Tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai

P.V| 25/07/2022 08:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam được ước tính sẽ tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022 thông qua việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông lâm thủy sản của nước ta được xuất sang thị trường các nước EU.

Thị phần nông sản Việt tại EU tăng trưởng nhờ xóa bỏ hàng rào thuế quan

Vừa qua, tại tại Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam - EU tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng với Cao ủy Nông nghiệp EU Janus Wojciechowski đã có phiên thảo luận tích cực về việc tạo cơ hội thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai bên đã thống nhất trao đổi thông tin về tiến độ mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà hai bên có lợi thế.

EU là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 26,25 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 19,59 tỷ USD.

Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong khối đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt trị giá 2,05 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, cà phê, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng.

Tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai - Ảnh 1.

Cà phê, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng tại thị trường EU.

Trên thực tế, EU là thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao và ổn định đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, trong khi hàng nông sản của Việt Nam là nông sản nhiệt đới, ít cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản của châu Âu. Trước bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và khả năng cung ứng các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm cho thị trường EU.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU các mặt hàng nông sản, thực phẩm và nguyên liệu cho ngành nông nghiệp cũng gia tăng (tăng 8,5% so với 5 tháng đầu năm 2021); trong đó sữa & sản phẩm sữa và thức ăn gia súc & nguyên liệu đạt kim ngạch lớn nhất.

Nhờ có lợi ích của EVFTA, người tiêu dùng châu Âu đã có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà, cà phê Việt Nam và hàng loạt các mặt gia vị, hoa quả nhiệt đới. Các mặt hàng chính yếu như gạo, các sản phẩm đường... của Việt Nam cũng được hưởng lợi khi được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam thì có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.

Cùng với đó, hai bên cùng ủng hộ việc rà soát và mở rộng danh mục các sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) của cả hai bên. Đây là cơ hội để cả hai bên phát triển các sản phẩm làng nghề, đặc sản giá trị cao và giúp người dân, người tiêu dùng hiểu thêm về văn hóa, truyền thống phong phú của Việt Nam và EU.

Trên cương vị Cao ủy Nông nghiệp EU, ông Janusz Wojciechowski đã nêu rõ, hiện phía EU đang rất mong muốn nhập nông sản nhiệt đới của Việt Nam. Cùng với đó, EU đang đầu tư một số dự án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Theo ước tính của FAO, nông nghiệp quy mô nhỏ trên toàn cầu chỉ sở hữu 12% diện tích đất canh tác nhưng chiếm tới 30% sản lượng lương thực trên toàn thế giới. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên

EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU lại chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của thị trường này.

Tỷ trọng này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Điều này đặt ra vấn đề quan trọng là nếu không tranh thủ thời gian để tận dụng EVFTA thì Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn vì trong tương lai có thể đối mặt với ngày càng nhiều sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực với khả năng xuất khẩu các mặt hàng tương đương sang thị trường EU.

EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về vấn đề kiểm dịch động thực vật. Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trong bối cảnh những yêu cầu từ phía EU ngày một gia tăng, nguồn nguyên liệu thô rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU còn hạn chế. EU liên tục cập nhật và thông tin về các chỉ số SPS dành cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời tăng cường các tiêu chí các chứng nhận liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững. Vì thế Việt Nam cần tìm ra giải pháp để đáp ứng những tiêu chí của EU và quốc tế để xâm nhập các thị trường hiệu quả hơn

Theo Cao ủy Wojciechowski, nhờ EVFTA, thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam được ước tính sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm 2022. Để đảm bảo mức tăng trưởng này mạnh mẽ và bền vững, hai bên có thể thêm các sản phẩm mới (từ cả Việt Nam và EU) vào danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong EVFTA. EU cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ca cao ở Việt Nam thông qua một dự án mới có tên gọi "Ca cao Sản xuất qua Kinh tế tuần hoàn: Từ Hạt đến Thanh", với khoản tài trợ của EU trị giá 1.550.000 EUR.

Dự án này trở thành một phần của danh sách quan trọng các dự án khác do EU hỗ trợ, được thiết kế để giúp giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, đồng thời để phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là cho các nông hộ nhỏ.

Bộ NN&PTNT Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới nhằm thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai bên.

Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp 2 bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những giá trị mới, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO