại Việt Nam, cuối tháng 5/2021 vừa qua, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa buộc tội 5 cá nhân vì quảng cáo bất hợp pháp 2 tỷ USD tiền điện tử Bitconnect Ponzi. SEC cho biết, 5 cá nhân này đã thúc đẩy một đợt chào bán chứng khoán tài sản kỹ thuật số chưa được đăng ký trên toàn cầu.
Những lưu ý đối với các đồng coin chưa được thừa nhận
Cần nhấn mạnh, tại Việt Nam, Nhà nước chưa thừa nhận bất cứ đồng tiền điện tử hay tiền ảo nào, kể cả bitcoin - loại tiền ảo phổ biến nhất toàn cầu. Vì thế việc kinh doanh, mua bán tiền ảo tại Việt Nam luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Trong Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/7/2017 gửi văn phòng chính phủ cũng khẳng định: "Tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)".
Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo cũng như bitcoin là một phương tiện thanh toán. Việc phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán là bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ tại Việt Nam, tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), nhiều dòng tiền điện tử ra đời đã khiến cho người mới tiếp cận khó phân biệt được giữa các chiến dịch quảng bá mờ ám với các chương trình truyền thông đáng tin cậy.
Cuối tháng 5/2021, Văn phòng Truyền thông Dubai đã thông báo việc nhà chức trách chưa chấp thuận loại tiền kỹ thuật số có tên Dubai Coin, đồng tiền này đã chứng kiến mức tăng vọt 1.000% khi ra mắt với lời quảng cáo là "tiền kỹ thuật số chính thức của Dubai".
Thông báo cảnh báo: "Đây không phải là tiền điện tử chính thức của thành phố. Trang (web) quảng cáo Dubai Coin là một chiến dịch lừa đảo phức tạp, được thiết kế để lấy cắp thông tin cá nhân từ những người truy cập". Việc này cũng gần tương tự như việc, thời gian qua, nhiều người làm nghề môi giới địa ốc tại Việt Nam, cố tình đăng các quảng cáo về những món địa ốc ảo, có giá rẻ hơn thị trường rất nhiều nhằm thu thập số điện thoại của những người có nhu cầu gọi đến cho họ.
Sau thông báo nói trên, các nền tảng niêm yết lớn CoinMarketCap và CoinGecko đã xóa Dubai Coin khỏi trang của họ. Theo dữ liệu từ TradingView, giá của đồng tiền này đã giảm hơn 50% kể từ khi có tuyên bố chính thức từ chính quyền Dubai.
Trang web hiện không còn tồn tại của Dubai Coin từng tuyên bố, đây là một dự án được cung cấp bởi ArabianChain Technology, một blockchain công khai tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, một ngày trước khi chính quyền Thành phố đưa ra cảnh báo, ArabianChain đã nhanh chóng thông báo rằng Dubai Coin không liên quan gì đến công ty. Họ gọi trang của Dubai Coin là lừa đảo.
Tiền điện tử là phương tiện để rửa tiền?
Các doanh nghiệp tiền điện tử tại Anh đang phải đối mặt với việc đáp ứng các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) do Cơ quan quản lý tài chính (FCA) đặt ra.
John Glen, một thành viên của Quốc hội Anh và là Thư ký Kinh tế tại Bộ Tài chính, đã chỉ ra những khó khăn của các công ty tiền điện tử trong việc đăng ký theo quy định AML của FCA. Theo quan chức này, tính đến ngày 24/5/2021, chỉ có 5 doanh nghiệp tiền điện tử đã nhận được đăng ký từ FCA sau khi cơ quan này được giao nhiệm vụ giám sát AML của ngành công nghiệp tiền điện tử tại Anh vào tháng 1/2020.
"Trong số các công ty được đánh giá cho đến nay, hơn 90% đã rút đơn đăng ký sau khi có sự can thiệp của FCA. Trong số này có 167 doanh nghiệp tài sản tiền điện tử có các ứng dụng nổi tiếng," John Glen lưu ý và cũng nói thêm, 77 công ty tiền điện tử mới đang chờ được đánh giá.
FCA cũng không thể xử lý và cấp đăng ký cho tất cả các đơn đăng ký do một lượng lớn các công ty không áp dụng các khuôn khổ kiểm soát AML mạnh, cũng như tuyển dụng nhân viên phù hợp. Do đó, FCA đã thiết lập "Chế độ đăng ký tạm thời" cho phép các công ty tiền điện tử tiếp tục giao dịch đến ngày 9/7 trong khi chờ quyết định chính thức.
FCA đã và đang mở rộng sự giám sát theo quy định đối với ngành công nghiệp tiền điện tử trong năm nay. Vào tháng 3, cơ quan này đã công bố kế hoạch yêu cầu các công ty tiền điện tử gửi báo cáo tội phạm tài chính hàng năm. Trước đây, FCA đã cấm các công ty của Anh cung cấp các sản phẩm tiền điện tử phái sinh, bao gồm hợp đồng tương lai và ghi chú giao dịch trao đổi cho khách hàng bán lẻ.
Cũng liên quan đến các lo ngại về việc tội phạm có thể sử dụng tiền điện tử cho mục đích rửa tiền, trong tháng 5/2021, thành phố Hongkong (Trung Quốc) đã có động thái hạn chế giao dịch tiền điện tử đối với giới nhà giàu tại đây.
Quan chức phụ trách Tài chính của Hongkong cho biết, Thành phố đã đúng khi theo đuổi các quy định hạn chế tiền điện tử. Christopher Hui, người phụ trách cơ quan Dịch vụ Tài chính và Kho bạc Hồng Kông (FSTB) đã bảo vệ đề xuất gần đây của ngành Tài chính về việc cấm giao dịch bán lẻ tiền điện tử.
Theo trang cointelegraph.com [2], trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ tài chính ảo StartmeupHK vào ngày 27/5/2021, ông Christopher Hui cho biết, đề xuất này phù hợp với kế hoạch của Chính phủ nhằm bảo vệ thị trường tiền điện tử mới nổi.
Như thông tin từng có trước đây, FSTB đã đưa ra đề xuất sau một thời gian tham vấn, kêu gọi cấm giao dịch bán lẻ tiền điện tử và thiết lập một chế độ quản lý nghiêm ngặt cho các sàn giao dịch tiền điện tử. FSTB đã lập luận về ngưỡng đầu tư tối thiểu cho các giao dịch tiền điện tử ở mức khoảng 1 triệu USD. Điều khoản này được cho là sẽ loại khoảng 93% dân số Hồng Kông khỏi thị trường tiền điện tử nếu được thông qua.
Tuy nhiên, Ông Hui lại nói rằng: "Một hệ thống quản lý phù hợp có thể tạo điều kiện phát triển, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế".
"Đưa ra các yêu cầu bắt buộc để bảo vệ các nhà đầu tư, cấm thao túng thị trường, bảo vệ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, chúng tôi tin rằng các biện pháp được đề xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành tài sản ảo".
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://thanhnien.vn/thoi-su/bat-nhao-nguoi-noi-tieng-quang-ba-tien-ao-bat-hop-phap-1383084.html
[2]. https://cointelegraph.com/news/restricting-crypto-trading-to-millionaires-good-for-hong-kong-says-official